Đông Nam Á không thể bàng quan trước "gậy" thương mại của Mỹ

Nhìn từ góc độ dây chuyền công nghiệp, một số nước Đông Nam Á đã thấy rằng trong bối cảnh Mỹ khơi mào cuộc chiến thương mại, Đông Nam Á không thể bàng quan đứng nhìn, càng không thể “chống dột."
Đông Nam Á không thể bàng quan trước "gậy" thương mại của Mỹ ảnh 1Tàu chở hàng ra vào cảng Singapore. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhìn từ góc độ dây chuyền công nghiệp, một số nước Đông Nam Á đã thấy rằng trong bối cảnh Mỹ khơi mào cuộc chiến thương mại, Đông Nam Á không thể bàng quan đứng nhìn, càng không thể “chống dột” vì Đông Nam Á đã sớm tham gia vào dây chuyền công nghiệp toàn cầu.

Đây là nhận định của bài viết mới đăng trên báo Báo Văn hối (Hong Kong).

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của khối này, các bên đều tham gia sâu vào hệ thống dây chuyền công nghiệp phức tạp, có sự phân công và vai trò khác nhau.

Ví dụ, điện thoại di động mang nhãn hiệu Mỹ được lắp ráp tại Trung Quốc, nhưng nhiều linh kiện được sản xuất ở Đông Nam Á. Việc Mỹ áp thuế cao để tạo ra rào cản sẽ khiến các nước Đông Nam Á thiệt hại.

Trong 15 năm qua, tổng lượng thương mại giữa Đông Nam Á và Mỹ đã tăng gấp đôi.

Theo số liệu thống kê năm 2013, trong số các doanh nghiệp lớn có doanh thu hàng năm vượt trên 1 tỷ USD, có 227 doanh nghiệp đặt trụ sở chính tại các nước ASEAN, trong đó có nhiều doanh nghiệp Mỹ.

Ngay cả khi không có đặt trụ sở ở ASEAN, một số doanh nghiệp Mỹ cũng kiếm được rất nhiều tiền ở Đông Nam Á. Ví dụ, Đông Nam Á là cơ sở sản xuất xe bán tải quan trọng nhất thế giới của hai hãng xe hơi lớn Ford và GM của Mỹ.

Tuy nhiên, những số liệu từng được cả ASEAN và Mỹ tự hào đến nay đều đã trở thành đối tượng bị chính quyền Trump "săm soi."

[Giải bài toán phát triển cơ sở hạ tầng của các nước ASEAN]

Cách đây không lâu, Jeffrey Gerrish, Phó Đại diện Thương mại phụ trách các vấn đề châu Á trong phái đoàn chính sách thương mại của Trump, thẳng thừng tuyên bố: “Năm ngoái, Mỹ và một số nước ASEAN còn thâm hụt thương mại lớn: Việt Nam là 38 tỷ USD, Malaysia là 25 tỷ USD, Thái Lan 20 tỷ USD, Indonesia 13 tỷ USD… Mỹ đã làm rất nhiều cho ASEAN về mặt tiếp cận thị trường. Bây giờ, chúng tôi muốn ASEAN phải trả nhiều hơn cho chúng tôi.”

Sudhir Shetty, kinh tế gia trưởng khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động sẽ làm tổn thương Đông Nam Á, bởi vì Đông Nam Á là một khâu quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực.

Một số chuyên gia phân tích kinh tế Đông Nam Á cho rằng “đòn liên hoàn” thương mại của chính quyền Trump rất có thể khiến các nước phụ thuộc vào xuất khẩu ở mức vừa và cao ở Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Việt Nam và nước phụ thuộc vào thương mại dịch vụ và trung chuyển ở mức cao là Singapore bị ảnh hưởng mạnh. Điều này sẽ kéo theo viễn cảnh phát triển hội nhập của ASEAN nhuốm màu u ám.

Mặt khác, về kế hoạch phát triển, Đông Nam Á lo ngại rằng việc Mỹ toan tính phá vỡ các quy tắc của hệ thống Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ gây nguy hiểm cho mô hình phát triển công nghiệp mà các nước Đông Nam Á vốn được lên kế hoạch từ lâu.

ASEAN từ lâu đã sử dụng chiến lược tiến thoái tập thể, do đó, các nước trong quá trình phát triển lâu dài dần điều chỉnh, hình thành nên sự bù đắp cho nhau trong các lĩnh vực tài nguyên, công nghiệp, dịch vụ, lao động..., về cơ bản đã giải quyết được cái bẫy của sự phát triển đồng nhất hóa.

Trong khi các quy tắc của hệ thống WTO luôn là sách tham khảo cho ASEAN trong việc điều chỉnh cơ cấu công nghiệp.

7 trong số 10 nước ASEAN là nhóm thành viên sớm nhất của WTO, 3 nước Campuchia, Việt Nam và Lào cũng đã hoàn thành các cuộc đàm phán và gia nhập WTO.

Theo quy định của WTO, các nước ASEAN đã giành được nhiều thuận lợi và ưu thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng xuất khẩu, tăng cường nội nhu, giải quyết việc làm, tìm ra mô hình phát triển hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và tự xác định được vai trò, vị trí của mình.

Đối với khu vực Đông Nam Á, việc phá vỡ các quy tắc WTO không khác gì xé cuốn sách hướng dẫn phát triển ngoại thương ở các nước Đông Nam Á trong những năm qua.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Mulyani Indrawati gần đây khi tiếp xúc báo giới đã cho rằng, cuộc chiến thương mại không phù hợp với lợi ích song phương Trung-Mỹ.

Vị cựu Phó Tổng giám đốc Thường trực kiêm Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (World Bank) này cho rằng việc xem xét những khác biệt trong thương mại nên được giải quyết thông qua WTO, thay vì thiết lập các rào cản thuế quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục