Đồng nhân dân tệ suy yếu, Trung Quốc làm gì ngăn dòng vốn tháo chạy?

Chính phủ Trung Quốc muốn tránh lặp lại kịch bản hồi năm 2015, khi các nhà giao dịch tiền tệ bán tháo đồng nhân dân tệ sau khi các cơ quan quản lý hạ tỷ giá tham chiếu của đồng tiền này.
Đồng nhân dân tệ suy yếu, Trung Quốc làm gì ngăn dòng vốn tháo chạy? ảnh 1Đồng tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo tờ Nikkei Asia Review số ra ngày 30/8, trong bối cảnh Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ hạ giá xuống mức thấp chưa từng có của 11 năm qua, các nhà quản lý tài chính ở nước này đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn dòng vốn tháo chạy khỏi Đại lục.

Các quy định mới bao gồm việc giám sát chặt chẽ hơn đối với các ngân hàng trong thời điểm diễn ra sự tháo chạy dòng vốn và hạn chế sự tiếp cận của các công ty phát triển bất động sản đối với trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ.

Nếu hệ thống tài chính được cho là đang đứng bên bờ vực của sự bất ổn, Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) sẽ tuyên bố tình trạng "bất thường."

[Tại sao nhân dân tệ trượt giá, xuống mức thấp nhất trong hơn 11 năm?]

Khi đó, các ngân hàng sẽ được đánh giá trên cơ sở số tiền nhân dân tệ được chuyển ra nước ngoài và khối lượng ngoại tệ bán ra.

Nếu bị đánh giá thấp hơn so với mức trung bình của cả nước, xếp hạng của ngân hàng đó sẽ bị hạ xuống. Hậu quả là những ngân hàng này sẽ phải đối mặt với những hạn chế về mặt hoạt động.

Trung Quốc đã cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá nhằm giảm bớt các tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, giữa bối cảnh tranh chấp thương mại với Washington vẫn kéo dài.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc muốn tránh lặp lại kịch bản hồi năm 2015, khi các nhà giao dịch tiền tệ bán tháo đồng nhân dân tệ sau khi các cơ quan quản lý hạ tỷ giá tham chiếu của đồng tiền này.

Sau cú sốc tiền tệ năm 2015, các nhà quản lý ngoại hối đã thực hiện nhiều biện pháp trong các năm 2016 và 2017 nhằm làm chậm dòng chảy vốn ra bên ngoài.

Tại thời điểm đó, những người nước ngoài ở Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều trở ngại khi chuyển tiền ra nước ngoài ngay cả với số tiền chỉ vài ngàn USD.

Các biện pháp nặng tay như vậy đã vấp phải sự chỉ trích của quốc tế. Vì vậy, lần này, các quan chức nhà nước đã chuyển sang thực hiện các biện pháp kiểm soát dòng vốn một cách gián tiếp hơn.

Tuy nhiên, SAFE vẫn chưa tiết lộ các tiêu chí mà cơ quan này sử dụng để đánh giá khi nào tình hình tài chính là "bất thường" và vẫn có khả năng cơ quan này sẽ gây trở ngại cho việc chuyển tiền ra bên ngoài.

Bên cạnh đó, SAFE đã ra lệnh cho các tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng bổ sung thêm tài liệu trước khi ký lệnh chuyển tiền ra nước ngoài.

Ví dụ, nếu bố mẹ muốn trả học phí cho con học ở nước ngoài, họ phải nộp giấy yêu cầu thanh toán. Để chuyển tiền cho các lý do khác, khách hàng sẽ phải nộp các tài liệu như giấy phép làm việc.

Một đại diện của ngân hàng Trung Quốc cho biết "việc chuyển tiền ra nước ngoài nhằm phục vụ các mục đích mua bất động sản hoặc mua các sản phẩm bảo hiểm đều bị cấm."

Các công ty bất động sản đang phải đối mặt với quy định chặt chẽ hơn. Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) đã thông báo với các công ty trong lĩnh vực này rằng các công cụ nợ được định giá bằng ngoại tệ sẽ bị hạn chế ở những loại có thời gian đáo hạn dưới 1 năm. Ngay cả việc phát hành những công cụ nợ có thời gian đáo hạn dưới một năm cũng chỉ áp dụng cho trường hợp tái cấp vốn.

Trong giai đoạn 2013-2015, khi đồng nhân dân tệ mạnh lên, các công ty bất động sản đã phát hành một khối lượng lớn các chứng chỉ nợ được định giá bằng ngoại tệ. Việc đồng nhân dân tệ liên tục mất giá sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ cho các công ty này.

Tuy nhiên, các công ty bất động sản thường có xếp hạng tín dụng thấp nên phải huy động vốn với lãi suất khoảng 10%. Sự gia tăng của gánh nặng nợ có nguy cơ gây ra sự bất ổn trên các thị trường tài chính.

Hôm 1/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo một đợt nâng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bốn ngày sau đó, đồng nhân dân tệ đã giảm giá mạnh và vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng 7 nhân dân tệ đổi lấy 1 USD, một mức thấp kỷ lục kể từ năm 2008.

Sau đó, đồng nội tệ của Trung Quốc tiếp tục yếu đi và chạm ngưỡng 7,17 nhân dân tệ đổi lấy 1 USD trong ngày 29/8.

Giá trị của đồng nhân dân tệ giảm gần 4% trong tháng Tám - mức mất giá mạnh nhất trong vòng một tháng kể từ năm 2005 - thời điểm Trung Quốc áp dụng tỷ giá hối đoái thả nổi có kiểm soát./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục