Động lực mới cho quá trình “Đổi mới” của nền kinh tế Việt Nam

Dấu son “Đổi mới” đã trải qua khoảng thời gian 30 năm - cùng với đó, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.
Động lực mới cho quá trình “Đổi mới” của nền kinh tế Việt Nam ảnh 1(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)

Dấu son “Đổi mới” đã trải qua khoảng thời gian 30 năm - cùng với đó, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế xã hội.

Từ một nền kinh tế phải tái thiết sau chiến tranh với bộn bề những khó khăn, Việt Nam đã lột xác vươn mình ra thế giới.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia mạnh mẽ vào các liên kết kinh tế khu vực và thế giới trên nhiều cấp độ, đặc biệt là hình thành các quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế.

Dấu ấn

Nhìn lại chặng đường của 30 năm “Đổi mới,” có những thuận lợi, có những khó khăn song có thể thấy từ một nền kinh tế hoạt động theo cơ chế tập trung bao cấp, Việt Nam từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Cải cách đã trở thành động lực cho đổi mới, phát triển kinh tế.

Tư tưởng, đường lối đổi mới phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng bước được thể chế hóa thành pháp luật, cơ chế, chính sách. Trong 30 năm đổi mới, Quốc hội đã ba lần sửa đổi mới và ban hành trên 150 bộ luật và luật. Ủy ban thường vụ quốc hội ban hành trên 70 pháp lệnh, tạo cơ sở pháp lý cho sự chuyển đổi.

Các hình thức sở hữu, thành phần kinh tế và chế độ phân phối đã phát triển đa dạng. Kinh tế nhà nước từng bước phát huy vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể bước đầu được đổi mới; kinh tế tư nhân tăng nhanh về số lượng, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đóng góp ngày càng lớn cho GDP. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế.

Với Nghị quyết số 10 NQ-TW về Đổi mới quản lý nông nghiệp , Khoán 10 ra đời thừa nhận “hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ,” thực hiện giao ruộng khoán cho hộ dài ngày cho hộ nông dân quyền tự chủ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Từ đây, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển ngoạn mục, từ chỗ thiếu ăn triền miên, đến chỗ vừa bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ, vừa xuất khẩu gạo mỗi năm từ 1 đến 1,5 triệu tấn và tiến dần lên tới 4 đến 4,5 triệu tấn những năm sau đó.

Luật Doanh nghiệp ra đời, các công ty tư nhân xuất hiện, hoạt động nội thương, ngoại thương được cởi trói, không còn phải thông qua “ủy thác” với doanh nghiệp nhà nước. Với Luật Đầu tư nước ngoài, Việt Nam mở cửa thu hút vốn đầu tư, công nghệ, khoa học quản lý từ các đối tác tư bản.

Các yếu tố thị trường và các loại thị trường đang hình thành, phát triển. Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường thế giới. Hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu, độ mở kinh tế ngày càng lớn tạo sức ép ngày càng với cải cách.

Có những giai đoạn kinh tế đạt mức tăng trưởng cao và đã có những nhận xét lạc quan rằng nước ta sẽ trở thành con hổ mới ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2008 - dấu mốc của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới – kinh tế việt Nam tăng trưởng chững lại và xuất hiện nhiều vấn đề mới phát sinh.

​Tiến sỹPhạm Quý Thọ, Học viện Chính sách Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Những nỗ lực, quyết sách của Chính phủ từ năm 2011 đã giúp nền kinh tế dần ổn định, tuy nhiên khó khăn vẫn còn hiện hữu như tốc độ tăng trưởng còn chậm, thấp hơn tiềm năng, sức cầu giảm, hệ thống tài chính ngân hàng còn nhiều bất cập, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.”

Nền kinh tế chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu; thiếu bền vững.

Hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu, độ mở nền kinh tế ngày càng lớn tạo sức ép ngày càng lớn với cải cách. Dư địa cho mô hình tăng trưởng chiều rộng dựa vào sức lao động đông, trình độ thấp, giá rẻ và khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đã không còn phù hợp với tình hình mới, đòi hỏi phải có thay đổi bước ngoặt và cấp thiết.

Động lực mới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn nhìn nhận rằng “động lực” tăng trưởng kinh tế của thời kỳ trước đã không còn phát huy tác dụng và cần phải cải cách kinh tế. Các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước đã nhận định rằng nền kinh tế đang có 3 điểm nghẽn cần tháo gỡ, đó là cơ sở hạ tầng, thể chế và nhân lực.

Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chính là động lực, là giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam.

Nằm trong những nỗ lực này, Chính phủ nỗ lực xây dựng chính sách, trình Quốc hội thông qua rất nhiều luật về kinh tế với cách tiếp cận hiện đại nhằm tạo sức sống mới cho nền kinh tế. Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư công, đổi mới quản lý đầu tư theo kế hoạch trung hạn. Tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp thiết, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kiểm soát chặt chẽ các dự án khởi công mới.

Những đạo luật quan trọng đối với cộng đồng doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thuế… có nhiều điểm mới, thông thoáng hơn đang dần đi vào cuộc sống nhằm gỡ bỏ những gánh nặng về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất. Công tác cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng tạo nên những tác động tích cực đối với triển kinh tế trong thời gian tới.

Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, và Chỉ thị 11/2014/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đã trở thành làn gió mới thúc đẩy cải cách.

Cùng với đó là một loạt các chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ với các bộ ngành, địa phương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ bỏ các nút thắt trong thực hiện thủ tục hành chính mà điển hình là về thuế, hải quan…

Việt Nam tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao với sự tham gia của các cường quốc, các khối kinh tế lớn trên thế giới (Hoa Kỳ, EU, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc…)

Đến cuối năm 2014, Việt Nam đã kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Liên minh Hải quan (Nga Belarus và Kazakhstan).

Việt Nam vừa công bố kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Việt Nam cũng đang cùng các thành viên ASEAN hoàn thành Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015. Việt Nam cũng sẽ cùng các đối tác đàm phán để sớm kết thúc hiệp định TPP xuyên Thái Bình Dương.

Đây có thể coi như câu trả lời cho những đúc kết về bài học chủ yếu trong thời gian qua. Theo tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW, đó chính là đổi mới tư duy và ý chí chính trị. Đó là nền tảng cho cải cách có hiệu lực và hiệu quả.

Bên cạnh đó, tự do hóa thương mại, đầu tư và hội nhập là điều kiện cần phát huy lợi thế so sánh. Song vẫn chưa đủ mà phải kết hợp và gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế và phát triển khu vực tư nhân.

Việt Nam đang tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong khá nhiều buổi họp liên quan đến thể chế nhấn mạnh rằng không cần quá nhiều lý luận về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà quan trọng là làm thế nào để tiếp tục gỡ những nút thắt thể chế hiện nay.

Một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng thể chế kinh tế của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào các văn bản dưới luật và các quyết định hành chính; các hoạt động kinh tế về cơ bản triển khai trên địa giới địa phương, thiếu liên kết vùng.

Nhà nước còn tham gia và can thiệp hành chính trực tiếp vào việc phân bổ nguồn lực và sự vận hành của nền kinh tế, chưa tách biệt giữa cơ quan làm chính sách, điều tiết thị trường và cơ quan cung cấp dịch vụ công.

Môi trường kinh doanh và quyền tự quyết của doanh nghiệp còn bị hạn chế bởi yếu tố can thiệp phi thị trường. Quản lý tài sản và đầu tư công còn nhiều bất cập, gây lãng phí, thất thoát.

Kinh tế Việt Nam đang rất cần động lực mới để tiến lên những bước phát triển cao hơn. Thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực đã được xác định là những đột phá cấp thiết và cũng đã có những chuyển động trong thực tế. Tuy nhiên, những bước đi tiếp theo rất quan trọng để kinh tế Việt Nam mạnh lên và ở thế chủ động trong cuộc chơi hội nhập hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục