Đón bằng công nhận di sản tư liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

Với việc "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Huế thực sự đã trở thành "Một điểm đến, năm di sản."
Đón bằng công nhận di sản tư liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế ảnh 1Phong cách trang trí 'nhất thi nhất họa' trên kiến trúc cung đình Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ngày 11/6, tại thành phố Huế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức công bố và đón nhận Bằng công nhận Di sản tư liệu "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Như vậy, với việc "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" được công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đến nay, Huế thực sự đã trở thành "Một điểm đến, năm di sản."

Bốn di sản đã được UNESCO và tổ chức của UNESCO công nhận trước đó, gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014).

Tính điển hình của di sản

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế gồm những tác phẩm tinh tuyển từ vô số các trước tác của các vị hoàng đế triều Nguyễn, bắt đầu được sử dụng để trang trí trên cung điện, đền miếu, lăng tẩm hoàng gia từ thời Minh Mạng (1820-1841) đến thời Khải Định (1916-1925). Ngoài số lượng đồ sộ, ở đây còn có tính điển hình về phong cách trang trí "nhất thi nhất họa."

Theo nhiều nghiên cứu, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một nghệ thuật trang trí đặc biệt, là di sản quý giá, không thấy xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Ngoại trừ một số di tích quan trọng được trang trí rất nhiều thơ văn đã bị phá hủy trong chiến tranh (1947) như Thái Tổ Miếu, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, điện Khôn Thái..., danh mục di tích có văn tự và số lượng ô văn tự hiện còn (chưa tính số ô hộc thơ khảm sành sứ ở lăng Khải Định) thì có tới 2.742 ô thơ. Riêng ở Hoàng Thành: Điện Thái Hòa có 242 ô thơ, sơn son thếp vàng; Thế Miếu có 679 ô thơ, sơn son thếp vàng; Hưng Miếu có 110 ô thơ, sơn son thếp vàng; Triệu Miếu có 62 ô thơ, sơn son thếp vàng. Các lăng Minh Mạng, Thiệu Trị, Đồng Khánh, Quốc Tử Giám - Tân Thơ Viện... cũng được trang trí ô thơ, sơn son thếp vàng với số lượng lớn.

Trải qua thời gian, sự khắc nghiệt của thiên tai, tàn phá của chiến tranh, đến nay Huế vẫn còn bảo tồn được hơn 3.000 đơn vị với đầy đủ các loại hình: thơ, văn, câu đối, đại tự... Bên cạnh các bài thơ được trang trí theo lối "nhất thi nhất họa," còn có cách trình bày theo lối "nhất tự nhất họa," tức là mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh. Vị trí thể hiện chủ yếu là trên các liên ba, đố bản hay cổ diềm các công trình, trong nội thất và ngoại thất kiến trúc cung đình Nguyễn.

Điển hình, bài thơ ở gian chính trung, ô chính giữa trên điện Thái Hòa được xem như bản tuyên ngôn độc lập của triều Nguyễn: "Văn hiến thiên niên quốc/Xa thư vạn lý đồ/Hồng Bàng khai tịch hậu/Nam phục nhất Đường Ngu." Hoặc cũng là bài thơ trên điện Thái Hòa: "Thái bình tân chế độ/Hiên khoát cưu quy mô/Văn vật thanh danh hội/Xuân phong mãn đế đô", tạm dịch: Thái bình chế độ mới/Mở rộng quy mô xưa/Văn vật về tụ hội/Gió Xuân khắp đế đô." Đây đều là các trước tác được tuyển chọn trong vô số các tác phẩm đặc sắc của vua quan và hoàng tộc triều Nguyễn. Công việc này được thực hiện bởi các thế hệ nghệ nhân giỏi nhất quốc gia.

Tất cả thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đều được chạm, khắc, khảm, đúc, nung, ghép trên nhiều chất liệu khác nhau: gỗ, đồng, pháp lam, ngà voi, xương, sành sứ, tạo nên một bộ sưu tập thơ văn vô cùng phong phú và có giá trị đặc biệt về mỹ thuật, văn hóa, lịch sử. Cho đến nay, hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế vẫn được bảo tồn rất tốt, trừ các tác phẩm đã bị mất mát do công trình bị tiêu hủy, số còn lại được giữ gìn hầu như nguyên vẹn, phản ánh trí tuệ, tài năng của tiền nhân, có ý nghĩa quan trọng đối với các thế hệ mai sau khi đọc sử thông qua những áng thơ văn trang trí một cách độc đáo của một giai đoạn lịch sử gần 150 năm phát triển chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa của Việt Nam.


Định hướng bảo tồn

Di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được đánh giá là một di sản tư liệu chân xác hàm chứa một nội dung giá trị được lưu giữ bằng những tác phẩm nghệ thuật vô giá: những bức tranh, những bức thư pháp được các nghệ nhân tài hoa chạm khảm trên một loại gỗ quý và bền như sắt thép (lim: thiết mộc) để trang hoàng làm tôn vinh giá trị của các công trình kiến trúc cung đình Huế.

Khi hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận, hệ thống di tích Cố đô Huế có thêm điểm đặc biệt là di sản nằm trong di sản nên rất có lợi trong việc bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên, chính vì hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu, phải được bảo vệ tuyệt đối tính độc bản, nguyên gốc nên việc bảo tồn các công trình liên quan cũng phải đưa ra những quyết định cực kỳ nghiêm ngặt, tính nguyên gốc đòi hỏi phải được bảo vệ một cách tốt nhất.

Ông Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh sau sự vinh danh của UNESCO sẽ là nhiệm vụ và thách thức lớn đối với Thừa Thiên-Huế trong định hướng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu này cùng với các di sản văn hóa đã được công nhận một cách toàn diện. Đây cũng là cơ hội mới để Thừa Thiên-Huế tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn di sản tư liệu này và các di sản tư liệu tiềm tàng khác; trao đổi thông tin và huy động các nguồn lực để bảo quản, số hóa, tăng cường sự tiếp cận; đồng thời mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác quốc tế.

Đón bằng công nhận di sản tư liệu thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế ảnh 2Bằng công nhận 'Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế' là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Khẳng định nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá không là trách nhiệm của riêng ai mà của cả cộng đồng và toàn xã hội, ông Nguyễn Văn Cao yêu cầu trong thời gian tới, định hướng công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, nhất là UNESCO, nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ cho di sản Huế trên nhiều phương diện; tranh thủ quảng bá hình ảnh Huế thông qua công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Tỉnh tiếp tục củng cố mối quan hệ với các bộ, ngành Trung ương, các khu di sản thế giới ở Việt Nam và các tỉnh bạn để tranh thủ tối đa các nguồn lực và sự ủng hộ vật chất, tinh thần phục vụ cho công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản Huế. Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của vùng đất Cố đô Huế sẽ được nâng lên tầm cao mới, góp phần đưa tỉnh Thừa Thiên-Huế phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những đô thị trung tâm của khu vực miền Trung và là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học-công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Hiện tại, toàn bộ hệ thống tư liệu này đã được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quay phim, chụp ảnh, số hóa để lưu trữ phòng tránh những tình huống đáng tiếc bất ngờ xảy đến với di tích, cũng như để hạn chế việc phải sử dụng tư liệu gốc. Khó khăn nhất hiện nay của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là sự bảo tồn các công trình kiến trúc đang chứa đựng di sản tư liệu này.

Tuy mỗi ô thơ là một cổ vật, nhưng vì nằm trên những công trình cổ nên không thể áp dụng những phương pháp hiện đại như kho chuyên dụng để điều khiển nhiệt độ, độ ẩm. Hệ thống này vẫn đang chịu đựng thời gian, khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm như 200 năm vừa qua chúng đã chịu đựng.

Thời gian tới, việc bảo tồn tính toàn vẹn của di sản nhân loại này luôn được đặt ra trong công tác trùng tu di tích. Nhiều cơ quan chuyên ngành bảo quản và bảo tồn đang nỗ lực nghiên cứu giữ gìn bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là sơn thếp bằng chất liệu truyền thống như vốn có của nó, hoặc sơn son thếp bằng vàng thật ở các công trình quan yếu, nhằm phát huy giá trị di tích, thu hút khách tham quan, nghiên cứu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục