Động đất ở Quảng Nam: Do hồ tích nước thủy điện?

Động đất phát ra tiếng nổ khiến người dân Quảng Nam lo lắng nhiều khả năng có nguyên nhân từ hồ tích nước thủy điện Sông Tranh 2.
Từ đầu tháng Mười một đến nay, khu vực huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đã xảy ra 4 trận động đất, phát ra tiếng nổ khiến người dân hết sức lo sợ.

Cụ thể, trận đầu tiên xảy ra vào lúc 10 giờ 49 phút ngày 3/11 với cường độ 1,9 độ Richter; trận thứ hai lúc 21 giờ 14 phút ngày 16/11, cường độ 2,7 độ Richter; trận thứ ba xảy ra lúc 3 giờ ngày 17/1, cường độ 3,3 độ Richter và trận thứ tư lúc 22 giờ 58 phút ngày 26/11 với cường độ 2,1 độ Richter.

Ghi nhận từ Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho thấy, các trận động đất này đã gây ra rung động nền đất, kèm theo tiếng nổ ở khu vực gần chấn tâm.

Thực tế thì rất nhiều người dân đã cảm nhận được dao động do động đất gây ra, nhà cửa và các đồ vật treo đung đưa mạnh.

Tiến sĩ Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần nhận định, các trận động đất trên tập trung gần đứt gãy kiến tạo Trà Bồng, giữa đứt gãy Hưng Nhượng-Tà Vi và đứt gãy Tam Kỳ-Phước Sơn, nằm trong phạm vi vùng hồ của thủy điện Sông Tranh 2.

Các ghi nhận cũng cho thấy, độ sâu chấn tiêu của các trận động đất trên đều nằm ở độ sâu 3-5 km, khá nông so với phần lớn các trận động đất kiến tạo đã quan sát được trên lãnh thổ Việt Nam.

“Như vậy, có thể cho rằng các trận động đất vừa xảy ra ở khu vực Bắc Trà My, Quảng Nam là những trận động đất kích thích, xảy ra sau khi hồ thủy điện tích nước đi vào hoạt động,” một thông báo từ phía Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vào tối 29/11 cho biết.

Song, phía cơ quan chuyên nghiên cứu về động đất của Việt Nam cũng nói đây chỉ là những nhận định sơ bộ ban đầu. Để khẳng định chính xác vấn đề này, cần phải xem xét chi tiết hoạt động động đất ở khu vực này trong thời gian trước khi tích nước hồ chứa. Ngoài ra, cần có thêm những khảo sát chi tiết và quan trắc bổ sung về hoạt động động đất trong khu vực từ một mạng lưới trạm ghi động đất đủ dày.

Trong các nghiên cứu, khảo sát đã tiến hành phục vụ xây dựng đập thủy điện Sông Tranh 2, các đứt gãy đã nêu được Viện Vật lý địa cầu đánh giá có khả năng phát sinh động đất cực đại với độ lớn 5,5 độ Richter.

Do đó, gia tốc nền ứng với động đất thiết kế được Viện Vật lý địa cầu kiến nghị sử dụng cho đập thủy điện Sông Tranh 2 là a=150 cm/s2, hoặc động đất cấp VII. Bởi vậy, những trận động đất với cường độ nêu trên không làm ảnh hưởng đến thủy điện này.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ tối ngày 29/11, Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sự kiện nổ trong lòng đất ở Quảng Nam những ngày qua là hiện tượng động đất kích thích do tích nước hồ chứa.

Ông nói: Bình thường khi chưa tích nước, đất đá nằm trong trạng thái ứng xuất nhất định. Tuy nhiên, khi nó bị biến làm hồ chứa nước thủy điện thì cũng đồng nghĩa với việc “chất” lên đất đá một khối lượng tải trọng lớn. Điều này sẽ làm thay đổi ứng xuất của đất đá, gây ra những trận độn đất nhỏ khoảng 3-4 độ Richter. Với cường độ như vậy, các trận động đất trên không có khả năng gây ra thiệt hại cho công trình cũng như con người.

Ông Văn cũng cho rằng, sau một thời gian, những trận động đất kích thích nói trên sẽ hết dần. Và, “những trận động đất kích thích này không chỉ ở Quảng Nam mới có, mà trên thế giới và ở nhiều thủy điện ở Việt Nam như Sơn La, Hòa Bình cũng đã từng gặp.”/.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục