Đồng Việt Nam đã có sức hấp dẫn trên thị trường

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho rằng nên để thị trường tiền tệ trở về đúng bản chất của nó, không phải là một kênh đầu tư vốn mà chỉ thu hút tiền tạm thời nhàn rỗi, lãi suất chỉ ở một mức độ nhất định.

Bên cạnh đó, trả lại tên đúng nghĩa cho thị trường tiền tệ và thị trường vốn là việc làm cần thiết bởi khi lãi suất lên cao đã khiến thị trường vốn không còn gì để hoạt động. Việc ngân hàng “bơm vốn” để cải thiện thị trường chứng khoán là biện pháp sai về bản chất. Do vậy, về căn cơ, phải lập lại trật tự trên hai thị trường này.
Sáng 12/1, tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã có cuộc đối thoại trực tuyến.

Trong gần hai tiếng đồng hồ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải đáp các vấn đề liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, quản lý thị trường vàng... Một tín hiệu đáng mừng trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước năm qua là tăng sức hấp dẫn của tiền đồng Việt Nam. Cuộc đối thoại đã thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế.

Tiền đồng Việt Nam đã có sức hấp dẫn

"Trong bối cảnh khó khăn năm 2011, Việt Nam đã giữ ổn định được tỷ giá và thị trường ngoại hối. Nếu tính từ tháng 2/2011 đến 31/12/2011, tỷ giá của Việt Nam biến động không quá 1%. Kết quả đó là do sự điều hành chung về chính sách tiền tệ, thể hiện sự hấp dẫn của đồng Việt Nam so với ngoại tệ. Hiện tượng đầu cơ ngoại tệ đã giảm đi rất nhiều, người dân có xu hướng bán ngoại tệ cho ngân hàng, giúp cho thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống được cải thiện. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có điều kiện mua được ngoại tệ, tăng dự trữ quốc gia," Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Bên cạnh đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng nên để thị trường tiền tệ trở về đúng bản chất của nó, không phải là một kênh đầu tư vốn mà chỉ thu hút tiền tạm thời nhàn rỗi, lãi suất chỉ ở một mức độ nhất định. Nếu lãi suất không hấp dẫn, người dân sẽ tìm sang kênh đầu tư khác, ví dụ như ngoại tệ. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nâng cao giá trị đồng Việt Nam, nên như thực tế năm 2011, nếu đầu tư vào ngoại tệ thì không có lợi bằng đầu tư vào nội tệ, tức là ngoại tệ không còn sức hấp dẫn.

Trước bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư quay sang thị trường vàng nhưng với chính sách về quản lý thị trường vàng trong thời gian tới cũng sẽ khiến thị trường này giảm hấp dẫn. Nhìn sang thị trường bất động sản cũng thấy sự ảm đạm, không còn những đợt “sốt” gây biến động lớn. Như vậy, người dân sẽ đầu tư vào thị trường vốn-trong đó có thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Đây cũng là hướng điều hành NHNN hướng tới. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước khác về thị trường vốn cũng nhanh chóng có bước đi thích hợp.

Trả lại tên đúng nghĩa cho thị trường tiền tệ và thị trường vốn là việc làm cần thiết bởi khi lãi suất lên cao đã khiến thị trường vốn không còn gì để hoạt động. Biểu hiện rõ nét nhất là thị trường chứng khoán chao đảo. Trong khi đó, thị trường tiền tệ phải đồng thời thực hiện chức năng thị trường vốn. Việc ngân hàng “bơm vốn” để cải thiện thị trường chứng khoán là biện pháp sai về bản chất. Do vậy, về căn cơ, phải lập lại trật tự trên hai thị trường này. Nếu thị trường tiền tệ trở lại đúng vai trò thì thị trường vốn mới phát triển được. Bằng cách làm này, Ngân hàng Nhà nước đang muốn hướng dòng vốn chạy vào thị trường vốn chứ không chỉ chạy vào thị trường tiền tệ như hiện nay, Thống đốc khẳng định.

Vượt trần lãi suất là hành vi vi phạm pháp luật

Một số ý kiến cho rằng, trong điều hành chính sách tiền tệ, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều động thái mạnh tay để chấn chỉnh những hành vi đua lãi suất, vi phạm các quy định về buôn bán ngoại tệ, vàng... nhưng trước đó hiện tượng này đã diễn ra trong thời gian dài. Vậy năm 2012, tình trạng này có được khắc phục?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thừa nhận các hành vi vi phạm trần lãi suất đã diễn ra hết sức phổ biến với sự yếu kém trong công tác thanh tra giám sát và xử lý của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, sau ngày 7/9/2011, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý quyết liệt hơn với nhiều giải pháp khác nhau, cũng đã xử lý được một số trường hợp.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được nhiều thông tin phản ánh về việc tái vi phạm trần lãi suất. Do vậy, công tác thanh tra giám sát, xử lý của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2012 sẽ phải quyết liệt hơn. Ngoài việc đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng  còn có nội dung rất quan trọng là chống cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là cạnh tranh bằng lãi suất.

Thống đốc kỳ vọng với những kết quả Ngân hàng Nhà nước đã xử lý từ tháng 9 trở lại đây, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan khác, đặc biệt là cơ quan công an, cộng thêm sự đồng tình của người dân, doanh nghiệp, thì công tác này trong năm 2012 được thực hiện kiên quyết, chặt chẽ và triệt để hơn.

Mọi hành vi vi phạm các quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có quy định về trần lãi suất đều vi phạm pháp luật và là biện pháp cạnh tranh không lành mạnh. Bất cứ ai phát hiện và cung cấp bằng chứng về hành vi này thì nên báo cho các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm. Ngân hàng Nhà nước quan tâm và đánh giá cao ý thức công dân của người đó, Thống đốc nhấn mạnh. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cùng lực lượng công an đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng vi phạm.

Tuy nhiên, theo Thống đốc, nếu tổ chức tín dụng vi phạm mà người dân tham gia thì đó cũng là những tòng phạm. Thông thường, với các hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý cả tòng phạm. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị người dân không tiếp tay với những vi phạm này của các tổ chức tín dụng.

Theo Thống đốc, việc lách trần lãi suất của các tổ chức tín dụng rất tinh vi. Trong khi đó, quy định lại cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện nhiều loại giao dịch khác nhau nên họ lợi dụng để lách kẽ hở. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các đơn vị chức năng trong ngành phát hiện sớm những hành vi này.

Chuyển vàng thành tiền trong lưu thông

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, hiện lượng vàng dự trữ do người dân nắm giữ khoảng 200-300 tấn. Với mục tiêu “dân giàu-nước mạnh,” Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển xã hội.

Trước những băn khoăn của nhân dân về việc độc quyền của thương hiệu vàng miếng SJC sau khi có Nghị định quản lý thị trường vàng, Thống đốc khẳng định nét khác trong quy định mới của Chính phủ là Nhà nước độc quyền về sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sáp nhập SJC vào Ngân hàng Nhà nước như cách hiểu của một số người.

SJC là công ty lớn, trong đó có phần kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ. Trên thị trường, đây không chỉ là là nhãn hiệu vàng trang sức nổi tiếng mà SJC còn sản xuất và kinh doanh vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước không có chức năng kinh doanh sản xuất vàng trang sức, không được pháp luật cho phép. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước chỉ lấy phần sản xuất vàng miếng của công ty này, cụ thể là xưởng in-dập ra loại vàng miếng này. Ngân hàng Nhà nước sẽ chi phối kể cả về mặt sản xuất, nguyên liệu, kế hoạch sản xuất và quản lý sản phẩm thành phẩm. Còn toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác của SJC vẫn của SJC.

Như vậy, nhãn hiệu vàng miếng SJC sẽ không phải của công ty SJC mà là của Nhà nước. Khi Nhà nước độc quyền về sản xuất vàng miếng thì các nhãn vàng khác từ nay trở đi không được sản xuất nữa nhưng cũng nên hy sinh lợi ích của doanh nghiệp mình vì lợi ích chung của quốc gia. Trên thực tế, hiện lượng vàng SJC chiếm tới 90% lượng vàng giao dịch trên thị trường. Chỉ còn lại 10% chia cho 7 nhãn vàng khác chứng tỏ tỷ lệ này rất nhỏ. Đây là chủ trương mới của Nhà nước, không có chuyện lợi ích độc quyền của SJC ảnh hưởng tới các nhãn vàng khác. Độc quyền mặt hàng vàng miếng cũng như tiền tệ, chỉ có đồng Việt Nam của Nhà nước và do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

Đến thời điểm thích hợp, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể tiến tới đổi tên vàng miếng thành SBV nhưng sẽ rất tốn chi phí nên phải thực hiện dần dần để đảm bảo không gây xáo trộn quá lớn trong việc lưu chuyển vàng hiện có; đồng thời tiết giảm chi phí.

Không có khủng hoảng ngân hàng

Trên cương vị người đứng đầu điều hành trực tiếp hoạt động ngân hàng, chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước về hệ thống ngân hàng, Thống đốc khẳng định không có khủng hoảng ngân hàng.

Hiện nay chúng ta đặt vấn đề tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng không phải do hệ thống ngân hàng của chúng ta yếu kém đến mức độ không tái cấu trúc nó thì nó đổ vỡ ngay lập tức. Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay xuất phát từ nhu cầu của đất nước trong bối cảnh thay đổi lại mô hình phát triển kinh tế. Nhu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trước tiên xuất phát từ nhu cầu tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng chuyển từ kinh tế phát triển theo chiều rộng sang kinh tế phát triển có chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng. Đây là nhu cầu cấp bách và cũng để đáp ứng nhu cầu đó phải song song giải quyết những yếu kém đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng. Theo đó trong năm 2012 sẽ có từ 5-8 ngân hàng tiếp tục sáp nhập, hợp nhất.

Bên cạnh đó, hiện nguồn vốn của các doanh nghiệp cơ bản là từ ngân hàng (chiếm 80-90%), vì vậy, khi thắt chặt tín dụng là gặp khó khăn. Do đó, dưới góc nhìn tình hình tài chính cũng nên tái cấu trúc doanh nghiệp. Theo đề án của Chính phủ đang được xây dựng, trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn mới.

Cuộc đối thoại trực tuyến giữa các thành viên Chính phủ và địa phương với nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước./.

Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục