Dự án đường bao biển nối Hạ Long-Cẩm Phả: Tăng vốn gần gấp đôi

Vốn tăng gần gấp đôi chủ yếu do thay đổi phương án đào trần sang phương án đào hầm khoảng 2km đường; điều chỉnh quy mô tuyến đường từ 4 làn xe lên 6 làn xe trên toàn tuyến.
Dự án đường bao biển nối Hạ Long-Cẩm Phả: Tăng vốn gần gấp đôi ảnh 1Lễ khởi công xây dựng đường bao biển nối thành phố Hạ Long với thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Sau chưa đầy 10 tháng thi công, dự án đường bao biển kết nối hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư gần gấp đôi so với ban đầu.

Việc điều chỉnh này được Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh thông qua tại kỳ họp thứ 17 diễn ra ngày 14/5.

Vốn tăng gần gấp đôi chủ yếu do thay đổi phương án đào trần sang phương án đào hầm khoảng 2km đường; điều chỉnh quy mô tuyến đường từ 4 làn xe lên 6 làn xe trên toàn tuyến.

Tuy nhiên, chỉ có 1,1km hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, kèm theo các hạng mục phụ trợ đồng bộ như vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng. Còn lại 17,6km vẫn quy mô 4 làn xe bên ngoài, 2 làn phía trong làm giải phân cách để dự phòng mở rộng khi có nhu cầu sau này.

Dự án đường bao biển nối hai thành phố Hạ Long và Cẩm Phả được khởi công vào cuối tháng 8/2019, ban đầu có mức đầu tư hơn 1.360 tỷ đồng, với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế đạt 60 km/giờ và thực hiện từ năm 2019 đến năm 2021.

Theo Tờ trình số 3115/Ttr-UBND ngày 12/5/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị điều chỉnh thiết kế và một số giải pháp kỹ thuật để nâng tuyến đường từ 4 làn xe với chiều rộng nền 16,5m lên quy mô 6 làn xe với chiều rộng nền 25-35m (tùy theo địa hình từng đoạn tuyến) kèm theo hạng mục phụ trợ đồng bộ như vỉa hè, cây xanh trên vỉa hè, đèn chiếu sáng…

Về điều chỉnh quy mô và giải pháp kỹ thuật một số hạng mục công trình như mở rộng quy mô 2 cầu trên tuyến từ 4 làn xe (khổ cầu 18m) lên quy mô 6 làn xe (khổ cầu 35m); điều chỉnh phương án đào trần sang phương án hầm đoạn km11+700 đến km13+640 (thiết kế 2 ống hầm cho 2 chiều xe chạy riêng biệt, mỗi hầm có quy mô 3 làn xe chạy và hệ thống lề công vụ phục vụ trong quá trình khai thác).

Đồng thời bổ sung tường chắn bêtông khu dân cư; hệ thống rãnh thoát nước dọc tuyến và bổ sung vỉa hè lát đá xử tự nhiên hai tuyến bên tuyến và thay đổi vật liệu viên bó vỉa dải phân cách; điều chỉnh giải pháp thiết kế kè ốp mái và đắp bệ phản áp đá hộc phía biển sang kè thẳng đứng từ km10+00 đến km12+210…

[Quảng Ninh đề xuất các phương án phát triển hạ tầng giao thông]

Theo đề nghị này của Ủy ban Nhân dân tỉnh, mức vốn được điều chỉnh lên tới hơn 3.200 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với mức đầu tư ban đầu.

Sau khi xem xét, thẩm tra, ngày 14/5, tại kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thống nhất đồng ý đầu tư giải phóng mặt bằng, nền đường toàn bộ tuyến đường theo quy mô 6 làn xe; đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục hầm qua núi, cầu, cống qua đường, thoát nước ngang đường, giải pháp kỹ thuật một số hạng mục công trình theo quy mô 6 làn xe (trong đó giữ nguyên giải pháp thiết kế kè ốp mái và đắp bệ phản áp đá hộc phía biển đoạn từ Km10+00 đến Km12+210).

Hoàn chỉnh 1,1km đầu tuyến từ km0+00 đến km1+100 đấu nối với đường Trần Quốc Nghiễn thuộc thành phố Hạ Long với quy mô 6 làn xe, kèm theo các hạng mục phụ trợ đồng bộ.

Đối với 17,6km còn lại, đầu tư mặt đường quy mô 4 làn xe phía bên ngoài (còn 2 làn xe phía trong làm giải phân cách để dự phòng mở rộng khi có nhu cầu); chưa đầu tư vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng trang trí, rãnh thoát nước dọc, chỉ trồng cỏ giữ đất vỉa hè chờ hoàn thiện sau khi quy hoạch đầu tư xây dựng bê tuyến được triển khai đồng bộ.

Với phương án này, kinh phí đầu tư dự kiến gần 2.400 tỷ đồng (tăng 1,75 lần so với mức đầu tư ban đầu).

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, dự án đã được bố trí 1.200 tỷ đồng.

Phần vốn còn lại khoảng 1.200 tỷ đồng Hội đồng Nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo rà soát, cắt giảm các dự án chưa thật sự cần thiết khác để bổ sung vốn cho dự án, cân đối nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, báo cáo lại Hội đồng Nhân tỉnh tại kỳ họp gần nhất và tính toán nguồn lực đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 để triển khai dự án đảm bảo theo tiến độ được phê duyệt (2019-2021).

Việc xây dựng tuyến bao biển Hạ Long-Cẩm Phả góp phần hình thành trục phát triển không gian, kết nối các đô thị quan trọng, tạo động lực phát triển chuỗi đô thị phía Đông của tỉnh Quảng Ninh.

Tuyến đường cũng làm tăng tính hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước đến với các khu du lịch tâm linh, khu du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh trên cơ sở phát huy giá trị lịch sử văn hóa cấp Quốc gia như đền Cửa Ông, vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Quang Hanh..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục