Dòng vốn ở lại Trung Quốc bất chấp chiến tranh thương mại leo thang

Chuyên gia chứng khoán Việt Nam cho rằng dù chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang, nhưng chỉ số Shanghai Composite Index bị ảnh hưởng không nhiều, nhân dân tệ đi ngang, giảm áp lực lên VND.
Dòng vốn ở lại Trung Quốc bất chấp chiến tranh thương mại leo thang ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Chiến tranh thương mại leo thang, các dự báo quốc tế đều cho rằng kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên trong tháng Chín, chỉ số Shanghai Composite Index của Trung Quốc và nhân dân tệ diễn biến đi ngang, ảnh  hưởng không mấy tiêu cực.”

Với động thái trên, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán – SSI  cho rằng, “nhân dân tệ được kiểm soát chặt, áp lực lên VND sẽ giảm. Kết hợp với hoạt động xuất siêu và dòng vốn mua bán sáp nhập vào Việt Nam tăng lên trong các tháng Tám và Chín, tỷ giá VND sẽ có cơ hội lên giá trở lại so với USD,”  ông Linh phân tích.


Dự trữ ngoại tệ trên 3.000 tỷ USD

Bên cạnh những đánh giá trên, ông Hùng Linh cũng chỉ ra, mặc dù chiến tranh thương mại nổ ra song các quỹ đầu tư vào cổ phiếu của Trung Quốc vẫn được duy trì gần như liên tục.

Cụ thể, kể từ giữa tháng Sáu đến nay (trong 13 tuần), trên thị trường Trung Quốc chỉ có  2 tuần các quỹ này rút ra với giá trị rất nhỏ. Thậm chí ở các thời điểm, tuần ngay sau khi Mỹ áp thuế đợt 1 (tháng Sáu) và đe dọa áp thuế đợt 2 (tháng Chín), dòng vốn ngoại vẫn tiếp tục chảy vào với giá trị trên 1 tỷ USD, cao gấp nhiều lần những tuần liền trước.

“Dù xuất phát từ nguyên nhân gì, sự ổn định của dòng vốn đã góp phần duy trì mức dự trữ ngoại hối và ổn định đồng nhân dân tệ. Trong 3 tháng trở lại đây, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc luôn đi ngang và đạt trên 3.000 tỷ USD. Điều này rất khác biệt với giai đoạn 2015, khi đó nhân dân tệ mất giá đã kéo theo làn sóng rút vốn ồ ạt kéo theo dự trữ ngoại hối giảm mạnh,” ông Linh nói.

Dòng vốn đổ về Mỹ

Báo cáo thống kê từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn, ngày 15/6, chiến tranh thương mại chính thức nổ ra, song chỉ số S&P 500 đã tăng 5,4% trong khi chỉ số MSCIEM Index đại diện cho các thị trường mới nổi lại giảm 6,9%.

Báo cáo cũng cho thấy, cuộc chiến thương mại tác động đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ không đáng kể, khi kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm 0,9% GDP của Mỹ.

Các mặt hàng xuất sang Trung Quốc bao gồm máy bay (16 tỷ USD), máy móc (13 tỷ USD), đậu tương (13 tỷ USD) và ôtô (13 tỷ USD).

Đáng chú ý, mặt hàng đỗ tương sau khi bị Trung Quốc áp thuế 25% (từ tháng Sáu) song tỷ trọng nhập khẩu từ Mỹ không có dấu hiệu giảm. Theo Báo cáo, “một phần nguyên nhân là do cung-cầu đỗ tương trên thế giới khá cân bằng với các nguồn cung chính đến từ Mỹ và Aghentina.”

Đáng nói, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn duy trì ở mức thấp với 3,9% trong tháng Tám.

“Chiến tranh thương mại sẽ có ảnh hưởng nhất định đến lạm phát của Mỹ. Khi, tổng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ tương đương 2,5% GDP và nếu tất cả bị tăng thuế thêm 25% thì tổng mức tăng giá hàng hóa tối đa là 0,6%.

Một diễn biến khác trước bối cảnh chiến tranh thương mại, đồng nhân dân tệ bắt đầu mất giá, thêm vào đó các nhà cung cấp Trung Quốc đang chủ động hạ giá bán hàng hóa đồng thời các nhà bán lẻ Mỹ vẫn cố gắng không tăng giá nhằm giữ thị phần ….  Điều này đang góp phần tạo ra sự trung hòa và giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại lên lạm phát ở Mỹ,” ông Linh phân tích.

Trên thị trường chứng khoán, trong 4 tuần gần nhất, các quỹ đã mua ròng hơn 9,1 tỷ USD. Con số thống kê từ Báo cáo cũng cho thấy, tính chung tháng Bảy đến nay, dòng vốn chảy vào các quỹ cổ phiếu của Mỹ đạt 20,7 tỷ USD.

Theo ông Linh, Mỹ đang là thị trường có sức hút dòng vốn rõ nhất khi so sánh với các nhóm thị trường khác. Trong các thị trường phát triển, thị trường Tây Âu bị rút vốn liên tục và tại thị trường Nhật, dòng vốn ra-vào không lớn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục