Đồng bằng sông Cửu Long đạt kim ngạch xuất khẩu 9,2 tỷ USD

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 85% kế hoạch năm, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng bằng sông Cửu Long đạt kim ngạch xuất khẩu 9,2 tỷ USD ảnh 1Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, từ đầu tháng 10 đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1 tỷ USD, nâng tổng giá trị hàng xuất khẩu toàn vùng từ đầu năm đến nay ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 85% kế hoạch năm, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, hai mặt hàng gạo và thủy sản chiếm trên 5 tỷ USD.

Các tỉnh Long An, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ dẫn đầu toàn khu vực về giá trị xuất khẩu hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm 2014, xuất khẩu hàng hóa trong vùng gặp khó khăn nhưng các tỉnh đã tích cực mở rộng thị trường, phấn đấu tăng thị phần trên các thị trường, đồng thời tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường có sức mua lớn.

Các tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát, tiếp thị, quảng bá sản phẩm trên thị trường nhiều nước châu Á, châu Phi, châu Đại Dương, EU, Bắc Mỹ; mở rộng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, phổ biến cho doanh nghiệp xuất khẩu về quản lý trong quá trình kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa, kinh nghiệm về áp dụng các giải pháp tài chính chuyên biệt tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp thành công đồng thời thực hiện tốt chương trình hỗ trợ ngành gạo xuất khẩu, chương trình bảo lãnh tín dụng, chương trình phát triển và quản lý chuỗi cung ứng, các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan đến xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, các tỉnh cũng chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và chuyển dịch xuất khẩu theo hướng tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao, áp dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đối với mặt hàng gạo và thủy sản, các tỉnh tăng vốn đầu tư cho ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong các khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm; giảm chế biến thủy sản thô, đa dạng hóa và tăng tỷ trọng sản phẩm cao cấp, quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng thủy sản, đáp ứng đơn đặt hàng của khách hàng "khó tính" tại Nhật, Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục