Động lực để Triều Tiên dần sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật

Tại kỳ Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 1/2021, nhà lãnh đạo Kim tuyên bố Triều Tiên đã đạt được công nghệ "thu nhỏ, giảm nhẹ trọng lượng và tiêu chuẩn hóa" vũ khí hạt nhân.
Động lực để Triều Tiên dần sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật ảnh 1Một tên lửa đạn đạo được phóng thử nghiệm tại địa điểm không xác định ở Triều Tiên. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng Reuters, trong cuộc chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên trong những năm gần đây, Bình Nhưỡng đã vượt lên dẫn đầu với khả năng phát triển các loại tên lửa tầm ngắn, đồng thời quốc gia ẩn dật này tiến gần hơn bao giờ hết đến khả năng triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Sau khi tự đưa ra cam kết ngừng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa kích thước lớn hơn hồi năm 2018, Triều Tiên âm thầm thúc đẩy mong muốn ấp ủ lâu nay về phát triển tên lửa chính xác có khả năng tránh bị phát hiện và có thể nhắm trúng các mục tiêu ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, năm 2017, Mỹ và Hàn Quốc ký một thỏa thuận cho phép gỡ bỏ những giới hạn về tải trọng tên lửa của Hàn Quốc. Theo đó, Seoul có thể phát triển ít nhất một loại vũ khí hạng nặng hơn để có thể đóng vai trò chủ chốt trong những chiến lược đánh phủ đầu các cuộc tấn công của Triều Tiên.

Những loại tên lửa mà Triều Tiên thử nghiệm hồi tuần trước dường như nhằm theo kịp hoặc vượt xa kho vũ khí đang được mở rộng âm thầm của Hàn Quốc. Đó cũng là những vụ thử nghiệm đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 1/2021 tuyên bố nước này có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để có thể gắn lên vũ khí chiến thuật.

Điều này cũng nhằm "hù dọa" chính quyền ông Joe Biden có thể sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn nếu không gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Giới chức Hàn Quốc coi tên lửa đạn đạo tầm ngắn cỡ lớn hơn và hoạt động hiệu quả hơn là một công cụ giúp Seoul giảm phụ thuộc vào "ô an ninh" của Mỹ. Trong một bài phát biểu hồi năm 2020, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết nước này đã phát triển được một loại tên lửa có "tầm bắn đáng kể và tải trọng đầu đạn lớn nhất thế giới để bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên," ám chỉ tên lửa đạn đạo chiến thuật mới nhất Hyunmoo-4 có tầm bắn 800km và đầu đạn tải trọng 2 tấn.

[Triều Tiên có khả năng sắp thử tên lửa phóng từ tàu ngầm]

Giới phân tích lưu ý rằng, dường như không phải là điều ngẫu nhiên khi Triều Tiên công bố rằng phiên bản mới nhất của tên lửa đạn đạo tầm ngắn có công năng lớn hơn của nước này có thể mang theo đầu đạn tải trọng 2,5 tấn.

Trong một tuyên bố hôm 30/3, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim, viện dẫn bài phát biểu của Bộ trưởng Jeong để bảo vệ quyền lợi của Triều Tiên khi phát triển tên lửa của riêng họ.

Ông Joshua Pollack, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (CNS), đánh giá: “Khi Seoul phát triển năng lực mới về loại vũ khí này thì Bình Nhưỡng đã theo sát phía sau.”

Năm 2020, ông là đồng tác giả của một báo cáo trong đó cảnh báo rằng những bước tiến trong phát triển tên lửa truyền thống có độ chính xác cao ở cả Hàn Quốc và Triều Tiên đã khiến cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến tranh.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Triều Tiên

Triều Tiên lập luận rằng tên lửa của họ có mục đích phòng vệ, đồng thời cáo buộc Hàn Quốc và Mỹ đe dọa an toàn của chế độ Bình Nhưỡng khi tiến hành các cuộc tập trận chung, mua bán khí tài và các chính sách thù địch khác. Tại kỳ Đại hội Đảng Lao động cầm quyền hồi tháng 1/2021, nhà lãnh đạo Kim tuyên bố Triều Tiên đã đạt được công nghệ "thu nhỏ, giảm nhẹ trọng lượng và tiêu chuẩn hóa" vũ khí hạt nhân.

Một nghị sỹ Hàn Quốc giấu tên hôm 29/3 dẫn kết luận của cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết những phiên bản tên lửa mới nhất của Triều Tiên có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, mặc dù không rõ liệu Bình Nhưỡng đã lắp đặt những đầu đạn như vậy hay chưa.

Ông Markus Garlauskas, nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Atlantic đồng thời là cựu quan chức tình báo quốc gia Mỹ phụ trách về Triều Tiên, nhận định: "Dựa theo những tuyên bố của Triều Tiên thì ngay cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn của nước này cũng cần được coi là có năng lực hạt nhân."

Theo chuyên gia từ châu Âu này, một khi Bình Nhưỡng làm chủ được công nghệ thì nước này có thể chế tạo đầu đạn hạt nhân nhẹ hơn đầu đạn thông thường.

Theo ông Joseph Dempsey, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, những tên lửa mới nhất của Triều Tiên cũng thể hiện khả năng bay ở tầm thấp và có khả năng lao vút lên cao ngay trước khi vươn tới mục tiêu, khiến việc phát hiện và đánh chặn chúng trở nên khó khăn hơn.

Ông nói: "Nếu được triển khai, những tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới nhất của Triều Tiên có thể oanh tạc các mục tiêu ở Hàn Quốc với độ chính xác lớn hơn."

Ngày 26/3, cơ quan nghiên cứu về Triều Tiên có trụ sở ở Mỹ, 38 North, dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy một hoạt động diễn ra tại một xưởng đóng tàu, nhận định Triều Tiên có thể sắp hoàn thiện quá trình xây dựng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới của mình vốn kéo dài nhiều năm qua.

Hàn Quốc không muốn kém cạnh

Trong thông điệp hôm 26/3 liên quan những vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã miêu tả năng lực tên lửa của Seoul sánh tầm cỡ "thế giới."

Sau vụ thử nghiệm tên lửa Hyunmoo-4 hồi năm 2020, Seoul tuyên bố sẽ sản xuất hàng loạt một loại tên lửa được phóng từ mặt đất khác có nhiệm vụ phá hủy các căn cứ pháo binh ngầm dưới mặt đất.Bà Melissa Hanham, phó Giám đốc Mạng lưới Hạt nhân Mở (Áo), nhận định: "Những vụ thử tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên dường như nhằm phát tín hiệu cho Hàn Quốc rằng họ có năng lực ngang ngửa năng lực của tên lửa Hyunmoo-4."

Theo đồn đoán của truyền thông Hàn Quốc, Seoul có thể ngay trong năm 2021 tiến hành lần đầu một vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Vụ phóng này sẽ sử dụng tên lửa tầm ngắn Hyunmoo-2B có tầm bay 500km, gắn đầu đạn thông thường và tàu ngầm phóng tên lửa có thể là tàu KSS III tải trọng 3.000 tấn.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối xác nhận những thông tin trên viện dẫn lý do an ninh song cho biết "quân đội Hàn Quốc đã xây dựng năng lực để đối phó với tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên bằng cách hiện đại hóa các lực lượng tên lửa của chúng tôi và sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa các lực lượng này."

Chuyên gia phân tích Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury có trụ sở ở California cho rằng những loại tên lửa như vậy có thể giúp củng cố 2 chiến lược chủ đạo của Hàn Quốc: Chiến lược "đáp trả hủy diệt" nhằm phát hiện các âm mưu tấn công từ Triều Tiên và hủy hoại ngay từ đầu các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và chiến lược "oanh kích mục tiêu chiến lược," tức một cuộc phản công bao gồm xóa sổ ban lãnh đạo Triều Tiên.

Ông Lewis nói: "Nếu Triều Tiên sở hữu năng lực hạt nhân ở cấp độ chiến thuật như hiện nay thì Hàn Quốc sẽ theo sát. Đó là sự ganh đua thông thường"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục