Dự án “Làm phim 48h”: “Điên rồ nhưng ma lực khủng khiếp”

Đó là cảm xúc chung của những nhà làm phim trẻ tham gia dự án “Làm phim 48h” được giới thiệu tại Festival “Clap!” lần thứ nhất sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 17-25/1/2015.
Dự án “Làm phim 48h”: “Điên rồ nhưng ma lực khủng khiếp” ảnh 1 Một poster dự án 'Làm phim 48h' (Ảnh: BTC)

Đó là cảm xúc chung của những nhà làm phim trẻ tham gia dự án “Làm phim 48h” được giới thiệu tại Liên hoan phim “Clap!” lần thứ nhất sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 17-25/1/2015, tại L’Espace – Viện Pháp tại Việt Nam (IFV).

Chỉ vỏn vẻn 48 tiếng, liệu bạn có thể hoàn thành bộ phim theo một chủ đề bất kỳ? Câu trả lời là có với sáu bộ phim sẽ được giới thiệu với công chúng thủ đô như “Canh ba ba,” “Ngày đầu tiên của mùa Thu,” “Hẹn sớm mai,” “Cám dỗ,” “Thức,” “Tạm biệt lợn đất” của các nhà phim trẻ của Việt Nam.

Và với các nhà phim trẻ của dự án này, việc đồng ý tham gia “Làm phim 48h” nghĩa là bạn đã chọn cho mình một chặng đua cam go và thử thách về sáng tạo mà dự án đặt ra cho các nhóm làm phim nỗ lực làm ra một bộ phim chớp nhoáng hoàn chỉnh chỉ trong 48 giờ.

Yếu tố thời gian không chỉ đặt một giới hạn nhất định lên các nhà làm phim, nó còn có ý nghĩa nhấn mạnh vào việc “làm” nhiều hơn “nói”.

Chặng đua cam go và thử thách

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi “các bạn trẻ được thử sức những gì ở ‘Làm phim 48h’?”  Có thể nhận thấy ngay từ tên gọi "Làm phim 48h" đã cho thấy sự khác biệt.

Chỉ trong vòng 48 tiếng, các nhóm phải hoàn thành bộ phim của mình từ 4-7 phút hoàn chỉnh gồm các khâu ý tưởng, viết kịch bản, lựa chọn diễn viên, quay phim, làm hậu kỳ, trailer, thiết kế poster…

Ngoài ra, mỗi một bộ phim phải có một lời thoại, một nhân vật và một đạo cụ bắt buộc theo đúng thể loại mà đại diện của từng đội đã gắp thăm.

Với khối lượng công việc đó phải làm xong trong 48h, chỉ tưởng tượng thôi cũng dễ dàng cảm nhận các nhóm làm phim sẽ cùng trải nghiệm một chặng đua đầy thử thách, sáng tạo và gắn kết.

Nhà làm phim trẻ Đỗ Quốc Trung, tác giả của bộ phim “Ngày đầu tiên của mùa Thu” chia sẻ “Rất khó để làm ra một bộ phim tử tế và thú vị trong 48 ngày, đừng nói là 48 tiếng. Tuy nhiên cuộc thi phá vỡ mọi giới hạn về các khái niệm sản xuất phim chúng tôi được biết trước đây.

Nhưng đôi khi cái khó khăn lại kích thích và tạo cảm hứng lớn cho các nghệ sỹ sáng tạo. 48 tiếng để nghĩ và viết kịch bản, để chọn và mời diễn viên, để chuẩn bị đạo cụ và tìm bối cảnh, để tập và quay trọn vẹn bộ phim, để dựng và làm kĩ xảo, để biên tập nhạc và thiết kế đồ hoạ. Cuối cùng thì ngồi chờ mấy tiếng để xuất ra bản phim tốt nhất. Tất cả chỉ trong vỏn vẹn 48h. Nếu có ai đó nói đây là điều điên rồ thì cũng là điều bình thường, nhưng vì thế mà ma lực của nó thật khủng khiếp.”

Dự án “Làm phim 48h”: “Điên rồ nhưng ma lực khủng khiếp” ảnh 2Nhà làm phim trẻ Đỗ Quốc Trung (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Những ngày đầu tiên của mùa thu” là một bộ phim buồn với đề tài du hành thời gian. Câu chuyện chạy từ hiện tại về quá khứ rồi quay lại hiện tại. Có người già, có trẻ nhỏ và có cả tình yêu.

Tác giả Đỗ Quốc Trung cũng kể về những khó khăn trong quá trình làm phim: “Trong 48 tiếng, nhóm làm phim đã không ngủ trong 2 đêm. Thay vì ngủ chúng tôi cãi nhau, tranh luận, ăn và cười. Tôi thèm ngủ đến mức chỉ muốn nhắm mắt để ăn và nhắm mắt tranh luận, nếu không sẽ chẳng còn sức nhìn màn hình dựng phim.”

Bên cạnh đó kinh phí làm phim cũng đặt ra một thách thức cam go cho các nhóm làm phim. Bởi họ chỉ có 2 triệu để sản xuất phim, nhưng tiền ăn và uống đã chiếm mất đến một nửa. Cũng theo các nhà làm phim trẻ tham gia dự án này, họ phải kêu gọi sự giúp đỡ của bạn bè hoặc “của nhà trồng được.”

“Ví dụ diễn viên là bạn, bối cảnh là nhà bạn, trang phục là quần áo của bạn, máy quay mượn của bạn. Chỉ có tiền ăn thì chả xin được của ai cả. Suy cho cùng, nếu thực sự biết mình muốn gì, cần gì thì không nhất thiết phải có thật nhiều chi phí thì mới sản xuất được một phim tốt. Phim dài cũng vậy thôi,” tác giả Đỗ Quốc Trung bộc bạch.

Dẫu vậy thì trong 48h các nhóm làm phim vẫn hoàn thành “sứ mệnh” của mình để có được một bộ phim hoàn chỉnh và chất lượng.

Như chính trải nghiệm của các nhà làm phim trẻ sau khi tham gia dự án “Làm phim 48h” thì “chẳng có điều gì là không thể cả. Tôi nói được điều này sau khi tham gia cuộc thi và xem phim của một số nhóm khác. Họ thật sáng tạo và đáng nể.”

Hay như chính bài học rút ra với các nhà làm phim trẻ khi đối diện với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi như của Đỗ Quốc Trung: “Khi bản phim chính thức được xuất thành công, nhiều người trong nhóm đã khóc. Chúng tôi không kịp ôm nhau dù rất muốn để có thể mang thẳng bản phim đến nộp cho ban tổ chức. Tôi học được bài học của người làm phim chuyên nghiệp là phải luôn động viên, và giữ nhiệt, truyền cảm hứng cho đội dù có trong hoàn cảnh nào.”

Làn gió mới với những nhà làm phim trẻ

Các nhà làm phim trẻ của dự án “Làm phim 48h” cũng cho rằng, chính chặng đua cam go và thử thách đó lại có hấp lực khủng khiếp với họ.

Bởi tham gia dựa án “làm phim 48h” họ được sống trong guồng quay của các đội nhóm, được thử sức mình cùng lực lượng giới làm phim trẻ của Việt Nam, được các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và thế giới tuyển chọn.

Nhà làm phim trẻ Lê Anh Tuấn, tác giả của bộ phim “Tạm biệt lợn đất”- một trong 6 bộ phim trong dự án “Làm phim 48h” sẽ được giới thiệu tại liên hoan phim Clap chia sẻ về trải nghiệm thú vị trong quá trình tham gia dự án: “Khi tham gia làm phim, điều thú vị nhất có lẽ là nó giúp kéo bạn bè xích gần lại nhau hơn, đặc biệt khi phải vượt qua 48h… không ngủ cùng nhau.”

Dự án “Làm phim 48h”: “Điên rồ nhưng ma lực khủng khiếp” ảnh 3Một hình ảnh của bộ phim 'Canh ba ba' (Ảnh: BTC)

“Bộ phim của chúng tôi đặc biệt chính bởi cậu bé diễn viên chính. Dù mới 9 tuổi, nhưng cậu ta là nguồn cảm hứng chính cho mọi người trong đoàn khi chứng tỏ khả năng diễn xuất của mình. "Tạm biệt lợn đất" đưa tới thông điệp đề cao tình cảm và những giá trị gia đình trong cuộc sống hiện đại. Trong 48h, chúng tôi được sống trong đoàn làm phim thực thụ, và vượt qua được những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được,” Lê Anh Tuấn nhớ lại quá trình làm phim “Tạm biệt lợn đất.”

Còn Đỗ Quốc Trung thì “bật mí,” sức hấp dẫn đầu tiên khiến anh tham gia dự án “Làm phim 48h” chính là vì số tiền thưởng 40 triệu thực sự là quá lớn với một sinh viên điện ảnh như Trung.

Nhưng khi đồng ý tham gia vào dự án thì chính Đỗ Quốc Trung lại bị hấp dẫn bởi những khó khăn và cách thức làm phim hoàn toàn lạ lẫm trong 48h, chứ không phải là số tiền.

“Áp lực lớn nhất khiến tôi quên đi tất cả, ngoài việc làm đến cùng để có một bộ phim, có lẽ chính là muốn vượt lên chính mình. Vì như tôi nói, tôi không muốn làm ra một bộ phim nhảm hoặc cẩu thả như những ý nghĩ của người bình thường nghĩ về sản phẩm điện ảnh được làm chỉ trong 48h. Vì vậy, chỉ còn cách chúng tôi phải làm ra một phim tử tế.”

Có thể nói, Dự án "Làm phim 48h"do Mark Ruppert sáng lập từ năm 2001, là cuộc thi dành riêng cho các nhà làm phim trẻ độc lập có uy tín trên thế giới.

Đến Việt Nam, cuộc thi đã tạo cho các bạn trẻ một cơ hội thử sức sáng tạo, sống trong không khí của những người làm phim và được học hỏi từ các chuyên gia hàng đầu thế giới.

Sau 4 lần được thực hiện tại Việt Nam, dự án "Làm phim 48h" đã thu hút hàng vạn các nhà làm phim trẻ và cho ra đời hàng nghìn bộ phim Trong đó, có nhiều bộ phim được vinh danh tại nhiều liên hoan phim danh tiếng thế giới như “A good day” của nhóm Young Media giành giải “Phim hay nhất, kịch bản xuất sắc nhất’- được lựa chọn trình chiếu tại mục “Góc phim ngắn” của Liên hoan phim quốc tế Cannes…

Trailer phim 'Canh ba ba'

Hay bộ phim "Canh ba ba" của nhóm Yeti (sẽ được trình chiếu lại liên hoan phim Clap) đã giành giải ba chung kết "Làm phim 48h" thế giới và được chiếu ở hạng mục “Góc phim ngắn” của liên hoan phim Cannes.

Với những thành tựu đó, dễ hiểu vì sao cứ đến hẹn, vào mỗi mùa trao giải "Làm phim 48h" còn được ví là đêm trao giải Oscar của các nhà làm phim ngắn độc lập Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục