Đồng bằng sông Cửu Long: Khi tháng Bảy nước không còn nhảy lên bờ!

Theo quy luật hàng năm, cứ vào tháng Bảy (Âm lịch) nước từ thượng nguồn sông Mekong tràn về các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng năm nay đã gần hết tháng mà nhiều nơi nước vẫn chưa tràn bờ.
Nước dưới kênh mương vùng U Minh Thượng ở tỉnh Kiên Giang sắp khô cạn đáy. (Ảnh: TTXVN)
Nước dưới kênh mương vùng U Minh Thượng ở tỉnh Kiên Giang sắp khô cạn đáy. (Ảnh: TTXVN)

Từ quy luật của tự nhiên là cứ vào tháng Bảy (Âm lịch) hằng năm, nước từ thượng nguồn sông Mekong tràn về các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long mang theo nguồn phù sa và nguồn lợi thủy sản, nên dân gian có câu "Tháng Bảy nước nhảy lên bờ/Sắm rớ, sắm đáy đợi chờ làm ăn."

Thế nhưng, năm nay đã gần hết tháng Bảy mà nước vẫn chưa về. Trên các cánh đồng xả lũ ở vùng đầu nguồn Đồng Tháp, nhiều nơi nước vẫn chưa tràn bờ.

Những cánh đồng chờ... nước

Tại huyện Hồng Ngự - địa phương đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, từ giữa tháng Tám vừa qua, khoảng 9.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở các ô đê bao không an toàn đã được các hộ nông dân chủ động mở đồng, sẵn sàng đón lũ lấy phù sa, thay vì sản xuất lúa vụ 3 như trước đây.

Tuy nhiên, hiện tại mực nước thấp, các cánh đồng xả lũ ở các xã Thường Thới Hậu A, Thường Phước 1, Thường Lạc của huyện Hồng Ngự vẫn chưa có nước ngập đồng, lúa chét (lúa đâm chồi từ gốc rạ) đã xanh um.

Nông dân Nguyễn Văn Học, xã Thường Thới Hậu A cho biết sau khi thu hoạch vụ lúa Hè Thu, các diện tích đất canh tác của ông sẽ được xả lũ để tiêu diệt côn trùng, mầm bệnh, đồng thời giảm nguy cơ thiệt hại do sản xuất tự phát trong thời gian lũ về.

Ngoài ra, để "hồi sức" cho đất, ông Học còn thực hiện biện pháp cày sâu, xới kỹ với mong đợi đất tơi xốp hơn, phù sa được cung cấp sâu khi con nước tràn đồng, nhưng, con nước nhỏ, ruộng đồng vẫn chưa ngập nước.

[Thị trường nông sản tuần qua: Lúa, tiêu giữ giá ổn định]

Theo ông Học, nếu con nước không lên đồng, vụ Đông Xuân tới ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Bởi nước không ngập thì cỏ nhiều, không diệt được mầm bệnh tồn dẫn trong đất; để bắt đầu vụ mới nông dân bắt buộc phải dẫn nước vào ngâm đồng. Một mặt, sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, mặt khác, hiệu quả và lượng phù sa cung cấp sẽ không được cao như cánh đồng chạy nước tự nhiên.

Ghi nhận tại cống Xả Mác, xã Thường Thới Hậu A, một trong những miệng cống đầu nguồn được mở đầu tiên để đón lũ, mực nước chỉ ngấp nghé bờ đê trong vài ngày nhưng sau đó giảm dần theo triều.

Thường xuyên thăm đồng theo dõi mực nước mỗi ngày, ông Ngô Văn Đột thông tin, vào thời điểm "con nước rong" (nước dâng cao theo triều cường) vào đầu tháng Bảy (Âm lịch), cống mở, nước ngoài sông thông thường chảy vào đồng. Nông dân phấn khởi và chờ con nước lên nhanh, tràn vào đồng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, "con nước kém" (mực nước hạ thấp), nước chảy ngược ra sông, khô cả đồng.

Hướng về cánh đồng, ông Đột cũng chỉ biết lắc đầu, "năm nay lũ thấp nhất luôn, còn mấy con nước nữa không biết sao vì thời tiết thay đổi quá."

Nhọc nhằn mưu sinh

Không chỉ nông dân đang ngóng chờ con nước lớn, những người dân mưu sinh từ nguồn lợi thủy sản mùa nước nổi cũng đang chờ con nước lên. Do mực nước thấp, họ phải lặn lội đến những đồng sâu hoặc đánh bắt trên các nhánh sông Tiền, sông Sở Thượng nhưng những mẻ lưới đầu mùa năm nay cũng không mấy khả quan.

Ngồi vá lại mảnh lưới với mớ cá ít ỏi trong thau, ông Nguyễn Văn Tỷ, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự tâm sự, đã thành thông lệ, khi đầu tháng Bảy vừa qua, công việc mùa vụ đã hoàn tất, nông dân đầu nguồn chuẩn bị các ngư cụ để mưu sinh bằng nghề "bà cậu" lúc nông nhàn.

Đồng bằng sông Cửu Long: Khi tháng Bảy nước không còn nhảy lên bờ! ảnh 1Nông dân mưu sinh bằng nghề "bà cậu" lúc nông nhàn.

Nếu các năm trước, thời điểm này, những người giăng lưới như ông đã neo xuồng trên các cánh đồng; nhưng năm nay, từ đầu mùa đến giờ, với giăng 9 tay lưới (đơn vị tính của người làm nghề câu lưới, chiều dài khoảng 30-50 m/tay) mắc lưới 3cm thả trên sông Sở Thượng, ông Tỷ thu nhập khoảng 100.000, có khi chỉ được vài chục nghìn đồng mỗi ngày.

Là dân 15 năm theo nghề đặt lợp cua, anh Nguyễn Văn Đoàn (35 tuổi) ngụ xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự cho biết, trong những năm gần đây sản lượng cua giảm rất nhiều, nhất là vào những năm nước lũ thấp. Riêng năm nay, vào thời điểm này, với 300 cái lợp được đặt, cách 2 ngày anh sẽ đi thu hoạch một lần, mỗi đợt cũng chỉ thu được chừng 13-14kg cua.

Ngay cả những người tìm thu nhập bằng việc khai thác rận nước, một loài giáp xác nước ngọt, nhỏ li ti cũng gặp khó khăn khi con nước thấp. Vợ chồng anh Võ Văn Hơn ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự chia sẻ, thay vì mực nước trên đồng lên cao, người dân làm nghề có thể dùng ghe, xuồng và tận dụng sức máy để kéo rận nước trên cánh đồng rộng.

Nhưng năm nay nước thấp, mới chỉ tràn một số cánh đồng ở "khu vực lòng chảo" hoặc khu vực bãi bồi nên địa bàn hoạt động của bà con cũng thu hẹp. Vợ chồng anh Hơn phải dùng vợt đẩy bằng tay để "ứng phó" với những đồng cạn.

Anh Hơn nói, hiện giá bán rận nước khoảng 5.000-6.000 đồng/kg. Với 2 công lao động, mỗi ngày vợ chồng anh cũng thu nhập vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, "cũng là ngâm mình nhưng dĩ nhiên kéo máy cũng đỡ cực hơn đẩy tay. Thêm vào đó, nước nhiều - đồng rộng, sản lượng cũng nhiều hơn, thu nhập người dân cũng khấm khá," anh Hơn phân tích.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, hiện mức nước ở khu vực đầu nguồn Tân Châu (An Giang) đo được ngày 8/9 vừa qua là 1,68m, thấp hơn 117cm so với cùng kỳ năm 2019.

Dự báo, mực nước vài ngày tới, mực nước khu vực đầu nguồn sẽ tiếp tục xuống rồi lên lại theo triều. Người dân đầu nguồn đang từng ngày ngóng trông theo con nước lớn - ròng và đặt hy vọng "con nước rong" vào các ngày 30/7 và rằm tháng Tám (Âm lịch) sẽ tràn đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục