Động cơ đằng sau cam kết giảm phát thải khí CO2 của Trung Quốc

Các chính sách chiến lược như thay đổi thành phần tiêu thụ năng lượng và xây dựng xã hội năng lượng hydro của Trung Quốc nhằm giảm gánh nặng áp lực an ninh năng lượng.
Động cơ đằng sau cam kết giảm phát thải khí CO2 của Trung Quốc ảnh 1Khói bốc lên tại một nhà máy ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo tạp chí The Diplomat, xem xét động thái của các quốc gia trên thế giới trong hai năm qua, có thể thấy nền kinh tế toàn cầu (bao gồm cả ngành công nghiệp xe hơi và công nghiệp năng lượng cùng với các ngành khác) đã có động lực đáng kinh ngạc trong quá trình chuyển đổi và hướng tới các nguồn năng lượng mới.

Trước đây, các biện pháp như vậy chỉ được thực hiện một cách nửa vời hoặc mới chỉ đơn thuần là các cuộc thảo luận mà chưa có bất kỳ hành động nào, nhưng hiện đang được nhanh chóng thực hiện bằng mọi giá. Tất nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái là một lý do quá phổ biến.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, lý do này vẫn chỉ là thứ yếu. Trên thực tế, các động cơ thực sự đều dựa trên những tính toán về địa chính trị. Mọi quốc gia đều hy vọng tránh được những rủi ro năng lượng lớn trong tương lai. Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng giúp các nước ngăn chặn nguy cơ mất an ninh năng lượng.

Dựa trên lý luận tương tự, Chan Kung - một chuyên gia nổi tiếng về phân tích thông tin - và He Jun, Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô Trung Quốc đã ủng hộ mạnh mẽ việc Trung Quốc xây dựng một “xã hội năng lượng hydro” trong những năm gần đây.

Việc tăng cường các nguồn năng lượng mới không phải là một mục đích, mà là phương tiện để tránh rủi ro năng lượng và ngăn chặn nguy cơ các chính sách quốc gia bị ảnh hưởng bởi các vấn đề năng lượng.

Theo nghĩa đó, các tính toán về địa chính trị sẽ là một trong những nền tảng cho sự phát triển năng lượng hydro của Trung Quốc. Năng lượng hydro khác biệt đáng kể so với các nguồn năng lượng thông thường và sẽ đóng góp vào cơ cấu an ninh năng lượng của Trung Quốc.

[IEA: Lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng trở lại trong năm 2021]

Dường như các quốc gia khác cũng đang bắt đầu coi trọng năng lượng mới như một phương tiện để đảm bảo an ninh năng lượng. Ví dụ, Đức đã dành khoản trợ cấp cực kỳ hào phóng 1,2 tỷ USD cho hãng xe điện Tesla để sản xuất pin cho xe ôtô chạy bằng điện.

Là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới nên Trung Quốc phải đối mặt với mối đe dọa an ninh năng lượng nghiêm trọng nhất. Lời cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với thế giới rằng Trung Quốc sẽ đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và trung hòa khí thải carbon vào năm 2060 đã thể hiện sự đóng góp của nước này trong nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu.

Việc này không chỉ thể hiện trách nhiệm của Trung Quốc với tư cách một quốc gia lớn mà còn được coi là giải pháp cho vấn đề an ninh năng lượng mà nước này đang đối mặt.

Tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng cả về quy mô và cơ cấu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019 đạt 6% và tổng mức tiêu thụ năng lượng trong cùng kỳ là 4,86 tỷ tấn than tiêu chuẩn tương đương (TCE), tăng 3,3% so với năm trước đó.

Cũng trong năm 2019, than đá chiếm 57,7% tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc (giảm 1,5% so với năm trước), dầu chiếm khoảng 19,3%, khí đốt tự nhiên 8,3%, điện sơ cấp cũng như các nguồn năng lượng nhiên liệu không hóa thạch khác (bao gồm thủy điện, điện hạt nhân, phong điện và năng lượng sạch khác) chiếm 14,9%.

Năm 2020, bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm xuống còn 2,3%. Tuy nhiên, tiêu thụ năng lượng trong năm ngoái vẫn ở mức cao.

Theo ước tính sơ bộ, tổng mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc năm 2020 tăng 2,2% so với năm trước đó. Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đã giảm 3,6 điểm phần trăm so với năm 2019, thì tốc độ tăng trưởng tiêu thụ năng lượng chỉ giảm 1,1 điểm phần trăm. Điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều năng lượng.

Để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế cũng như đáp ứng tăng trưởng liên tục trong tiêu thụ năng lượng dân dụng, Trung Quốc cần nguồn cung khổng lồ. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh phải đối mặt với áp lực lớn trong vấn đề an ninh năng lượng.

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, Trung Quốc đã từng bước củng cố vị thế là “công xưởng của thế giới,” điều này đòi hỏi Bắc Kinh phải xây dựng một danh mục đa dạng các nguồn năng lượng toàn cầu. Các mặt hàng nhập khẩu quan trọng của Trung Quốc là dầu, khí đốt tự nhiên và than đá.

Năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 506 triệu tấn dầu, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước đó, lập kỷ lục năm thứ 17 liên tiếp. Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 542 triệu tấn dầu thô và tỷ lệ phụ thuộc vào dầu nước ngoài lên tới 73%.

Về khí đốt tự nhiên, trong năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 96,56 triệu tấn khí đốt tự nhiên (tương đương 135,2 tỷ m3), tăng 6,9% so với năm 2018. Trong đó, nhập khẩu khí đốt thông qua đường ống vào khoảng 36,31 triệu tấn, chiếm 37,6% tổng lượng khí nhập khẩu. Nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) đạt 60,25 triệu tấn, chiếm 62,4%.

Trong những năm gần đây, nhập khẩu than của Trung Quốc cũng đang tăng lên. Năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu gần 300 triệu tấn than, tăng 6,3% so với năm 2018, đưa Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu than lớn nhất thế giới.

Việc các quốc gia trên thế giới tìm cách cơ cấu nguồn năng lượng không chỉ dựa trên những tính toán của các ngành sản xuất và thị trường, mà còn bởi nguy cơ địa chính trị tác động đến an ninh năng lượng.

Trung Quốc, với tư cách là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, sẽ là nước đầu tiên chịu gánh nặng của áp lực an ninh năng lượng. Do đó, các chính sách chiến lược như thay đổi thành phần tiêu thụ năng lượng và xây dựng xã hội năng lượng hydro cho thấy tầm quan trọng tổng thể của những chính sách này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục