Đồng Tháp phấn đấu đón 1,46 triệu lượt khách du lịch

Năm nay, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đón 1,46 triệu lượt khách du lịch quốc tế và nội địa, với tổng doanh thu 198 tỷ đồng.
Mặc dù bị hạn chế do ảnh hưởng lũ lụt nhưng năm 2011, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp đã thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan với hơn 1,3 triệu lượt khách, trong đó có 24.000 lượt khách quốc tế, tăng 20% so với năm 2010.

Tổng doanh thu từ ngành du lịch đạt 162 tỷ đồng. Năm nay, tỉnh phấn đấu đón 1.460.000 lượt du khách, với tổng doanh thu 198 tỷ đồng.

Du khách đến với Đồng Tháp đều có nhận xét chung là thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Đồng Tháp khá nhiều cảnh quan sinh động, độc đáo, trong đó lợi thế nổi bật nhất là Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) nơi lưu giữ, bảo tồn hệ sinh thái của Đồng Tháp Mười cổ xưa với rất nhiều loài chim quý, đặt biệt là Sếu Đầu Đỏ.

Bên cạnh đó, Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng (huyện cao lãnh) lại là một Đồng Tháp Mười thu nhỏ được tạo dựng bằng trí tuệ, công sức của con người trong nhiều năm qua. Ngoài ra, Đồng Tháp còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa, cách mạng được cả nước biết đến như Khu Di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu Di tích Xẻo Quýt, Khu di tích Gò Tháp, Tượng Đài Gò Quản Cung - Giồng Thị Đam...

Đồng Tháp còn có Làng hoa kiểng Sa Đéc được xếp vào loại lớn nhất Nam Bộ. Trên sông Tiền, sông Hậu thuộc địa phận tỉnh còn có trên 10 cồn lớn, nhỏ nằm rải rác hầu hết các huyện, thị xã, thành phố có thể phát triển thành những điểm du lịch sinh thái.

Vùng đất Đồng Tháp có sự giao thoa của nhiều sắc thái văn hóa, được thể hiện rõ nét qua những di tích Gò Tháp, Chùa Bửu Lâm, Dinh Ông Đốc Vàng, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (ở thị xã Sa Đéc) và hàng loạt nhà cổ (ở huyện Hồng Ngự), Chùa Kiến An Cung, Chùa Hương, Chùa Bà, Chùa Tổ, Đình Thần Tân Phú Trung, Miếu Ông Bà Chủ Chợ Cao Lãnh.

Các địa danh trên hàng năm thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài tỉnh trong các ngày lễ hội. Ngoài ra, Đồng Tháp còn khá nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như chiếu Định Yên, nem Lai Vung, dệt choàng Long Khánh và các khu cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Dinh Bà... có thể phát triển loại hình du lịch tham quan kết hợp mua sắm. Với những lợi thế trên, thời gian qua tỉnh Đồng Tháp đã có sự đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh này để nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Nhìn tổng thể Đồng Tháp có nhiều tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch nhân văn khá độc đáo. Tuy vậy, trong những năm qua, đầu tư phát triển trên lĩnh vực này của tỉnh vẫn còn hạn chế do quy mô còn nhỏ, điểm xuất phát thấp, chưa xứng tầm để khơi dậy tiềm năng du lịch.

Trong định hướng và mục tiêu phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015, Đồng Tháp xác định du lịch phát triển theo hướng du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử trên cơ sở khai thác triệt để các tài nguyên sẵn có, sản phẩm du lịch phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đồng thời phải gắn liền với việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển du lịch mang tính bền vững.

Tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch trọng yếu của tỉnh như Khu Di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quýt, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc theo mục tiêu không dàn trải, nâng dần giá trị và sức thu hút khách đến các khu, điểm du lịch.

Tỉnh đầu tư mở rộng và phát triển các công trình dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí; chú trọng phát triển hệ thống các trạm dừng chân trên các tuyến du lịch, chủ yếu phát triển, tôn tạo các di tích văn hóa-lịch sử-cách mạng và các lễ hội, làng nghề truyền thống để phục vụ du lịch, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các loại hình du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách để kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của khách.

Tỉnh tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và kêu gọi đầu tư, công tác xã hội hóa về du lịch..../.

Nguyễn Văn Thi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục