Đồng Tháp: Phát triển xoài thành ngành hàng có giá trị gia tăng cao

Tỉnh Đồng Tháp tăng diện tích xoài đến năm 2025 lên 11.055ha; các hộ trồng xoài tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, hội quán áp dụng tiêu chuẩn GAP, gắn với mã vùng trồng đạt 100%.
Đồng Tháp: Phát triển xoài thành ngành hàng có giá trị gia tăng cao ảnh 1Nông dân chăm sóc xoài Cao Lãnh (Ảnh: TTXVN phát)

Ngành hàng xoài là một trong 6 ngành hàng trong tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp. Hiện nay, tỉnh phát triển ngành này thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao, thông qua tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn kỹ thuật vững bền tại vùng chuyên canh.

Đồng thời, tăng diện tích xoài đến năm 2025 lên 11.055ha. Theo đó, các hộ trồng xoài tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, hội quán áp dụng tiêu chuẩn GAP, gắn với mã vùng trồng đạt 100%.

Những mô hình phát triển

Theo ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, diện tích trồng xoài của tỉnh Đồng Tháp chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của Đồng Tháp với sản lượng hơn 130.000 tấn/năm.

Xoài ở Đồng Tháp được đăng ký mã số vùng trồng với 327 mã số với diện tích 5.948 ha; 9 cơ sở đóng gói xoài trên địa bàn đã đăng ký mã số cơ sở đóng gói; chứng nhận VietGAP trên cây xoài ở địa bàn tỉnh.

Để có nguồn xoài ổn định, Đồng Tháp tổ chức vùng chuyên canh trồng xoài cát Chu và cát Hòa Lộc. Xoài cát Chu chiếm 60% diện tích, xoài cát Hòa Lộc chiếm 30%, trồng tập trung nhiều nhất ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh.

Để phát triển ngành hàng xoài bền vững, bán được giá cao, nông dân Đồng Tháp đang phát triển mạnh mô hình trồng xoài rải vụ, thực hiện khoảng 60% diện tích; sản xuất xoài rải vụ đủ điều kiện an toàn ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Trồng xoài rải vụ bán được giá cao hơn 10.000 đồng/kg so với xoài chính vụ.

Ông Đoàn Thanh Hiền, Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh là một trong những người đi tiên phong trong việc áp dụng theo quy trình sản xuất xoài rải vụ cho biết, mô hình trồng xoài rải vụ, giúp điều tiết sản lượng xoài cung ứng trong năm, cân bằng cán cân cung cầu và giúp nông dân trồng xoài thu được lợi nhuận cao.

[Đồng Tháp nâng cao chất lượng xoài, mở rộng thị trường xuất khẩu]

Theo các nhà vườn, mô hình canh tác xoài rải vụ giá bán cao hơn xoài chính vụ từ 1,5- 2 lần. Trồng xoài rải vụ khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp cho nhà vườn thu nhập cao hơn. Lãi từ xoài rải vụ từ 200-220 triệu đồng/ha, trong khi đó xoài chính vụ chỉ lãi từ 150-160 triệu đồng/ha.

Cùng với đó, tỉnh Đồng Tháp còn áp dụng mô hình kỹ thuật bao trái xoài theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); công nghệ sau thu hoạch. Hiện nay, diện tích trồng xoài thực hiện bao trái chiếm hơn 85% diện tích để trái xoài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Đoàn Thanh Hiền cho biết thêm bao trái tạo ra trái xoài chất lượng cao, ngăn côn trùng xâm nhập. Bao trái cũng hạn chế được số lần phun thuốc từ 5-7 lần/vụ, giúp vỏ trái bóng đẹp hơn, gia tăng lợi nhuận cho nhà vườn, tăng năng suất từ 20-30%.

Theo tính toán, xoài bao trái lãi từ 200-220 triệu đồng/ha, cao hơn xoài không bao trái từ 50-80 triệu đồng/ha.

Theo ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa qua lượng xoài Đồng Tháp xuất khẩu với số lượng ít là do chất lượng quả không đạt chỉ tiêu đề ra của nhà nhập khẩu.

Ông Tài cũng nhấn mạnh, để có trái xoài tốt xuất khẩu cần bao trái cho màu sắc đẹp, tránh va đập cơ học, hạn chế phun thuốc, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên trái, chọn giống phù hợp, thu hoạch đúng độ chín, sử dụng công nghệ sơ chế và bảo quản.

Theo Giáo sư, tiến sỹ Trần Văn Hậu, Trường Đại học Cần Thơ, để phát triển ngành hàng xoài, tỉnh Đồng Tháp cần phải có liên kết ngang, liên kết dọc trong tái cơ cấu nông nghiệp. Liên kết ngang là giữa nông dân với nông dân nhằm tạo ra vùng sản xuất có quy mô lớn, hướng tới xây dựng thương hiệu. Liên kết dọc là giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ để tạo ra nguồn hàng lớn, đủ khả năng tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu...

Nhiều nhà khoa học cùng nhiều nhà vườn ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh là hai nơi sản xuất xoài nhiều nhất tỉnh cho rằng, để trái xoài được vào siêu thị phải tuân thủ theo tiêu chuẩn Global GAP, môi trường và xã hội; thời gian sử dụng tối thiểu từ 6-7 ngày sau khi nhận hàng.

Trái xoài cũng phải đảm bảo màu sắc và mùi vị; giá cả thỏa mãn yêu cầu đặt ra, cung ứng liên tục, chất lượng trái xoài bên ngoài phải ít hư hỏng. Đồng thời, phải có hệ thống xuất khẩu hiện đại và đặc biệt là chỉ sử dụng hóa chất trong danh mục, không có côn trùng sống, tỷ lệ mầm bệnh dưới 10%...

Vừa qua, Hiệp hội Rau quả Việt Nam quyết định thành lập Liên chi hội Xoài Việt Nam. Để phát triển ngành hàng xoài, Liên chi hội xoài Việt Nam giúp liên kết hội viên, hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh, cùng nhau phát triển; phối hợp với các địa phương hỗ trợ cho người sản xuất, kinh doanh xoài, xây dựng chuỗi cung ứng xoài, kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường.

Hướng phát triển cho ngành hàng xoài

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của ngành hàng xoài được cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác, nhất là kỹ thuật giống, sơ chế, đóng gói, bảo quản và chế biến xoài, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng Tháp: Phát triển xoài thành ngành hàng có giá trị gia tăng cao ảnh 2Lô xoài đầu năm 2022 của Đồng Tháp được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Tỉnh tiếp tục lựa chọn 2 loại giống xoài chủ lực là cát Chu và cát Hòa Lộc đưa vào sản xuất; có kế hoạch chi tiết rà soát vườn xoài già cỗi, vườn xoài kém chất lượng và vườn tạp, đi cùng với cơ chế hỗ trợ giống cho nhà vườn chuyển đổi sang sử dụng giống chất lượng cao và sạch bệnh.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, các đề tài đã được nghiên cứu vào sản xuất; ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản và sơ chế xoài theo yêu cầu thị trường; nghiên cứu cải thiện độ phì đất liếp trồng xoài; nghiên cứu vật liệu sản xuất bao trái phù hợp với tiêu chuẩn và hạ giá thành; đồng thời, hướng tới tập trung chế biến đa dạng hóa sản phẩm đóng hộp, đông lạnh, sấy, nước ép...

Để tạo ra giá trị gia tăng cao, mang tính lâu dài, giảm rủi ro mùa vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng, tái chế phụ phẩm được tạo ra trong quá trình sản xuất, chế biến rau quả.

Cùng đó, khuyến khích các hình thức xử lý phế phụ phẩm trong sản xuất, chế biến vỏ, hạt xoài để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường (thức ăn chăn nuôi, phân bón,...); hình thành các mô hình doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến xoài.

Bên cạnh đó, tỉnh phát triển nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh sẽ tiếp tục ưu tiên các thị trường đã nhập khẩu xoài Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc); nghiên cứu thị trường chính ngạch của Trung quốc, phân khúc thị trường xoài tại các nước EU và Hoa Kỳ, bước đầu sẽ tiếp cận với cộng đồng người Việt tại Hà Lan, Hoa Kỳ cùng với các quốc gia khác.

Tỉnh cũng phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành rau quả theo hướng đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản xuất trong nước các loại máy, trang thiết bị phù hợp với quy mô doanh nghiệp, các loại bao bì đóng gói thân thiện môi trường và các loại phụ gia, chất bảo quản rau quả đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, phát triển hệ thống hậu cần (logistic) phục vụ thương mại cho xoài và các loại nông sản khác gắn với chợ đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hệ thống vận chuyển, kho chứa lạnh và hệ thống xử lý, sơ chế trên cơ sở đề xuất yêu cầu và phương án kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, trung tâm phân phối và tiêu thụ nông sản tỉnh đặt tại các thành phố lớn cả nước.

Hiện tỉnh Đồng Tháp đã thành lập được 8 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác và 23 Hội quán nông dân trồng xoài tổ chức liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu.

Năm qua, các công ty tiêu thụ hơn hàng chục ngàn tấn xoài tươi, với các hình thức liên kết như tiêu thụ có cung ứng vật tư đầu vào; chỉ liên kết tiêu thụ không cung ứng vật tư đầu vào.

Tỉnh đã hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác chứng nhận GAP đủ điều kiện xuất khẩu xoài sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Trung Quốc, Nga thông qua các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục