Đồng Nai đang thay đổi cấu trúc để phát triển xứng tầm là hạ tầng giao thông kết nối, công nghiệp và đô thị; nếu làm được điều này, cộng hưởng cùng sức bật do đầu tư công mang lại, điều này sẽ tạo đà cho cả một khu vực sân bay phát triển đúng mức, đưa Đồng Nai thành một trung tâm trung chuyển có sức cạnh tranh mang tầm quốc tế.
Hoàn chỉnh hệ thống giao thông
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với nhiều vùng kinh tế khác của cả nước, Đồng Nai cũng là 1 trong 4 địa phương nằm trong vùng tứ giác phát triển kinh tế gồm Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Dương-Đồng Nai-Bà Rịa Vũng Tàu có sức hút lớn của cả nước.
Trong quá trình phát triển kinh tế, các thách thức mà Đồng Nai đang đối mặt đó là các công trình hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, tương xứng với sự phát triển của tỉnh. Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống giao thông của tỉnh, nếu hệ thống giao thông không được đầu tư nâng cấp, mở rộng kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế trong nhiều năm qua, có quy mô kinh tế lớn thứ tư cả nước và là một trong 5 tỉnh có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, tỉnh luôn phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP cao hơn bình quân chung của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Suốt 2 thập niên qua, tỉnh Đồng Nai có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân giai đoạn 2001-2005 là 12,86%, giai đoạn 2005-2010 là 13,55%, giai đoạn 2011-2015 là 8%, giai đoạn 2015-2020 là 7,08% và giai đoạn 2021-2025 dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6%,” Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên phân tích.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, sau thời gian dài tăng trưởng mức cao, Đồng Nai có dấu hiệu chững lại bởi điểm nghẽn về hạ tầng giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trên địa bàn của tỉnh.
Điển hình thấy rõ nhất là các tuyến cao tốc, vành đai kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa được đầu tư kịp với kỳ vọng phát triển kinh tế. Các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ, kỹ thuật phức tạp dẫn đến việc đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Mặc khác, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh Đồng Nai. Nếu hạ tầng giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh Đồng Nai không được đầu tư nâng cấp, mở rộng kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và của Đồng Nai nói riêng.
Để tháo gỡ điểm nghẽn này, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết triển khai các dự án hạ tầng giao thông quan trọng như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, cao tốc Bến Lức-Long Thành. Trong đó, Cảng hàng không Long Thành giữ vai trò trung tâm của các dự án, góp phần chia sẻ tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, mở thêm không gian phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là yếu tố then chốt để nâng tầm kinh tế Vùng trọng điểm Đông Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng.
Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng Trung tâm logistics hàng không gắn với sân bay quốc tế Long Thành.
“Nhận diện được những cơ hội phát triển từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư mới,” Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ.
Để phục vụ kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành cho các địa phương trong tỉnh, tạo thành hệ thống giao thông kết nối liên hoàn, đồng bộ, tỉnh Đồng Nai đang đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh phục vụ kết nối sân bay Long Thành như đường tỉnh 773, đường tỉnh 769, đường tỉnh 770B.
Đồng Nai đang thúc đẩy hoàn chỉnh đầu tư hệ thống giao thông kết nối sân bay với các khu vực nội tỉnh và vùng kinh tế Đông Nam Bộ theo các hướng khác nhau.
Về kết nối giao thông đường bộ, tỉnh Đồng Nai quyết liệt thực hiện tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức-Long Thành, cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây, cao tốc Dầu Giây-Tân Phú, Tân Phú-Bảo Lộc.
Ngoài ra, các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh cũng đang gấp rút triển khai. Về hệ thống giao thông đường sắt kết nối đến sân bay Long Thành đã được quy hoạch 3 tuyến gồm: tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-sân bay Long Thành; tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu. Về hệ thống cảng biển, trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch các cảng biển Gò Dầu, Phú Hữu, Phước Khánh, Phước An các cảng này đã và đang được đầu tư xây dựng.
“Hạ tầng giao thông khu vực sân bay, phải được kết nối đồng bộ và hoàn thiện nhanh chóng. Giao thông từ sân bay tỏa hướng đi các cảng phải thật sự thuận lợi. Để có nguồn lực đầu tư phát triển mạnh hạ tầng vùng động lực sân bay, Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đang tìm nguồn vốn vay thực hiện công việc hệ trọng này,” Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
Đẩy mạnh đầu tư hệ thống logistic
Ngoài việc thúc đẩy đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối, tỉnh Đồng Nai cũng đã quy hoạch hệ thống logistic khu vực vùng sân bay nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương cũng như toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết.
Hiện nay, Đồng Nai đang tổ chức lập quy hoạch xây dựng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó dự kiến quy hoạch hai khu trung tâm Logistics gồm khu phía Đông Bắc Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại xã Sông Nhạn, huyện cẩm Mỹ và khu phía Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại xã Tân Hiệp, huyện Long Thành. Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã giao cho Sở Xây dựng quy hoạch tổng kho trung chuyển miền Đông tại huyện Trảng Bom nhằm khai thác tối đa hiệu quả lưu trữ, xuất nhập hàng hóa và các dịch vụ logistics.
Trung tâm logistics phía Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại xã Tân Hiệp-Bàu Cạn, huyện Long Thành nằm trong Khu công nghiệp Bàu Cạn, quy mô dự kiến dành quỹ đất khoảng 100ha. Vị trí cách trung tâm thành phố Biên Hòa 30km, có tuyến đường sắt quy hoạch Biên Hòa-Vũng Tàu đi ngang qua, nằm ngay khu vực cửa ngõ sân bay quốc tế Long Thành, cách cảng Phước An 5-10km và cảng Cái Mép Thị Vải tầm 25-30km. Phát triển đường sắt kết nối Trung tâm logistics và đường sắt cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu tạo điều kiện kết nối phương thức vận tải sức chứa lớn với cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải. Giai đoạn đầu tư dự kiến trước năm 2030.
Trung tâm logistics phía Bắc Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại xã Sông Nhạn, huyện cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai nằm trong khu công nghiệp Xuân Quế-Sông Nhạn tại huyện cẩm Mỹ. Quy mô dự kiến dành quỹ đất 100 ha. Vị trí thuận lợi cho cả giao thông đường bộ và đường hàng không. Giai đoạn đầu tư dự kiến trước năm 2030.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai khẳng định “Sân bay Long Thành sẽ mở ra bầu trời để Đồng Nai trở thành Trung tâm trung chuyển khu vực, kết nối Đồng Nai với vùng, quốc gia và thế giới.”
Với tiềm năng và thế mạnh, Đồng Nai đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, logistics đặc biệt trong giai đoạn dự án Cảng hàng không quốc tế Long thành xây dựng và đi vào hoạt động.
Tỉnh cũng sẽ tập trung thu hút nhiều dự án đầu tư đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ như Trung tâm hội nghị triển lãm tập trung, Trung tâm thương mại dịch vụ, Siêu thị, Cửa hàng tiện lợi, Cosco, Trung tâm logistics các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ làm nguyên liệu đầu vào cho các dự án đầu tư tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.
Đồng Nai: Nhanh chóng bàn giao mặt bằng Dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú
Để triển khai dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú, ngành chức năng tỉnh Đồng Nai cần thu hồi gần 380ha đất với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.450 tỷ đồng.