Đón bằng công nhận Di sản văn hóa quốc gia Lễ hội đền A Sào

Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền A Sào diễn ra tại di tích đền A Sào (Thái Bình), nơi thờ Hưng Đạo Vương.

Tối 20/9 , tại khu di tích đền A Sào, nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Phụ đã tổ chức khai mạc lễ hội đền A Sào và đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền A Sào.

Chương trình khai hội được mở đầu bằng màn múa trống hội và múa rồng. Sau nghi lễ công bố, trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền A Sào là chương trình nghệ thuật “A Sào linh ứng” với ý tưởng tạo điểm nhấn về giá trị lịch sử, ý nghĩa tâm linh của ngôi đền và giá trị nhân văn của lễ hội A Sào.

Lễ hội đền A Sào năm 2016 và đón Bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhằm khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời quảng bá về thân thế, sự nghiệp Đức Thánh Trần trên mảnh đất A Sào-An Thái đến các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Theo sử sách và cứ liệu lịch sử còn lưu giữ, đền A Sào (hay còn gọi là Đệ nhị sinh từ), nơi thờ Quốc Công Tiết Chế-Hưng Đạo Đại Vương thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, tọa lạc trong thái ấp của An Sinh Vương-Trần Liễu, phụ thân của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Năm 18 tuổi Trần Quốc Tuấn được phong tước Thượng Vị Hầu, đã về A Sào xây dựng căn cứ và kho dự trữ lương thảo (hay Mễ Thương). Đây được coi là vùng đất Thánh có vị trí chiến lược góp phần làm nên chiến thắng trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên-Mông.

Đặc biệt Bến Tượng A Sào đã ghi dấu tích voi chiến của Trần Hưng Đạo bị sa lầy trong trận đánh quân của Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng và gắn với lời thề quyết tử của Hưng Đạo Vương: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không về bến sông này.”

Nhớ công ơn của Ngài, sau chiến thắng quân Nguyên, nhân dân đã lập đền thờ Ngài gọi là Đệ nhị sinh từ hay A Sào linh miếu (đền A Sào). Trong khuôn viên của đền có hồ Tắm Tượng (hồ để voi tắm), có gò Đống Yên (nơi để yên ngựa của quân lính), Trại binh (nơi ở của quân lính) và nhiều binh khí khác... Bến sông nơi quân lính nhà Trần đi qua còn có tên Bến Tượng, có miếu thờ tượng voi.

Năm 2014, quần thể di tích đền A Sào được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu di tích lịch sử nhà Trần tại thôn A Sào, xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ) với diện tích gần 32ha, trong đó có nhiều hạng mục lớn, xứng tầm với sự kiện và địa danh lịch sử.

Lễ hội đền A Sào sẽ diễn ra đến hết ngày 22/9 (tức ngày 22 tháng 8 âm lịch) với nhiều nghi lễ văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian đặc sắc như: tế lễ, hát văn, kéo co, thi pháo đất, cờ tướng, múa kéo chữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục