Đột phá mới trong nghiên cứu phòng bệnh sốt rét

Các nhà khoa học Australia đang triển khai sản xuất một loại vắcxin phòng bệnh sốt rét, với hy vọng có thể cứu hàng triệu người.
Các nhà khoa học Australia đang triển khai sản xuất một loại vắcxin phòng bệnh sốt rét, với hy vọng có thể cứu sống hàng triệu người bị căn bệnh truyền nhiễm này đe dọa, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đại diện nhóm nghiên cứu, Giáo sư Michael Good thuộc trường Đại học Griffith ở bang Queensland cho biết trong quá trình nghiên cứu một loại hóa chất mới để điều trị ung thư, họ đã tình cờ phát hiện khả năng phòng chống sốt rét của hóa chất này.

Nghiên cứu trên chuột cho thấy hóa chất này khi được đưa vào cơ thể sẽ bám vào các ADN, làm tê liệt và ngăn chặn sự sinh sôi của các ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, đồng thời có phản ứng tạo miễn dịch sốt rét các loại.

Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu nhằm đẩy nhanh tiến độ bào chế vắcxin phòng bệnh sốt rét, được đặt tên là "PlasProtecT."

Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên trên cơ thể người dự kiến sẽ được tiến hành trong vòng 6-12 tháng tới.

Ngoài việc thử nghiệm lâm sàng ở cơ thể người, các nhà khoa học cũng sẽ nghiên cứu kỹ hơn về mức độ an toàn cũng như các phương pháp vận chuyển và dự trữ loại vắcxin này.

Các nhà nghiên cứu tin rằng loại vắcxin mới này sẽ phát huy tác dụng phòng bệnh sốt rét chỉ sau một lần tiêm.

Theo Giáo sư Michael Good, với kỹ thuật đơn giản, loại vắcxin nói trên sẽ có chi phí rất thấp mà hiệu quả vẫn cao. Nếu thành công, vắcxin phòng bệnh sốt rét này sẽ cứu sống khoảng một triệu trẻ em trên thế giới mỗi năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục