Đợt mưa lũ 10-11/10 đã khiến 20 người chết, 12 người mất tích

Những trận mưa lớn trong ngày 10-11/10 trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị... kéo đến lũ quét, sạt lở đã gây thiệt hại nặng về người, tài sản của nhân dân.
Đợt mưa lũ 10-11/10 đã khiến 20 người chết, 12 người mất tích ảnh 1Nước lũ đổ về phá hủy nhiều công trình giao thông, thủy lợi tại thị xã Nghĩa Lộ. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Tại cuộc họp khẩn chiều 11/10 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1533 của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/10 về triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, chủ động sơ tán dân ra khỏi những vùng bị cô lập, những vùng nguy hiểm xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Kiên quyết không để người dân nào bị đói rét, không để dịch bệnh phát sinh.

Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành và địa phương nỗ lực trong việc tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên những gia đình có người chết, bị thương. Chủ động hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, thuốc cho người dân vùng chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ. 

Từng người, từng đơn vị phải chủ động

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ: Các bộ, ngành, địa phương và mỗi người dân cần đặc biệt cảnh giác để tích cực chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn ra tại các tỉnh Trung Bộ, Bắc Trung Bộ cũng như tình huống áp thấp nhiệt đới, áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão đổ bộ trong những ngày tới.

Phó Thủ tướng yêu cầu  các đơn vị chức năng phải đảm bảo vận hành an toàn các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển ​Nông thôn chủ trì, chỉ đạo đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi, đặc biệt chú ý những hồ đã đầy nước, các hồ yếu, xuống cấp nguy hiểm.

Đối với 31 hồ thủy điện khu vực Bắc Trung Bộ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển ​Nông thôn, Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát thường xuyên, đảm bảo vận hành an toàn công trình, an toàn cho hạ du.

Bộ Công Thương chủ động đảm bảo an toàn mạng lưới điện cho sản xuất và sinh hoạt; Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công an huy động lực lượng khắc phục sự cố các công trình giao thông, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt; hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn trong mưa lũ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh​ cần triển khai lực lượng để bảo vệ an toàn cho các công trình hạ tầng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là các công trình, nhà máy thiết yếu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam,các cơ quan báo chí tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan chức năng, nhất là thông tin về xả lũ đột xuất của các hồ chứa để các cơ quan và người dân biết, chủ động phòng tránh.

[Sập cầu tại Yên Bái, một phóng viên TTXVN bị nước cuốn mất tích]


Đối với cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn, yêu cầu phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến, kịp thời thông tin đến người dân. 


Đã có 20 người chết, 12 người mất tích

Như các tin đã đưa, những trận mưa, mưa lớn trong ngày 10-11/10 trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị... kéo đến lũ quét, sạt lở... gây thiệt hại nặng về người, tài sản của nhân dân.

Thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến 13 giờ, ngày 11/10 có 20 người chết (Thanh Hóa: 3, Nghệ An: 8 Sơn La: 5 người, Hòa Bình: 4); 12 người mất tích (Yên Bái: 4, Hòa Bình: 1, Thanh Hóa: 3; Sơn La: 3, Quảng Trị: 1); 5 người bị thương (Hòa Bình: 1, Thanh Hóa: 3, Sơn La: 1).

Đã có 81 ngôi nhà bị sập; 135 nhà phải di dời khẩn cấp (Yên Bái 13, Phú Thọ 91, Hòa Bình 22, Sơn La 9).

348ha lúa bị ngập, thiệt hại; 13.784ha ngô, hoa màu, rau màu bị ngập, thiệt hại; 285 con gia súc, 9.581 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Nhiều tuyến quốc lộ bị sạt lở, ngập nặng, ắch tắc giao thông: cụ thể bị sạt lở 2 điểm tại Quốc lộ 217 đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa và 13 điểm tại các Quốc lộ 15A, 16, 48D đoạn đi qua địa phận tỉnh Nghệ An; ngập 25 điểm tại các Quốc lộ 15A, 48B, 48D, 48E đoạn đi qua tỉnh Nghệ An.  

Sạt lở tại 14 điểm, ngập sâu từ 0,4​-1,5m tại các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ thuộc các tỉnh Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh gây ách tắc giao thông. Hiện các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê đánh giá thiệt hại.

Tính đến thời điểm này, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã tổ chức sơ tán 5.114 hộ dân tại các khu vực trũng, thấp, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn (Thanh Hóa 4.791 hộ, Nghệ An 111 hộ, Hà Tĩnh 212 hộ).

Tỉnh Ninh Bình đang tổ chức sơ tán dân tại 12 xã của huyện Nho Quan và Gia Viễn. Tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hỗ trợ 58 hộ dân di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản, 3 doanh nghiệp di dời các thiết bị, máy móc ở ven sông thuộc thành phố Hòa Bình; di dời trên 80 hộ dân hạ du hồ Cháu, xã Tu Lý, huyện Đá Bắc khi mực nước cao qua tràn gây sạt lở hạ lưu, nguy cơ mất an toàn đập.

Đợt mưa lũ 10-11/10 đã khiến 20 người chết, 12 người mất tích ảnh 2Nước lũ dâng cao gây ngập tại nhiều khu dân cư ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ 19 giờ 30 ngày 9/10 đến 13 giờ ngày 11/10, tổng lượng mưa phổ biến tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ trung bình 200 đến 300mm.

Một số trạm có lượng mưa lên tới hơn 550mm. Dự báo đêm nay 11/10 đến trưa 12/10 lượng mưa tiếp tục duy trì khoảng 100mm từ nam Sơn La đến bắc Nghệ An trọng tâm là Hòa Bình và Thanh Hóa.

Thủy điện Sơn La đã tạm dừng phát điện để giảm lượng nước từ Sơn La xuống Hòa Bình (đảm bảo khả năng cắt lũ cho hạ dù từ hôm nay 11/10 đến ngày mai 12/10) , hồ chứa thủy điện Hòa Bình tính toán được lưu lượng nước vào lên tới gần 16.000 m3/s và liên tục phải mở 8 cửa xả đáy. 

Đến 13 giờ 45 hôm nay, 11/10 thủy điện Hòa Bình đã đóng 1 cửa xả. Các hồ chứa thủy lợi cũng đang ở mức rất cao và đã xảy ra một số sự cố hồ.

[Mưa lũ gây nhiều thiệt hại, 4 người ở Yên Bái mất tích do lũ cuốn trôi]

Theo Ban chỉ đạo, dự báo tình hình mưa trên địa bàn các tỉnh nói trên vẫn còn tiếp tục với diễn biến mưa lũ phức tạp, khó lường, vì vậy, song song khắc phục hậu quả mà ưu tiên số một là tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương là việc bảo vệ an toàn cho người dân trước nguy cơ nước dâng, lũ quét vẫn có thể tiếp diễn.

Cụ thể, các địa phương cần đặt nhiệm vụ trọng tâm là cung cấp lương thực cho các gia đình và thực hiện các giải pháp di dời, bảo vệ an toàn tính mạng người dân, hạn chế đến mức thấp nhất việc để người dân ở lại trong các căn nhà đang còn ngập nước và những địa bàn có thể có nước dâng./.

Đợt mưa lũ 10-11/10 đã khiến 20 người chết, 12 người mất tích ảnh 3Cầu Thia tại thị xã Nghĩa Lộ bị nước lũ cuốn trôi. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục