Đối thoại Trung-Mỹ: Khó có thể tạo bước đột phá lớn

Các chuyên gia nhận định cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ diễn ra ở Mỹ từ 9/5 khó có thể tạo được bước đột phá lớn.

Phái đoàn Mỹ có thể sẽ ép Trung Quốc về một loạt vấn đề liên quan đến tỷ giá đồng Nhân dân tệ, cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong khi Bắc Kinh hy vọng sẽ hối thúc Washington dỡ bỏ các rào cản đối với những công ty Trung Quốc làm ăn tại Mỹ.
Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu vòng thảo luận thứ ba cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế trong hai ngày 9-10/5 tại Washington, Mỹ.

Phái đoàn Mỹ có thể sẽ ép Trung Quốc về một loạt vấn đề liên quan đến tỷ giá đồng Nhân dân tệ, cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong khi Bắc Kinh hy vọng sẽ hối thúc Washington dỡ bỏ các rào cản đối với những công ty Trung Quốc làm ăn tại Mỹ. Song, giới phân tích nhận định hai bên sẽ khó có thể tạo được bước đột phá lớn nào tại các cuộc đàm phán cấp cao thường niên này.

Các chuyên gia cho rằng trước áp lực mạnh mẽ từ phía Mỹ về chính sách tiền tệ, Trung Quốc dường như sẵn sàng hơn cho phép đồng Nhân dân tệ tăng giá ở mức nhanh hơn để kiểm soát lạm phát trong nước, một mối quan tâm mới chủ chốt của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã nâng 5% giá trị đồng đồng Nhân dân tệ so với đồng USD kể từ khi nước này cam kết áp dụng tỷ giá linh hoạt hơn cho đồng nội tệ hồi tháng 6/2010. Bắc Kinh cũng phát đi tín hiệu rằng tỷ giá hối đoái sẽ được sử dụng để kiềm chế đà leo thang của giá cả và dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng ở nước này.

Vấn đề tỷ giá vẫn tồn tại ầm ĩ, và hai nước vẫn "ăn miếng trả miếng" trong một loạt tranh chấp gần đây tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến mọi thứ, từ sắt thép đến tuốcbin gió, thịt gà và tôm... Khi hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới gặp nhau tại các cuộc đàm phán thường niên cấp cao này, Washington sẽ đề nghị Bắc Kinh tăng nhanh giá trị đồng Nhân dân tệ, song các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ vẫn hành động theo ý mình và sẵn sàng "đổi hướng" nếu xuất khẩu của họ suy giảm hay đình trệ.

Giáo sư kinh tế Patrick Chovanec, thuộc Đại học Thanh Hoa, nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng nâng giá đồng nội tệ nếu động thái này giúp họ đối phó với lạm phát, song mức tăng sẽ chỉ vừa phải, bởi lẽ Trung Quốc vẫn lo ngại tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đối với ngành xuất khẩu.

Các quan chức Mỹ lâu nau chỉ trích gay gắt chính sách tỷ giá của Trung Quốc khi cho rằng Bắc Kinh đã cố tình ấn định giá trị đồng Nhân dân tệ ở mức thấp hơn nhiều so với giá trị trị thực, nhằm đem lại thế thương mại không công bằng cho các nhà xuất khẩu trong nước, gây thiệt hại cho giới doanh nghiệp và người lao động Mỹ.

Ngày 9/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (BPoC) đã ấn định tỷ giá chính thức của đồng Nhân dân tệ ở mức 6,4988 Nhân dân tệ đổi 1 USD, mức mạnh nhất kể từ tháng 6/2010. Tuy vậy, ông David Loevinger, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, nói trong suốt 18 tháng qua, tỷ giá đồng Nhân dân tệ dường như đã bị đóng băng. Do lo ngại lạm phát leo thang có thể gây bất ổn xã hội tại đất nước có hơn 1,3 tỷ dân, Trung Quốc đã coi giải quyết vấn đề giá lương thực và nhà ở leo thang là ưu tiên số một của họ trong năm nay. Nhưng một loạt đợt tăng lãi suất trong thời gian, cũng như các lần siết chặt những hạn chế cho vay và kiểm soát giá cả chỉ có ít tác dụng. Lạm phát ở Trung Quốc đã tăng 5,4% trong tháng 3/2011, mức hàng năm cao nhất kể từ tháng 7/2008.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường hơn cho các doanh nghiệp Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gary Locke phàn nàn rằng nhiều công ty Mỹ đã phải rút khỏi Trung Quốc đại lục vì những chính sách thiên vị doanh nghiệp trong nước của Bắc Kinh. Theo ông Locke, thị trường Mỹ luôn mở rộng với các doanh nghiệp Trung Quốc, ngoại trừ một số trường hợp liên quan đến những quan ngại về an ninh quốc gia.

Về thương mại, các quan chức Mỹ sẽ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc cải tổ lĩnh vực tài chính nước này như tuyên bố hồi tuần trước của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner. Theo ông Geithner, Trung Quốc cần bãi bỏ những hình thức bảo hộ đang được thiết kế nhằm giảm chi phí vốn cho các doanh nghiệp quốc doanh.

Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc hy vọng có thể thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ những hạn chế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn tại thị trường Mỹ. Đây là vấn đề lớn đối với giới chức Trung Quốc trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty trong nước vươn ra nước ngoài. Không ít trong số đó phàn nàn rằng họ vấp phải những trở ngại pháp lý cũng như hành chính tại Mỹ.

Trung Quốc cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đên xung đột thương mại Trung-Mỹ là việc Mỹ áp đặt hạn chế với các doanh nghiệp đại lục vào thị trường này. Trung Quốc cũng nhận xét đáng lẽ họ đã mua nhiều hơn từ Mỹ nếu những kiểm soát đối với hàng hóa công nghệ cao không khắt khe như vậy.

Tại một cuộc họp báo cuối tuần qua, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu tuyên bố phái đoàn Trung Quốc tham dự cuộc đối thoại sẽ yêu cầu Chính phủ Mỹ cung cấp một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo một báo cáo của Trung tâm Xã hội châu Á (trụ sở tại Mỹ) về quan hệ Trung-Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc đang cảm thấy đầu tư vào Mỹ hấp dẫn hơn trước. Năm ngoái, đầu tư Trung Quốc vào Mỹ đạt hơn 5 tỷ USD. Ước tính đến năm 2020, đầu tư Trung Quốc ra nước ngoài sẽ đạt 1.000 tỷ USD và Mỹ sẽ chiếm một phần quan trọng trong đó.

Tuy nhiên, đường đi của các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là trong ngành công nghệ cao, không bằng phẳng. Một ví dụ là Tập đoàn Huawei (ở Thâm Quyến) mới đây phải miễn cưỡng từ bỏ vụ mua lại 3Leaf Systems, một công ty công nghệ Mỹ, tuân theo một phán quyết của Ủy ban về đầu tư nước ngoài (Mỹ), tổ chức xem xét các ảnh hưởng, tác động đến an ninh quốc gia của những vụ đầu tư như vậy. Các tập đoàn Trung Quốc như Huawei chỉ trích những phán quyết đó là một sự phản ánh của tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh.

Tra Đạo Quýnh, giáo sư trường Nghiên cứu quốc tế thuộc đại học Bắc Kinh, nhận xét nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang lo ngại mức độ mà ủy ban trên của Mỹ thực hiện trong việc ngăn cản đầu tư Trung Quốc tại Mỹ./.

Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục