Dow Jones kết thúc chuỗi bốn ngày lập kỷ lục liên tiếp

Sau phiên trồi sụt bất nhất vào đầu tuần, ba chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt quay đầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 19/11.
Dow Jones kết thúc chuỗi bốn ngày lập kỷ lục liên tiếp ảnh 1Lối vào của trụ sở JPMorgan Chase ở New York. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau phiên trồi sụt bất nhất vào đầu tuần, ba chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt quay đầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 19/11, chấm dứt chuỗi bốn ngày xác lập kỷ lục liên tiếp của chỉ số Dow Jones, sau khi Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố mức phạt kỷ lục 13 tỷ USD đối với ngân hàng JPMorgan Chase để giải quyết những rắc rối liên quan đến chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 8,99 điểm, tương đương 0,06%, xuống còn 15.967,03 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 3,66 điểm (0,20%), xuống 1.787,87 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 17,52 điểm (0,44%), đóng cửa ở mức 3.931,55 điểm.

Xu hướng ảm đạm của thị trường cổ phiếu diễn ra giữa bối cảnh giới đầu tư đang "đói" những thông tin kinh tế vĩ mô nhằm định hướng mua vào, thậm chí nhiều nhà kinh doanh còn quyết định bán tháo chốt lời sau vài phiên tăng điểm ấn tượng trước đó của chứng khoán Mỹ.

Thêm vào đó, quyết định xử phạt ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan số tiền 13 tỷ USD của Bộ Tư Pháp Mỹ do cáo buộc ngân hàng này đã bán các chứng khoán được đảm bảo bằng các khoản cho vay bất động sản chất lượng kém, cũng tác động tiêu cực tới diễn biến của Phố Wall. Trong tổng số tiền 13 tỷ USD nói trên có 9 tỷ USD tiền phạt và 4 tỷ USD cho những gia đình mua nhà gặp khó khăn.

Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau lùi bước sau khi nhà đầu tư nổi tiếng Carl Icahn cảnh báo về triển vọng u ám của thị trường cổ phiếu.

Theo ông Carl Icahn, chứng khoán Mỹ có nguy cơ rơi vào đợt suy giảm trong thời gian tới, bởi lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp chỉ tăng nhờ chi phí cho vay thấp, chứ không phải do khả năng quản lý hiệu quả.

Ngoài ra, việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm 2014 cũng tạo áp lực giảm lên các chỉ số chứng khoán châu Âu.

Theo OECD, nguy cơ giảm tốc ở các nền kinh tế mới nổi, những rủi ro từ vấn đề trần nợ công của Mỹ cũng như khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm chương trình kích thích kinh tế hiện hành có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay và năm tới lần lượt đứng ở mức 2,7% và 3,6%, giảm so với mức dự đoán trước đó là tăng 3,1% và 4%.

Kết thúc phiên này, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,38%, xuống 6.698,01 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng giảm 1,12%, xuống 4.272,29 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 mất 0,35%, đóng cửa ở mức 9.193,29 điểm.

Tuy nhiên, trái với diễn biến mờ nhạt tại Mỹ và châu Âu, các thị trường chứng khoán châu Á lại khởi động ngày giao dịch 20/11 trong "sắc xanh", sau khi Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Fed Ben Bernanke vừa khẳng định rằng thể chế tài chính này sẽ tiếp tục duy trì chương trình mua trái phiếu hiện có trị giá tới 85 tỷ USD/tháng cho tới khi nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi đủ mạnh.

Mở cửa phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 49,79 điểm (0,33%), lên 15.176,35 điểm, giữa lúc đồng USD lại vượt qua ngưỡng 100 yên/USD.

Trong khi đó, các chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng của hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng lần lượt ghi thêm 6,4 điểm (0,29%) và 116,50 điểm (0,49%), lên 2.199,53 điểm và 23.774,31 điểm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục