Đồng bào Khmer ở huyện Trà Ôn đón lễ Sen Đônta

Tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức lễ hội văn hóa-thể thao Khmer lần thứ nhất tại huyện Trà Ôn nhân dịp đón lễ Sen Đônta của bà con Khmer.
Tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, đã diễn ra lễ hội văn hóa-thể thao Khmer lần thứ nhất hòa cùng không khí tưng bừng đón lễ Sen Đônta của bà con Khmer.

Lễ hội được tổ chức tại chùa Cũ, xã Tân Mỹ với các hoạt động như như đua ghe ngo, liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục dân tộc, ẩm thực truyền thống... nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer.

Trà Ôn là một trong những huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Vĩnh Long, với trên 8.600 người, chiếm tỷ lệ gần 39% người Khmer cả tỉnh.

Không khí rộn rã của lễ hội cùng với những chuyển biến trong đời sống kinh tế xã hội tạo sự khởi sắc cho bộ mặt của từng phum sóc.

Điểm nhấn để tạo sự chuyển biến đi lên ở Trà Ôn chính là tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển giao thông để tạo bước đột phá phát triển kinh tế xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc.

Khai thác lợi thế hệ thống giao thông gồm Quốc lộ 54, tỉnh lộ 901, huyện Trà Ôn huy động nhiều nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách kết hợp với nhân dân đóng góp xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường liên xã trọng điểm như đường thị trấn Trà Ôn - xã Tích Thiện, đường xã Lục Sỹ Thành - Phú Thành, bến phà thị trấn Trà Ôn - Lục Sỹ Thành, thi công bêtông hóa 245km đường liên ấp, góp phần phát triển sản xuất, tạo thuận lợi mở rộng giao lưu, mua bán, vận chuyển hàng hóa.

Cùng với nguồn vốn của chương trình 134, 135 hỗ trợ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho vùng đặc biệt khó khăn, các xã Tân Mỹ, Trà Côn thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu kết hợp huy động nội lực, vận động nhân dân đóng góp xây dựng trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa.

32 hộ gia đình và hai chùa Khmer đã hiến 36.612m2 xây dựng trường lớp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần đáp ứng yêu cầu học tập, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí, luyện tập thể thao, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc Khmer.

Hiệu quả các chương trình đầu tư của Nhà nước đã hỗ trợ các xã vùng dân tộc huyện Trà Ôn vươn lên. Hai xã Tân Mỹ và Trà Côn đã hoàn thành mục tiêu chương trình 135, 100% phòng học ở các xã vùng dân tộc được xây dựng kiên cố, trong đó có hai trường là trường tiểu học Tân Mỹ A và trường tiểu học Trà Côn A đạt chuẩn Quốc gia;

Cơ bản xóa nhà tạm trong đồng bào dân tộc Khmer, tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch ở các xã vùng dân tộc như Trà Côn, Tân Mỹ, Hựu Thành đạt từ 70-83%.

Để hỗ trợ các xã vùng dân tộc thoát nghèo bền vững, huyện Trà Ôn xác định từ nay đến năm 2015, tập trung tạo sự thay đổi nhận thức trong sản xuất của các hộ dân tộc Khmer, chỉ đạo các cán bộ, đảng viên là đồng bào dân tộc Khmer gương mẫu đi đầu trong thực hiện các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, từ đó nhân rộng mô hình vận động các hộ dân bố trí cơ cấu mùa vụ gieo trồng hợp lý, áp dụng đa dạng các hình thức thâm canh, luân canh, gối vụ, kết hợp với ứng dụng các thành tựu khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để tăng giá trị trên diện tích canh tác.

Ở vùng khó khăn, 10.980 hộ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi khoảng 86 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

Tại các xã có đông đồng bào Khmer như Trà Côn, Thiện Mỹ, Hựu Thành, Tân Mỹ..., Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã tiếp tục là nòng cốt xây dựng các mô hình tương trợ giúp vốn, giúp cây, con giống… hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình vượt khó thoát nghèo./.

Huỳnh Kim Phượng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục