Đối thoại Shangri-La 2019

2278fb90d7ae-1559293939-16.jpg

Như thường lệ, diễn đàn an ninh hàng đầu của khu vực-Đối thoại Shangri-La 2019 (SLD), sẽ diễn ra từ ngày 31/5-2/6, tại Singapore. Theo đơn vị tổ chức diễn đàn là Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), năm nay, 15 Bộ trưởng Quốc phòng các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Vương quốc Anh, Pháp, Singapore… cùng các quan chức quốc phòng cấp cao đến từ 47 quốc gia trên khắp thế giới sẽ cùng gặp nhau vào thời điểm căng thẳng đang có sự gia tăng giữa các nước lớn, đe dọa tới hòa bình, ổn định an ninh của khu vực.

Sự đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ, Trung sẽ là một trong những chủ đề chính, chi phối tại Đối thoại lần này cũng như hàng trăm các cuộc gặp “con thoi” diễn ra bên lề.

Đáng chú ý, ngoài sự xuất hiện của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan thì dư luận cũng đặc biệt quan tâm tới sự góp mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, sau 8 năm vắng mặt tại diễn đàn Shangri-La. Đây cũng là những dấu hiệu cho thấy sự đối đầu giữa hai siêu cường sẽ là một trong những chủ đề chính, chi phối tại Đối thoại lần này cũng như hàng trăm các cuộc gặp “con thoi” diễn ra bên lề.

Căng thẳng và kịch tính

Đó là nhận định của tiến sỹ William Choong, chuyên gia cấp cao thuộc IISS khi đề cập tới bối cảnh an ninh khu vực hiện nay ngay trước thềm Đối thoại Shangri-la.

Sự xuất hiện của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và sự góp mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa được cho là sẽ làm
Sự xuất hiện của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và sự góp mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa được cho là sẽ làm “nóng” bầu khí Đối thoại shangri-la Dialogue 2019. (Nguồn: straitstimes.com)

Theo tiến sỹ William Choong, kể từ Đối thoại Shangri-La 2018 đến nay, khu vực đã chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt về vai trò của hai siêu cường lớn nhất thế giới. Điều này có thể thấy rõ khi Mỹ liên tục đưa ra những thách thức đối với Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm thuế quan, Sáng kiến Một Vành đai-Một Con đường và trong lĩnh vực an ninh khi Mỹ cảnh báo Trung Quốc có những hoạt động phi pháp ở khu vực Nam Biển Đông và ở Biển Hoa Đông.

Cuộc cạnh tranh hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đang gây ra nhiều thách thức cho khu vực Đông Nam Á. Và một trong những vấn đề lớn nhất đối với các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á như Nhật Bản, Australia hiện nay đó là rơi vào tình thế buộc phải đứng về một bên nào đó trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc-vốn được coi là một cuộc cạnh tranh mang tính chiến lược giữa hai siêu cường.

Kể từ Đối thoại Shangri-La 2018 đến nay, khu vực đã chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt về vai trò của hai siêu cường lớn nhất thế giới.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Lê Hồng Hiệp đến từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS)-Singapore, cũng cho rằng những diễn biến tiêu cực đối với tình hình an ninh khu vực và dự kiến sẽ được đề cập nhiều nhất tại Đối thoại Shangri-La lần này chính là căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, thể hiện ở sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước ngày càng lớn qua cuộc chiến tranh thương mại hai bên.

Đặc biệt là sự mạnh tay của Mỹ trong việc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc về khoa học công nghệ qua trường hợp Công ty viễn thông Huawei (Trung Quốc) đã gặp phải những rào cản hay biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ.

Phân tích sâu hơn, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nhận định sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trong thời gian qua có tính chất chi phối tới tình hình an ninh khu vực và từ đó dẫn tới một số căng thẳng liên quan, như tình hình ở Đài Loan có thể sẽ trở nên nóng hơn trong thời gian tới, khi mà Mỹ có thể sử dụng vấn đề Đài Loan như là một “lá bài” làm phân tâm và kiềm chế Trung Quốc.

Khách sạn Shangri-La (Singapore) nơi diễn ra Đối thoại an ninh hàng đầu khu vực từ ngày 31/5-2/6, với sự tham dự của gần 60 bộ trưởng, quan chức quốc phòng của gần 50 quốc gia thuộc châu Á-Thái Bình Dương.(Xuân Vịnh/TTXVN)  
Khách sạn Shangri-La (Singapore) nơi diễn ra Đối thoại an ninh hàng đầu khu vực từ ngày 31/5-2/6, với sự tham dự của gần 60 bộ trưởng, quan chức quốc phòng của gần 50 quốc gia thuộc châu Á-Thái Bình Dương.(Xuân Vịnh/TTXVN)  

Hay tình hình Biển Đông sau một thời gian tương đối lắng dịu do quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc liên quan tới Bộ Quy tắc ứng xử (COC) và Trung Quốc chuyển hướng sang các mục tiêu ưu tiên khác thì trong thời gian tới cũng có thể được khuấy động trở lại, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang càng ngày càng tăng. Đó là chưa kể tới một số vấn đề khác mà lâu nay vẫn là mối quan tâm quan trọng của khu vực như an ninh hàng hải, chống khủng bố, an ninh mạng…

Trong bối cảnh đó, không phải ngẫu nhiên mà chủ đề đầu tiên được đưa ra thảo luận tại SLD 2019 chính là Tầm nhìn của Mỹ về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dư luận đang chờ đợi công bố của phía Mỹ có thể đưa ra những điều chỉnh hay giải thích rõ ràng hơn về nội hàm cũng như biện pháp triển khai cụ thể của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vốn đã được Mỹ công bố cách đây hơn 1 năm để giúp có sự hiểu biết và cách nhìn nhận rõ ràng hơn đối với chiến lược này, qua đó có thể giúp Mỹ thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các nước.

Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề đầu tiên được đưa ra thảo luận tại SLD 2019 chính là Tầm nhìn của Mỹ về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo tiến sỹ Tang Siew Mun, Trưởng bộ phận Nghiên cứu ASEAN thuộc ISEAS-Singapore thì việc Mỹ được cho là sẽ chính thức công bố các nội dung cụ thể của Chiến lược Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương của mình tại Shangri-La năm nay là điều rất đáng quan tâm, do kể từ khi đề cập tới thuật ngữ này đến nay thì Mỹ vẫn chưa có một văn bản hay tài liệu nào giải thích rõ. Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến mục đích của Mỹ khi đưa ra chiến lược này. Do vậy, rất đáng hoan nghênh nếu Mỹ chính thức công bố nội hàm khái niệm/thuật ngữ này và làm rõ mục đích của chiến lược này đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có mặt và phát biểu tại phiên thảo luận ngày 2/6 cũng cho thấy “sức nóng” của Đối thoại Shangri-La năm nay. Bởi đây là lần đầu sau 8 năm, Bắc Kinh mới cử đại diện ở cấp cao nhất-bộ trưởng tham dự diễn đàn này và vào một thời điểm khi mà quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng về các vấn đề thương mại và an ninh.

Tăng cường tương tác, xây dựng lòng tin

Tại Đối thoại Shangri-La lần này, khách mời đặc biệt sẽ phát biểu khai mạc dẫn đề tối ngày 31/5 là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Điều này một lần nữa thể hiện sự quan tâm của chính phủ Singapore đối với việc duy trì, thúc đẩy vai trò của Đối thoại Shangri-La cũng như gián tiếp qua đó thể hiện vai trò của Singapore như là một địa điểm hàng đầu tổchức các hội nghị, sự kiện của khu vực nhằm đóng góp vào hòa bình, ổn định an ninh ở khu vực.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long dự kiến sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ “ổn định và mang tính xây dựng” giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng sẽ nêu bật những vai trò tiềm năng mà Singapore cũng như các quốc gia nhỏ khác có thể đóng góp vào việc củng cố trật tự thế giới đa phương.

Bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long dự kiến sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ “ổn định và mang tính xây dựng” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bên cạnh phát biểu khai mạc của Thủ tướng Lý Hiển Long, Đối thoại Shangri-al 2019 sẽ có 6 phiên toàn thể với các chủ đề: Tầm nhìn của Hoa Kỳ về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; An ninh Triều tiên: Những bước tiếp theo; Trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á và những thách thức; Trung Quốc và hợp tác an ninh quốc tế; Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh; Đảm bảo một khu vực tự cường và ổn định. Ngoài ra, diễn đàn còn có 6 phiên họp đồng thời với các chủ đề liên quan đến an ninh hàng hải, phát triển công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc phòng…

Và như ban tổ chức cho biết, bên lề song không kém phần “khốc liệt” chính là hàng trăm các cuộc gặp “con thoi” tại Đối thoại Shangri-la năm nay giữa các Bộ trưởng Quốc phòng, chỉ huy quân sự và các quan chức an ninh hàng đầu từ 38 quốc gia trên khắp châu Á, Australia, Bắc Mỹ và châu Âu.

Quang cảnh Đối thoại Shangri-La. (Nguồn: mothership.sg)
Quang cảnh Đối thoại Shangri-La. (Nguồn: mothership.sg)

Bên cạnh những gương mặt đã quen thuộc thì SLD năm nay cũng ghi nhận sự tham dự lần đầu tiên của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, tân Bộ trưởng Quốc phòng Australia-Thượng nghị sỹ Linda Reynold và tân Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh-Penny Mordaunt cùng sự “trở lại” của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa.

Đây là cơ hội để các nước có thể nói chuyện, trao đổi về các vấn đề của từng nước và lắng nghe quan điểm nước khác, từ đó góp phần củng cố, xây dựng lòng tin chiến lược lẫn nhau.

“Hãy tưởng tượng nếu các nước có xung đột, nhưng không trao đổi, lắng nghe lẫn nhau thì xung đột đó có thể trở thành chiến tranh. Do vậy, thực sự rất đáng hoan nghênh nếu tại Shangri-la năm nay có nhiều hơn các cuộc đối thoại, gặp gỡ bên lề bên cạnh trao đổi, đối thoại giữa lãnh đạo quốc phòng, các nhà hoạch định chính sách các nước với nhau,” tiến sỹ Tang Siew Mun chia sẻ.

“Thực sự rất đáng hoan nghênh nếu tại Shangri-la năm nay có nhiều hơn các cuộc đối thoại, gặp gỡ bên lề bên cạnh trao đổi, đối thoại giữa lãnh đạo quốc phòng, các nhà hoạch định chính sách các nước với nhau,” (tiến sỹ Tang Siew Mun)

Là một thành viên tích cực của Đối thoại Shangri-la, năm nay, đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 18. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Phiên toàn thể thứ 5, diễn ra ngày 2/6, với chủ đề “Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh.”

Sự tham dự của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và đoàn đại biểu quân sự cấp cao tại Đối thoại lần này khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực cũng như thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung.

Kể từ khi dược tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 tại Singapore theo sáng kiến của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh), đến nay, Đối thoại Shangri-La đã trở thành một diễn đàn hàng đầu có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế.

Diễn đàn đã nhận được sự ủng hộ của nước chủ nhà Singapore-là nơi đăng cai tổ chức các đối thoại hàng năm cùng với IISS, cùng với đó là sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các quốc gia chủ chốt như Mỹ thường xuyên cử Bộ trưởng Quốc phòng tới dự…

Các nước khác cũng coi trọng diễn đàn này như là một cơ chế để giúp các quan chức quốc phòng có thể tương tác, xây dựng lòng tin cũng như thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, từ đó có thể đưa ra những đánh giá, định hình chiến lược quốc phòng với mục tiêu hướng tới giải quyết các thách thức an ninh đối với khu vực và các mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.