Đối tượng gây ô nhiễm bắt buộc phải khắc phục hậu quả

Vụ cá chết: Đối tượng gây ô nhiễm bắt buộc phải khắc phục hậu quả

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sẽ cương quyết xử lý nghiêm bất cứ tổ chức, cá nhân nào gây ô nhiễm môi trường, thậm chí sẽ đề nghị truy tố nếu cố tình vi phạm.
Vụ cá chết: Đối tượng gây ô nhiễm bắt buộc phải khắc phục hậu quả ảnh 1Người dân thu gom cá chết dạt vào bờ biển miền Trung. (Nguồn: TTXVN)

“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiên quyết xử lý nghiêm bất cứ tổ chức, cá nhân nào gây ô nhiễm môi trường, đình chỉ hoạt động và triển khai các biện pháp bắt buộc khác để khắc phục hậu quả. Trường hợp cố tình vi phạm, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề nghị truy tố theo những quy định của pháp luật.”

Thông điệp trên vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát đi vào trưa 1/5, đối với các Tổng cục, các Cục, Vụ, Viện liên quan và Sở Tài nguyên-Môi trường các tỉnh xuất hiện cá chết hàng loạt ở ven biển miền Trung.

Ngay sau khi chuyển những thông điệp trên đến các cơ quan liên quan, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ tài nguyên và Môi trường tham dự cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng: Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam chủ trì làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết hàng loạt, diễn ra tại Trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau khi sự cố cá chết hàng loạt xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn thực hiện một số biện pháp khẩn cấp.

Vụ cá chết: Đối tượng gây ô nhiễm bắt buộc phải khắc phục hậu quả ảnh 2Người dân chứng kiến cơ quan chức năng, kiểm tra, chứng thực nguồn gốc hải sản. (Ảnh: Thành Thọ/Vietnam+)

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông báo, tuyên truyền để người dân biết, không sử dụng cá chết để chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi; quản lý, kiểm soát, xử lý đúng quy cách, không để xảy ra tình trạng đưa cá chết ra tiêu thụ, buôn bán.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chỉ đạo tổ chức thu gom và tiêu hủy cá chết, xử lý rác thải tại bờ biển; ngăn chặn mọi hình thức đổ rác thải tại các khu vực ven biển, ven sông; tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất ở vùng đất ven biển, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển.

[Vụ cá chết hàng loạt: Không có việc đánh đổi môi trường lấy dự án]

Trong việc truy tìm độc tố, xác định nguyên nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các tỉnh tổ chức các đoàn khảo sát hiện trạng môi trường ven biển, tiến hành lấy mẫu phân tích nước biển ven bờ, trầm tích và các mẫu cá chết, chưa chết gửi các cơ quan khoa học để phân tích, giám định.

“Đặc biệt từ ngày 26/4/2016, Bộ đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế lấy mẫu nước biển các bãi tắm ven biển phân tích, đối chiếu với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố rộng rãi hàng ngày.”

“Đến nay, Bộ đã tiến hành công bố về chất lượng nước biển ven bờ của các bãi tắm thuộc vùng biển các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế trên các phương tiện thông tin đại chúng và sẽ phát thường xuyên liên tục hàng ngày,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục