Đồng Tháp đầu tư 92 tỷ đồng để bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ

Do biến đổi khí hậu và yếu tố môi trường nên sếu về Tràm Chim giảm dần, có năm sếu không quay về, Đồng Tháp đang thực hiện Dự án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ nhằm khôi phục lại số lượng sếu.
Đồng Tháp đầu tư 92 tỷ đồng để bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ ảnh 1Sếu đầu đỏ tại vườn quốc gia Tràm Chim. (Nguồn: TTXVN phát)

Sếu đầu đỏ từ lâu là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. Đây là loài sinh vật hiếm, có tên trong Sách Đỏ thế giới, đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ.

Tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực thực hiện Dự án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Cần bảo tồn Sếu đầu đỏ

Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim Nguyễn Văn Lâm cho biết vườn nằm ở hạ lưu sông Mekong và trung tâm của Đồng Tháp Mười (thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) với hơn 7.300ha, chia thành 5 phân khu chức năng từ A1 đến A5 và phân khu C (dịch vụ hành chính).

Vườn được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Vườn nằm trong vùng trũng ngập sâu của Đồng Tháp Mười, có khoảng 130 loài thực vật với 6 kiểu quần xã đặc trưng gồm sen, lúa ma, cỏ năn, cỏ ống, mồm mốc và rừng tràm; hơn 230 loài chim, trong đó có 32 loài quý hiếm.

Vườn có 130 loài cá, 174 loài thực vật phiêu sinh, 110 loài động vật phiêu sinh, 23 loài động vật đáy; lưỡng cư, bò sát có 44 loài.

Với sự đa dạng sinh học, xuất hiện nhiều bãi cỏ năn nên những năm qua, Sếu đầu đỏ đã về Vườn Quốc gia Tràm Chim để tìm thức ăn. Tuy nhiên, số lượng Sếu đầu đỏ tìm về vườn ngày càng giảm.

Năm 2021, chỉ có 3 con Sếu đầu đỏ về Tràm Chim và từ năm 2022 đến nay, không thấy xuất hiện cá thể sếu nào tại đây.

Hiện, Sếu đầu đỏ được xếp vào danh sách sắp nguy cấp trong Sách Đỏ về các loài bị đe dọa tuyệt chủng của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (Tổ chức IUCN).

Sếu đầu đỏ gồm có 3 loại: Sếu Ấn Độ, Sếu phương Đông và Sếu Australia. Riêng loài Sếu phương Đông xuất hiện ở Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và có quần thể nhỏ nhất trong số ba loài.

Trong 10 năm qua, ở Campuchia và Việt Nam, quần thể Sếu đầu đỏ hoang dã đã suy giảm một cách nhanh chóng, từ 850 cá thể được ghi nhận vào năm 2010 giảm xuống chỉ còn dưới 160 cá thể được ghi nhận trong cuộc điều tra quần thể gần đây nhất vào năm 2022.

Nếu xu hướng suy giảm này tiếp tục diễn ra, quần thể Sếu đầu đỏ phương Đông hoang dã ở Campuchia và Việt Nam có thể sẽ sớm bị tuyệt chủng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho hay Vườn Quốc gia Tràm Chim được nhiều người biết tới vì trước đây, hằng năm, số lượng Sếu đầu đỏ về vườn rất nhiều. Hình ảnh Sếu đầu đỏ cũng đã xuất hiện trong logo của tỉnh.

Những năm gần đây do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của môi trường sinh thái nên sếu về Tràm Chim giảm dần, có năm sếu không quay về. Tỉnh đang thực hiện Dự án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ nhằm khôi phục lại số lượng sếu.

Việc phục hồi và phát triển đàn sếu ở Vườn Quốc gia Tràm Chim mang lại nhiều ý nghĩa trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, trong đời sống văn hóa tinh thần của con người.

Sự thành công của dự án cũng góp phần quan trọng trong việc bảo tồn đàn Sếu đầu đỏ của khu vực hạ lưu sông Mekong vốn đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Điều này sẽ chứng minh sự cam kết và tinh thần trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia vào các định chế quốc tế.

Đồng Tháp đầu tư 92 tỷ đồng để bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ ảnh 2Sếu đầu đỏ có tên trong Sách Đỏ thế giới từng xuất hiện tại Vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN phát)

Tiến sỹ Trần Triết, Giám đốc Chương trình bảo tồn Sếu Đông Nam Á, cho rằng Sếu đầu đỏ là loài chim hiếm, số lượng hiện còn rất ít nên cần hỗ trợ để đàn sếu tồn tại và phát triển.

Ngoài ra, chuyện mang sếu trở về Đồng Tháp còn đóng góp vào sự bảo tồn loài sinh vật quan trọng cho cả thế giới.

[Thái Lan và Việt Nam hợp tác bảo vệ loài sếu đầu đỏ quý hiếm]

Dự án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp có nhiều thuận lợi, nhất là sự cam kết của các cấp chính quyền cũng như Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim, rất quyết tâm thực hiện dự án. Cam kết không chỉ về chính sách mà còn về mặt tài chính để thực hiện dự án.

Sẽ nuôi thả 150 cá thể sếu về tự nhiên

Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim, mục tiêu của dự án là phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên.

Trong vòng 10 năm (2023-2033), dự án phấn đấu nuôi thả 150 cá thể sếu về tự nhiên với tối thiểu 100 cá thể sống sót. Đàn sếu được thả sẽ có thể tự sinh sản và tồn tại, phát triển trong môi trường tự nhiên.

Dự án có 4 nội dung chính gồm nuôi, thả sếu tại Tràm Chim; cải thiện môi trường sống của sếu; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ xung quanh vườn; quảng bá, giáo dục môi trường, phát triển sinh kế bền vững dựa vào Sếu đầu đỏ và nông nghiệp hữu cơ, vận động sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 92 tỷ đồng.

Đồng Tháp đầu tư 92 tỷ đồng để bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ ảnh 3Chuồng dùng để nuôi nhốt các loài chim tại Trại bảo tồn sinh vật Vườn quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Gần đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam (VZA), Hội Sếu quốc tế (ICF) và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan (ZPOT) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác bảo tồn Sếu đầu đỏ.

Đây là tiền đề để các tổ chức này hỗ trợ tỉnh về kỹ thuật, kinh nghiệm bảo tồn sếu và con giống.

“Đồng Tháp đã có kế hoạch phát triển rừng bền vững, giờ đây, gắn thêm Dự án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ, tỉnh sẽ khôi phục được đàn sếu và cả hệ sinh thái Tràm Chim; duy trì hệ Ramsar-vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế; bảo tồn, phát triển đàn sếu; khai thác Tràm Chim trở thành điểm đến du lịch," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện nhấn mạnh.

Ông Richard David Beilfuss, Giám đốc điều hành Hội Sếu quốc tế cho hay ICF rất ủng hộ Dự án bảo tồn, phát triển Sếu đầu đỏ của Đồng Tháp và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác giữa các chương trình phục hồi quần thể Sếu đầu đỏ ở Thái Lan và Việt Nam; tư vấn kỹ thuật, đào tạo cán bộ cho Vườn Quốc gia Tràm Chim về việc nuôi, thả, giám sát Sếu đầu đỏ và quản lý môi trường sống của sếu trong vùng lõi, vùng đệm của vườn.

Hiện nay, Đồng Tháp đang từng bước triển khai thực hiện Dự án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Về thiết kế chuồng phục vụ quy trình nuôi nhốt sếu và thả về thiên nhiên, vườn đã thuê đơn vị tư vấn hoàn thiện thiết kế theo ý kiến các chuyên gia. Tỉnh cũng đã thành lập đoàn sang Thái Lan để tập huấn chuyên môn, kỹ thuật nuôi sếu cho nhân viên Vườn Quốc gia Tràm Chim; bàn thảo kế hoạch với Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan (ZPOT) đưa sếu về Việt Nam để nuôi và huấn luyện sếu sinh sản.

Song song đó, Trại bảo tồn sinh vật Vườn Quốc gia Tràm Chim đã và đang khẩn trương thực hiện các hạng mục xây dựng phục vụ việc bảo tồn và phát triển sếu. Vườn Quốc gia Tràm Chim triển khai công tác cải thiện môi trường tự nhiên phục vụ cho việc thả sếu về tự nhiên; điều tiết nước khu A4 và A5 phù hợp với điều kiện phát triển quần xã thực vật, đặc biệt là cỏ năn kim (thức ăn chính của Sếu đầu đỏ); vận động người dân xung quanh phân khu A4 (nơi sẽ tổ chức thả sếu về tự nhiên) sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhằm tạo môi trường sống thuận lợi “giữ chân” đàn sếu.

Tiến sỹ Trần Triết, Giám đốc Chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á đánh giá việc phục hồi sinh cảnh sống của Sếu đầu đỏ là vấn đề hết sức quan trọng, đóng góp cho sự thành công của Dự án bảo tồn và phát triển đàn sếu.

Nếu tiếp nhận sếu từ Thái Lan về nuôi, thả tại Tràm Chim mà không có môi trường sống thích hợp thì dự án không thể thành công.

Việc phục hồi tạo sinh cảnh cho cả bên trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Tràm Chim và sinh cảnh bên ngoài vùng đệm. Vì khi được thả ra môi trường tự nhiên, rất nhiều khả năng sếu không chỉ sống trong vùng lõi mà còn ở các vùng đệm lân cận.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện yêu cầu Vườn Quốc gia Tràm Chim khẩn trương san phẳng đất các bờ bao đã nạo vét, thực hiện việc điều tiết mực nước gắn với phòng, chống cháy rừng, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.

Khu nuôi thả sếu phải có môi trường tự nhiên phù hợp và sinh cảnh tốt nhất cho sếu sinh trưởng, phát triển.

Ủy ban Nhân dân huyện Tam Nông rà soát lại những hộ dân sống quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim nhằm giúp người dân có việc làm, có thu nhập ổn định, hạn chế xâm nhập trái phép vào vườn, đồng thời tiếp tục vận động người dân vùng đệm tham gia sản xuất lúa hữu cơ./.

Sếu đầu đỏ có tên trong Sách Đỏ thế giới từng xuất hiện tại Vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN phát)
Sếu đầu đỏ có tên trong Sách Đỏ thế giới từng xuất hiện tại Vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN phát)
Từ lâu, sếu đầu đỏ là biểu tượng của Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Từ lâu, sếu đầu đỏ là biểu tượng của Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Chuồng dùng để nuôi nhốt các loài chim tại Trại bảo tồn sinh vật Vườn quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Chuồng dùng để nuôi nhốt các loài chim tại Trại bảo tồn sinh vật Vườn quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Năm 2021, chỉ có 3 con sếu đầu đỏ về Tràm Chim và từ năm 2022 đến nay, không xuất hiện cá thể sếu nào tại Tràm Chim. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Năm 2021, chỉ có 3 con sếu đầu đỏ về Tràm Chim và từ năm 2022 đến nay, không xuất hiện cá thể sếu nào tại Tràm Chim. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Cơ sở vật chất được xây dựng để phục vụ Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Cơ sở vật chất được xây dựng để phục vụ Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Ở Vườn quốc gia Tràm Chim, có nhiều cỏ năn kim là thức ăn của sếu đầu đỏ. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Ở Vườn quốc gia Tràm Chim, có nhiều cỏ năn kim là thức ăn của sếu đầu đỏ. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục