Đồng Nai: Bỏ giấy đi đường từ nhà đến doanh nghiệp với người lao động

Dù không áp dụng giấy đi đường, song quá trình di chuyển người lao động cần đeo bảng tên để giúp địa phương kiểm soát lưu thông, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.
Đồng Nai: Bỏ giấy đi đường từ nhà đến doanh nghiệp với người lao động ảnh 1Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh ngày 4/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai sẽ bỏ giấy đi đường đối với lao động hàng ngày đến doanh nghiệp để làm việc và trở về nhà.

Việc không áp dụng giấy đi đường đối với công nhân di chuyển từ nhà đến công ty và ngược lại được các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai thống nhất.

Theo ông Cao Tiến Dũng, Đồng Nai đề ra chủ trương cho phép người lao động ở các “vùng xanh” đã tiêm 2 mũi hoặc 1 mũi vaccine phòng COVID-19 (sau 14 ngày), người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 180 ngày được quay trở lại tham gia sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” hoặc đi, về hàng ngày.

Nếu áp dụng giấy đi đường đối với người lao động khi di chuyển từ nhà đến công ty và ngược lại sẽ gây nhiều khó khăn cho cả người lao động và doanh nghiệp.

Dù không áp dụng giấy đi đường, song quá trình di chuyển người lao động cần đeo bảng tên để giúp địa phương kiểm soát lưu thông, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.

[Dự báo thị trường lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam]

Việc mở cửa với Đồng Nai vô cùng cấp bách, không chỉ giúp khôi phục, phát triển kinh tế mà còn trực tiếp đảm bảo an sinh xã hội, tránh phát sinh những hệ lụy.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, khi doanh nghiệp hoạt động trở lại, nếu chỉ cho phép công nhân đi, về hàng ngày bằng xe đưa đón thì năng lực của doanh nghiệp không thể đáp ứng được, quá trình phục hồi sản xuất lại bế tắc.

Tỉnh quyết định bỏ giấy đi đường, cho phép công nhân hàng ngày đi làm bằng phương tiện cá nhân, đồng thời mong muốn người lao động xác định phòng, chống dịch là bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng, doanh nghiệp, cũng chính là bảo vệ việc làm, thu nhập của chính mình.

“Do thiếu việc làm nên gần đây nhiều công nhân nhập cư đã rời Đồng Nai trở về quê. Lãnh đạo Đồng Nai chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn của người lao động, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ, đảm bảo an sinh cho người dân, đặc biệt là công nhân ở các khu nhà trọ. Chính quyền mong người lao động bình tĩnh, suy xét thận trọng, bởi Đồng Nai có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, doanh nghiệp sẽ sớm hoạt động trở lại, cơ hội có việc làm với thu nhập tốt rộng mở với mọi người,” ông Cao Tiến Dũng khẳng định.

Tới đây Đồng Nai sẽ thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan thành lập các tổ hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết nhanh chóng hồ sơ, thủ tục khi doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Đối với việc di chuyển giữa các tỉnh, thành trong khu vực, ông Cao Tiến Dũng cho biết, quan điểm của Đồng Nai là không đóng kín, tuy nhiên hiện nay dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc giảm không đáng kể.

Tỉnh tiếp tục ưu tiên hoạt động lưu thông hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, khám chữa bệnh, các chuyên gia đi làm việc.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm đề ra phương án đón lao động quay lại Đồng Nai làm việc; xây dựng trung tâm y tế tại các khu công nghiệp; cho phép người dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được ra đường, tham gia hoạt động kinh tế, xã hội. Các xã, phường “vùng xanh” trên địa bàn tỉnh cần nới lỏng việc đi lại của người dân.

Đồng Nai hiện có hơn 3,2 triệu dân. Đến nay, tỉnh đã tiêm hơn 2,1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục