Đồng euro tăng giá dù Moody's hạ bậc Tây Ban Nha

Đồng euro lần lượt đi lên so với đồng USD và đồng yen Nhật Bản bất chấp việc Moody's vừa hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha.
Trong phiên giao dịch ngày 14/6 tại thị trường châu Á, đồng euro lần lượt đi lên so với cả đồng USD và đồng yen Nhật Bản.

Euro lên giá bất chấp việc hãng đánh giá tín dụng Moody's vừa quyết định đánh tụt bậc xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha, giữa lúc giới đầu tư đang "nín thở" chờ đợi kết quả cuộc bầu cử tiếp theo tại Hy Lạp, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/6 tới.

Đây được coi là yếu tố mấu chốt, quyết định xem liệu Athens có còn là thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hay không.

Kết thúc phiên giao dịch buổi chiều tại Tokyo, đồng euro giao dịch ở mức 1,2585 USD đổi 1 euro, tăng so với mức tương ứng 1,2557 USD/euro trong phiên giao dịch 13/6 tại New York. Đồng tiền chung châu Âu cũng tiếp tục duy trì đà lên giá so với đồng nội tệ của Nhật Bản, khi tăng từ mức 99,78 yen/euro lên 99,90 yen/euro.

Tuy nhiên, "đồng bạc xanh" lại đảo chiều giảm nhẹ so với đồng yen, giao dịch ở mức 79,40 yen/USD, sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo doanh thu bán lẻ yếu kém của nước này trong tháng 5/2012.

[Moody's hạ tới ba bậc tín nhiệm của Tây Ban Nha]


Các chuyên gia phân tích nhận định rằng mặc dù Moody's đã hạ ba bậc xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha, từ A3 xuống Baa3, chỉ vài ngày sau khi Eurozone nhất trí kế hoạch cứu trợ trị giá 100 tỷ euro (125 tỷ USD) cho Madrid, song thị trường tiền tệ dường như không hề bị chi phối bởi động thái này, bởi giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào cuộc bầu cử cuối tuần này tại Hy Lạp, vốn được coi là "lá bài" cuối cùng có thể giữ chân "xứ sở các vị Thần" ở lại Eurozone.

Trước đó (12/6), thủ lĩnh đảng cánh tả Syriza - Alexis Tsipras, đã tuyên bố rằng gói cứu trợ quốc tế đối với Hy Lạp sẽ trở thành "chuyện cũ" sau cuộc tổng tuyển cử ngày 17/6.

Tuyên bố của người đứng đầu lực lượng chính trị đang có nhiều triển vọng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quyết định đó, càng làm tăng thêm mối lo ngại rằng Athens sẽ từ bỏ thỏa thuận của chính phủ tiền nhiệm với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về khoản cứu trợ trị giá nhiều tỷ USD nhằm giúp nước này đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công, và điều này đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ buộc phải rời khỏi liên minh tiền tệ Eurozone.

Trong khi đó, nước Mỹ tiếp tục khiến nhiều người thất vọng khi tiếp tục kéo dài chuỗi các số liệu kinh tế tiêu cực bằng việc công bố báo cáo về doanh thu bán lẻ trong tháng Năm vừa qua.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh thu bán lẻ của nền kinh tế số một thế giới đã giảm 0,2% trong tháng trước, đánh dấu lần sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp. Đây chính là nguyên nhân khiến đồng USD quay đầu rớt giá trong phiên giao dịch 14/6 này, đồng thời là dấu hiệu cho thấy hoạt động chi tiêu tiêu dùng, hiện chiếm tới 70% sản lượng kinh tế Mỹ, đang có xu hướng đi xuống.

Cũng trong phiên giao dịch này, tỷ giá giữa "đồng bạc xanh" và các đồng tiền chủ chốt của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như đồng won của Hàn Quốc, baht của Thái Lan, rupiah của Indonesia và SGD của Singapore, cũng đồng loạt hạ thấp./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục