Đồng hồ Thụy Sĩ - hành trình quá khứ tới hiện tại

Vào cuối thế kỷ 16, Geneva đã rất nổi tiếng với ngành đồng hồ và vào năm 1601, nghiệp đoàn đồng hồ đầu tiên trên thế giới đã ra đời.
Công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ vốn được khai sinh tại Geneva vào giữa thế kỷ 16.

Vào năm 1541, khi yêu cầu dân chúng từ bỏ việc mang, đeo đồ trang sức, nhà cải cách tôn giáo Jean Calvin đã yêu cầu những người thợ kim hoàn chuyển sang một nghề khác đó là nghề đồng hồ. Vào cuối thế kỷ 16, Geneva đã rất nổi tiếng với ngành đồng hồ và vào năm 1601, nghiệp đoàn đồng hồ đầu tiên trên thế giới đã ra đời với cái tên "Bậc thầy về đồng hồ Geneva."

Một thế kỷ sau, do thành phố có quá nhiều thợ đồng hồ, nhiều người trong số này đã bắt đầu rời Geneva để tới lập nghiệp tại vùng vòng cung dãy núi Jura của nước này.

Theo vòng cung của dãy núi Jura

Sự phát triển của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ liên quan mật thiệt tới một người thợ đồng hồ đại tài là Daniel Jeanrichard (1665-1741), ông là người đã đặt nền móng cho hệ thống sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ (tổ chức các xưởng sản xuất và lắp ráp). Vào năm 1790, Geneva đã xuất khẩu hơn 60.000 chiếc đồng hồ.

Trong nhiều thế kỷ qua, người ta đã chứng kiến rất nhiều tiến bộ, phát triển và sáng tạo trong ngành đồng hồ của Thụy Sĩ. Tiêu biểu như trong năm 1770, Abraham-Louis Perrelet đã chế tạo ra bộ chuyển động cơ học tự lên dây được coi là tiền thân của đồng hồ tự động ngày nay.

Năm 1842, Adrien Philippe, một trong những nhà sáng lập của hãng đồng hồ danh tiếng Patek Philippe, đã sáng chế ra đồng hồ lên dây bằng núm xoay thay vì bằng chìa khóa như trước đây.

Cùng thời kỳ này, người Thụy sĩ cũng đã sản xuất ra các loại đồng hồ phức tạp như đồng hồ bấm giờ. Việc đưa thêm các chức năng của đồng hồ bấm giờ kép (đồng thời tính thời gian diễn ra của hai sự kiện) và lịch vạn niên vào một chiếc đồng hồ đã đánh dấu một bước tiến lớn của đồng hồ Thụy Sĩ.

Việc cơ khí hóa hoạt động sản xuất đồng hồ tại Thụy Sĩ đã diễn ra vào đầu thế kỷ 20 nhờ vào nghiên cứu của những người thợ đồng hồ nổi tiếng như Frédéric Ingold hay Georges Leschot. Sự gia tăng sản xuất, trao đổi các thiết bị và tiêu chuẩn hóa đã giúp cho đồng hồ Thụy Sĩ từ thời gian nay gia tăng ưu thế của mình trên thế giới.

Giai đoạn cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất đánh dấu việc ra mắt đồng hồ đeo tay của Thụy Sĩ và kiểu dáng mặt tròn truyền thống được định hình vào đầu những năm 1960. Năm 1926, chiếc đồng hồ đeo tay tự động đầu tiên được sản xuất tại Granges, bang Fribourg, Thụy Sĩ. Sau đó, vào năm 1952, những chiếc đồng hồ điện tử đeo tay đầu tiên trên thế giới được sản xuất tại Thụy Sĩ.

Tiếp đó năm 1967, Trung tâm Đồng hồ Điện tử Neuchâtel đã phát triển thành công dòng đồng hồ quartz đeo tay đầu tiên trên thế giới (Đồng hồ dùng con lắc là tinh thể thạch anh) được đặt tên là Beta 21. Sự phát triển và canh tân lớn của đồng hồ Thụy Sĩ đã không ngừng diễn ra từ thời điểm đó và tiếp diễn cho tới nay, đồng hồ hiển thị bằng màn hình điốt phát quang (LED) và màn hình tinh thể lỏng (LCD), đồng hồ Swatch, đồng hồ quartz không pin...

Từ hơn bốn thế kỷ nay, truyền thống, sự khéo léo, công nghệ cao và khả năng sáng tạo, đã giúp đồng hồ Thụy Sĩ luôn duy trì vị trí đứng đầu trên thị trường đồng hồ thế giới.

Đồng hồ Thụy Sĩ không phải không có những thời gian khủng hoảng, nhưng cũng chính vì phải trải qua những thời khắc đó, nên ngành đồng hồ Thụy Sĩ luôn biết cách đối phó với những thách thức về công nghệ, về cơ cấu mà họ gặp phải.

Chính sự năng động và khả năng sáng tạo đã giúp cho ngành đồng hộ Thụy Sĩ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nước này. Nhiều phát minh hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đồng hồ luôn thuộc về người Thụy Sĩ như đồng hồ đeo tay đầu tiên, đồng hoa quartz đầu tiên, đồng hồ đeo tay chống nước đầu tiên, đồng hồ đeo tay mỏng nhất thế giới, đồng hồ đeo tay nhỏ nhất thế giới, đồng hồ đắt nhất thế giới...

Công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ ngày nay

Sản xuất đồng hồ là ngành công nghiệp quan trọng thứ 3 của Thụy Sĩ sau ngành công nghiệp chế tạo máy và hóa chất.

Người ta có thể tìm thấy các loại đồng hồ đeo tay, đồng hồ quả lắc và quả lắc nhỏ của Thụy Sĩ tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Và đồng hồ Thụy Sĩ giờ đã nhắm tới mọi đối tượng khách hàng, từ chiếc đồng hồ quartz với giá chỉ vài chục USD cho tới những chiếc đồng hồ được trang trí bằng vàng và đá quý với giá hàng triệu USD.

Chính sự đa dạng về mẫu mã, sản phẩm và sự mở rộng thị trường trên toàn cầu đã giúp ngành đồng hồ Thụy Sĩ dành được nhiều thành công và phát triển bền vững trong suốt hơn bốn thế kỷ qua.

Cơ cấu của ngành đồng hồ Thụy Sĩ

Trong lịch sử, công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ vốn dĩ phát triển theo chiều rộng, theo đó, các nhà sản xuất và gia công cung cấp các thiết bị (các bộ phận máy móc của đồng hồ) cho các doanh nghiệp chuyên lắp ráp. Và chính các doanh nghiệp chuyên lắp ráp đồng hồ mới chính là đối tượng thực hiện khâu hoàn thiện và tiêu thụ sản phẩm cuối cùng.

Đồng thời ở một chừng mực nào đó, trong quá khứ, công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ cũng đã phát triển theo chiều sâu để hội nhập với tình hình mới của thế giới. Theo đó, các khâu sản xuất và lắp ráp một chiếc đồng hồ hoàn toàn do một doanh nghiệp thực hiện.

Trong những năm 1970 và 1980, do những xáo trộn về công nghệ với sự xuất hiện của đồng hồ quartz, đồng hồ Thụy Sĩ đã phải điều chỉnh lại số lượng nhân công của ngành, từ khoảng 90.000 nhân công trong năm 1970 xuống khoảng 30.000 nhân công trong năm 1984. Con số này tiếp tục ổn định trong những năm sau đó, số nhân công của ngành đồng hồ Thụy Sĩ được thống kê trong năm 2004 là khoảng 40.000 người. Về số lượng các doanh nghiệp, năm 1970, toàn Thụy Sĩ có khoảng 1.600 doanh nghiệp sản xuất đồng hồ và cho tới nay, con số này chỉ còn khoảng 600.

Đa dạng sản phẩm

Một trong những thế mạnh lớn của ngành đồng Thụy Sĩ so với các đối thủ cạnh tranh khác là khả năng cung cấp cho người sử dụng rất nhiều sự lựa chọn.

Đồng hồ Thụy Sĩ được sản xuất dựa trên mọi nhu cầu của khách hàng trên thế giới, từ chiếc đồng hồ cơ (đồng hồ lên dây hoặc đồng hồ tự động), đồng hồ quartz, cho tới chiếc đồng hồ được sản xuất bằng kim loại quý có nạm kim cương, bằng thép không rỉ, bằng gỗ, bằng nhựa hoặc bằng gốm công nghệ cao...

Kiểu dáng của đồng hồ Thụy Sĩ cũng hết sức đa dạng từ những chiếc đồng hồ trang nhã, cổ điển cho tới những chiếc đồng hồ thể thao, thời thượng. Cho dù khách hàng khó tính đến mấy, nhưng khi tìm mua đồng hồ Thụy Sĩ họ đều thỏa mãn sở thích của mình.

Thị trường và sự cạnh tranh

Đồng hồ Thụy Sĩ có mặt ở cả năm châu lục trên thế giới (nước này xuất khẩu tới 95% tổng sản phẩm), tuy nhiên, số lượng tiêu thụ sản phẩm này lại không đồng đều ở các khu vực. Châu Á và châu Đại Dương chiếm khoảng 47% giá trị xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ, châu Âu là 33%, châu Mỹ 19% và châu Phi là 1%. Trong khi đó, 15 thị trường lớn hàng đầu của đồng hồ Thụy Sĩ đã tiêu thụ tới 80% lượng xuất khẩu của nước này.

Tuy đã rất nổi tiếng trên thế giới, nhưng đồng hồ Thụy Sĩ không phải chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường thế giới và sự cạnh tranh giữa Thụy Sĩ với các nhà sản xuất đồng hồ khác, mà đứng đầu là Nhật Bản và Hong Kong, đang còn rất dai dẳng.

Tóm lại, vào giữa những năm 1970, thế giới chứng kiến ngành đồng hồ Thụy Sĩ đang bên bờ vực của sự sụp đổ do sự cạnh tranh của các loại đồng hồ điện tử tới từ Nhật Bản. 30i năm sau, công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ đã thành công khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất và đa dạng mặt hàng và ngày nay cũng như trong quá khứ, nó đã trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của kinh tế Thụy Sĩ.

Hơn nữa, từ 5 năm trở lại đây, công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ luôn dẫn đầu các ngành công nghiệp hiệu quả nhất nước này, từ năm này qua năm khác, ngành đồng hồ Thụy Sĩ luôn vượt quá chính kỷ lục về xuất khẩu của mình từ 4,3 tỷ USD năm 1986 lên 17 tỷ USD năm 2008./.

Đức Hùng/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục