Đồng bạc xanh đi xuống so với hầu hết các đồng tiền châu Á

Những đồn đoán về khả năng Fed trì hoãn nâng lãi suất đã khiến đồng USD đi xuống so với hầu hết các đồng tiền của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đồng bạc xanh đi xuống so với hầu hết các đồng tiền châu Á ảnh 1(Nguồn: AFP/TTXVN)

Các số liệu đáng thất vọng mới phát đi từ nền kinh tế Mỹ đã làm dấy lên đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ trì hoãn việc nâng lãi suất, qua đó đã "hâm nóng" lại nhu cầu tìm kiếm tài sản rủi ro của giới đầu tư và khiến đồng USD đi xuống so với hầu hết các đồng tiền của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cuối phiên giao dịch ngày 6/10 tại thị trường Tokyo, đồng rupiah của Indonesia tăng giá 1,8% so với đồng USD, lên 14.233 rupiah/USD. Thậm chí trong phiên này, có thời điểm đồng rupiah còn "vọt" tăng 2,2% so với đồng USD.

Trong khi đó, đồng won của Hàn Quốc cũng lên giá so với đồng USD, khi tăng 0,52%.

Đồng tiền Mỹ cũng lùi bước so với đồng yen của Nhật Bản, hạ nhẹ từ mức 120,46 yen/USD ghi nhận trong phiên giao dịch 5/10 tại thị trường New York, xuống 120,45 yen/USD, song lại tăng giá so với đồng tiền chung châu Âu, từ mức 1,1187 USD/euro lên 1,1182 USD/euro.

Đồng SGD của Singapore và đồng baht của Thái Lan cũng lần lượt giảm 0,38% và 0,22% so với đồng bạc xanh.

Sự xuống giá của đồng USD trong phiên này bắt nguồn chủ yếu từ báo cáo việc làm tháng 9/2015, vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 2/10. Cụ thể nền kinh tế số một thế giới chỉ tạo thêm được 142.000 việc làm trong tháng Chín, thấp hơn nhiều so với con số 205.000 việc làm mà các nhà phân tích dự đoán trước đó.

Chính phủ Mỹ cũng đã từng cắt giảm các dự báo về việc làm được tạo ra trong các tháng Bảy và Tám. Chuyên gia phân tích Hugh Johnson tại Hugh Johnson Advisors cho rằng số liệu việc làm mới nhất này cho thấy nền kinh tế Mỹ rõ ràng là đang yếu đi nhiều hơn dự kiến.

Thêm vào đó, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) được công bố trong tuần trước cũng cho thấy hoạt động của ngành công nghiệp Mỹ đã chững lại trong tháng Chín.

Thông tin này đã khiến nhiều người hoài nghi về kế hoạch nâng lãi suất của Fed trong năm nay, đồng thời thúc đẩy giới đầu tư tìm đến các tài sản rủi ro và thị trường chứng khoán.

Đồng nội tệ Nhật Bản được dự báo sẽ còn hạ thấp hơn trong thời gian tới, khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), đã bước vào cuộc họp chính sách hai ngày từ 6/10, có thể sẽ tung ra thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ vào cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục