Đồng Nai, Tây Ninh góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và HĐND tỉnh Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ngày 20/3, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Thành phần tham dự hội nghị, ngoài các đại biểu Quốc hội khóa 13, nguyên đại biểu Quốc hội các khóa, còn có hàng chục chuyên gia, nhà khoa học, trí thức trên địa bàn tỉnh, tham gia đóng góp ý kiến.

Hầu hết các đại biểu đều tán thành với những nội dung mà Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 đưa ra. Một số ý kiến cho rằng Chương II về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” đã khẳng định rõ giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. C ác đại biểu tập trung góp ý về các vấn đề: xây dựng Hội đồng hiến pháp, Hội đồng bầu cử, sự cần thiết phải xây dựng chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn trong hiến pháp, đồng thời khẳng định vai trò của đại biểu Quốc hội trong xã hội hiện nay.

Ông Trần Văn Tư, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu và cho rằng, ngoài việc tổng hợp các ý kiến, đây sẽ là cơ sở để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đóng góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tới.

Tại phiên thảo luận ngày 20/3, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh tại kỳ họp khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) đã đóng góp nhiều ý kiến vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Về phần lời nói đầu, có ý kiến đóng góp đề nghị thay cụm từ “mấy nghìn năm lịch sử” bằng cụm từ “hàng ngàn năm lịch sử;” đề nghị bổ sung cụm từ “yêu nước” vào đoạn đầu sau cụm từ “truyền thống,” vì yêu nước là một truyền thống đã được nhân dân ta hun đúc nên và trải qua mấy ngàn năm lịch sử; đề nghị bổ sung cụm từ “bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” vào đoạn cuối để thay cụm từ “thi hành Hiến pháp” và sửa lại như sau: “Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”

Tại khoản 3, Điều 13 có nêu: Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm tác giả bài hát; đề nghị quy định rõ “Ngày quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.”

Tại Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, có ý kiến đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 xác định rõ cơ quan nào có thẩm quyền giới hạn quyền và những quyền không thể bị giới hạn.

Tại Khoản 3, Điều 110 quy định: “Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Thẩm phán; việc bầu và nhiệm kỳ của Hội thẩm Tòa án nhân dân do luật định”, có ý kiến đề nghị Hiến pháp nên quy định cụ thể hơn, nhiệm kỳ của thẩm phán là 5 năm.

Có ý kiến thay cụm từ “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân” thành “Chính quyền địa phương” cho phù hợp với tên Chương. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần có điều quy định về thanh niên, vì đây là lực lượng xã hội hùng hậu, Bác Hồ xem thanh niên là rường cột của nước nhà, Đảng ta xem thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, được đặt ở vị trí trung tâm để chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục. Các bản Hiến pháp 1946, 1958, 1992 đều có quy định về thanh niên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục