Đối thoại với "nhà cảnh báo khủng hoảng"

Ngày 21/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế 2008, người được mệnh danh là “Nhà cảnh báo khủng hoảng” của thế giới, đã chủ trì hội thảo quốc tế về kinh tế và kinh doanh với chủ đề “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng”.

Ngày 21/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế 2008, người được mệnh danh là “Nhà cảnh báo khủng hoảng” của thế giới, đã chủ trì hội thảo quốc tế về kinh tế và kinh doanh với chủ đề “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng”.

Gần 700 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các học giả, các nhà kinh tế, nhà ngoại giao và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đã dự hội thảo.

Giáo sư Paul Krugman đã tập trung phân tích về cuộc khủng hoảng và cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế này đang có nguy cơ trầm trọng nhất kể từ cuộc đại suy thoái toàn cầu diễn ra trong thập niên 1930 đến nay.

Tại Mỹ, khủng hoảng bắt đầu từ việc các ngân hàng cho vay cầm cố bất động sản dưới chuẩn và tại Châu Âu, khủng hoảng bắt nguồn từ việc mất cân đối về cán cân thương mại vãng lai.

Kinh tế toàn cầu đang suy giảm trong khi năng lực đang thừa thãi, người dân vẫn giữ chặt tiền mà chưa chịu chi tiêu. Đến nay, cuộc khủng hoảng dường như đã “chạm đáy”, đã có một vài dấu hiệu phục hồi đầu tiên như việc Trung Quốc tăng nhẹ kim ngạch xuất khẩu, tốc độ suy giảm công nghiệp và tình trạng thất nghiệp tại Mỹ giảm dần, bất động sản tăng nhẹ...

Tuy nhiên, thế giới vẫn đang ở trong giai đoạn khó khăn, thời gian hồi phục sẽ có thể phải kéo dài trong khoảng vài ba năm nữa, không có lối đi tắt để thoát nhanh ra khỏi khủng hoảng. Cần phải có sự bùng nổ về đầu tư, cần công nghệ mới như công nghệ xanh, công nghệ sạch để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đối thoại với các đại biểu, giáo sư Paul Krugman đã khuyến nghị và chia sẻ với các đại biểu về các giải pháp cần thực thi để giúp vượt qua khó khăn và khủng hoảng.

Giáo sư cho rằng, bên cạnh việc tăng cường các gói giải pháp kích cầu, cần tăng cường kiểm soát hệ thống tài chính - ngân hàng bằng các quy định mang tính quốc gia, quốc tế, bảo đảm cho các thể chế này hoạt động an toàn; cần ngăn chặn những hành vi xấu, nâng cao đạo đức trong kinh doanh.

Ngoài ra, việc có những biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tác hại của biến đổi khí hậu; dự báo đúng tình hình... cũng rất cần thiết.

Đối với Việt Nam, giáo sư Paul Krugman đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam để trở thành một câu chuyện thành công trong phát triển kinh tế.

Theo giáo sư, việc Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu các sản phẩm thâm dụng lao động, nguyên liệu thô... chưa hẳn là điều không tốt, vì kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển bước đầu. Sau này Việt Nam sẽ xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng lao động một cách hiệu quả.

Trả lời câu hỏi của một đại biểu về việc giáo sư sẽ đưa ra lời khuyên gì khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam vào ngày 22/5, ông Paul Krugman cho biết: "Tôi sẽ lắng nghe các lãnh đạo Việt Nam nói gì, tôi sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo đất nước này với tư cách là một biên tập viên, chủ biên của một chuyên mục của tờ New York Times".

Ông gợi ý, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam nên thận trọng, đừng bỏ tiền vào các công cụ tài chính phái sinh. Những điều cần phải làm là phải có một hệ thống các biện pháp khác nhau; quản lý chặt chẽ hệ thống tài chính - ngân hàng, từng bước phát triển sản xuất tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới.

Giáo sư cũng bày tỏ niềm tin rằng tuy là một nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc nhiều vào thời gian phục hồi của nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam sẽ sớm khắc phục được khó khăn, ổn định và phát triển./.

Hà Huy Hiệp (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục