Dự án bất động sản niêm yết bằng USD: "Bó tay"?

Pháp lệnh Ngoại hối quy định mọi giao dịch không thực hiện bằng ngoại tệ, song nhiều dự án bất động sản vẫn thanh toán bằng USD.
Theo Pháp lệnh Ngoại hối, mọi giao dịch, thanh toán... trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, từ lâu nay, hầu hết các dự án bất động sản lớn trên địa bàn Hà Nội đều được niêm yết và thanh toán bằng USD và người mua phải chấp nhận cái sai đó như một sự… đương nhiên.

Niêm yết công khai bằng ngoại tệ

Đình đám nhất phải kể đến là dự án cao nhất Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại – tổ hợp Keangnam Landmark Tower trên đường Phạm Hùng (Từ Liêm, Hà Nội). Từ khi mở bán căn hộ đến nay, việc niêm yết giá cũng như 100% các giao dịch được thực hiện bằng đồng USD. Khách hàng thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam sẽ được quy đổi ra USD theo tỷ giá niêm yết của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Trên bảng niêm yết giá của các công ty bất động sản lớn như CBRE Việt Nam, Savills Việt Nam hay nhiều đại lý nhà đất khác, các dự án có giá rao bán bằng USD cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Chẳng hạn tại CBRE Việt Nam, dự án Hillstate Villa 1 trên đường Tô Hiệu, Hà Đông (Hà Nội) đang được niêm yết giá dao động từ 1.200 đến 1.500 USD/m2, dự án chung cư Canal Park Apartment ở Thạch Bàn, Long Biên (Hà Nội) có giá 1.200-1.450 USD/m2…

Tương tự, dự án Indochina Plaza Hanoi (Xuân Thủy, Cầu Giấy) cũng được chủ đầu tư và các đại lý niêm yết giá dao động từ 2.800 đến 3.300 USD/m2… Các dự án nhỏ hơn như Mulbery Lane, Sky City Tower (đều ở Hà Đông) giá niêm yết từ 1.800 đến 2.300 USD/m2…

Với việc phải chấp nhận mua và thanh toán bằng USD, người mua bất động sản luôn trong tình trạng nơm nớp lo lắng khi tỷ giá VND liên tục được điều chỉnh so với USD. Kể từ quý III/2008, thời điểm Tập đoàn Keangnam bắt đầu bán căn hộ cho khách hàng tại Dự án Keangnam Landmark Tower, đến nay, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD đã tăng khoảng 12%. Điều này có nghĩa là, với mỗi căn hộ tại dự án này, từ khi thu tiền nhà lần đầu đến khi bàn giao nhà cho khách hàng, chủ đầu tư và đại lý bán hàng đã thu lãi hàng trăm triệu đồng chỉ với động tác thanh toán tiền nhà bằng USD.

Ép thanh toán bằng USD

Cũng liên quan đến phương thức thanh toán bằng USD, hàng trăm khách hàng vừa có đơn khiếu nại dự án Tòa nhà hỗn hợp Hattoco (Mỗ Lao, Hà Đông) và chủ đầu tư là Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng Ba Đình vì bất ngờ quy đổi giá nhà trong hợp đồng mua bán từ tiền Việt sang USD khi giá ngoại tệ này lên cao.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc ở Dịch Vọng, Cầu Giấy, cho biết vào tháng 7/2009, bà và nhiều khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn tại dự án tòa nhà hỗn hợp Hattoco do Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Ba Đình (gọi tắt Công ty Ba Đình) làm chủ đầu tư. Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, giá bán căn hộ trung bình là 15,5 triệu đồng/m2. Khách hàng phải đóng 30% trị giá căn nhà dưới hình thức hợp đồng vay vốn.

Tuy nhiên, đầu tháng 10 vừa qua, sau khi dự án đủ điều kiện ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng, thì bất ngờ chủ đầu tư lại quy đổi đơn giá từ VND thành USD (với tỷ giá 19.500 VND/USD). Cụ thể, giá ban đầu là 15,5 triệu đồng/m2 nay được quy đổi thành 797 USD/m2. Không những thế, trong 5 đợt thanh toán tới, chủ đầu tư đã đặt điều kiện với khách hàng tại mỗi đợt thanh toán, nếu tỷ giá VND/USD có biến động thì số tiền thanh toán của mỗi đợt sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm.

“Trong hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư không đề cập gì đến việc quy đổi tiền đồng sang USD, bây giờ lại tính theo cách này là bắt ép người mua,” bà Ngọc bức xúc.

Vừa qua, trong công văn gửi ban đại diện khách hàng mua căn hộ Hattoco và Công ty TNHH Luật Lawpro, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã nhận được đơn thư khiếu nại của ban đại diện khách hàng dự án Hattoco về việc chủ đầu tư là Công ty Ba Đình đã vi phạm quy định về tiến độ thực hiện cũng như việc niêm yết giá và ép khách hàng thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

Sau khi nghiên cứu kỹ đơn thư, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đối với các kiến nghị liên quan đến tiến độ thực hiện dự án, thuế giá trị gia tăng và chế tài giao kết hợp đồng, ban đại diện khách hàng và công ty tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính... giải quyết tranh chấp, khiếu kiện.

Đối với vấn đề sử dụng ngoại tệ trong dự thảo hợp đồng mua bán, sau khi nghiên cứu kỹ đơn thư và các hồ sơ liên quan, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Công ty Ba Đình có dấu hiệu vi phạm quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của điều 29, Nghị định 160/2006 của Chính phủ quy định chi tiết về Pháp lệnh Ngoại hối.

Trên cơ sở kết luận này, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội để tiến hành kiểm tra, làm rõ vi phạm của Công ty Ba Đình về niêm yết giá bán căn hộ như phản ánh trong đơn thư và xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi có kết quả kiểm tra, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo đến ban Đại diện khách hàng và Công ty Luật Lawpro.

Khó xử phạt

Ông Lương Văn Phú, Giám đốc kiêm Trưởng ban dự án Công ty Ba Đình khẳng định, đồng tiền được sử dụng trong hợp đồng vẫn là VND. Công ty không thanh toán bằng tiền USD mà vẫn quy đổi ra tiền Việt. Việc sử dụng tỷ lệ USD để quy đổi chỉ là cách để bảo toàn vốn cho doanh nghiệp, đồng thời tránh tình hình biến động của nguyên vật liệu. Hợp đồng góp vốn không liên quan đến hợp đồng mua bán.

Nói về sự “lách luật” này, luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Công ty luật Hồng Bách và Cộng sự cho rằng, doanh nghiệp này đã lạm dụng tín nhiệm và lạm dụng vốn của khách hàng.

"Không thể để trường hợp này trở thành tiền lệ về việc đảm bảo giá nhà theo đồng ngoại tệ vì ngoài yếu tố vi mô, nó còn ảnh hưởng lớn tới kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tới chính sách ngoại hối đã làm đau đầu các cơ quan quản lý Nhà nước. Cần có chế tài răn đe để tránh tình trạng này trở thành phổ biến trên thị rường. Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi công bằng của mình, người mua nhà có thể khiếu kiện doanh nghiệp này,” ông Bách quả quyết.
 
Với kinh nghiệm của một chuyên gia đầu ngành về tài chính, ngân hàng, ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho rằng cần có chế tài để ngăn "mánh" của doanh nghiệp này để tránh tình trạng lan truyền sang cách doanh nghiệp khác, gây hậu quả khó lường.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận, trên thực tế có nhiều trường hợp (điển hình như vụ khiếu kiện tại Công ty Ba Đình) cơ quan chức năng khó xử lý vi phạm bởi doanh nghiệp đã thực hiện “lách luật” bằng việc vẫn tiến hành niêm yết, thanh toán bằng VND, song trong hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư thường “đẻ” thêm điều khoản là căn hộ trị giá bao nhiêu VND thì tương đương với một khoản là bao nhiêu USD, và khi tỷ giá thay đổi thì giá VND phải thay đổi theo.

Theo ông Nam, để xử phạt doanh nghiệp trong trường hợp này là tương đối khó, bởi thực tế, đây là thỏa thuận dân sự giữa doanh nghiệp và khách hàng. Nếu khách hàng không chấp thuận thì họ sẽ không ký vào hợp đồng.

Được biết, đến thời điểm này, ngoài dự án Hattoco bị "lên tiếng," còn hầu như chưa có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nào bị xử phạt vì sai phạm trên. Và dù có bị phạt, thì mức phạt tối đa 30 triệu đồng được xem là không tương xứng với lợi nhuận mà “đại gia” kinh doanh bất động sản thu được sau mỗi lần Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng tỷ giá VND/USD./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục