Dự án lấn sông Đồng Nai: Có dấu hiệu vi phạm nhiều luật hiện hành

Theo các chuyên gia nghiên cứu sông ngòi, dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” có bản chất là dự án chỉnh trị sông, tác động nhiều vào dòng sông và xây mới cơ sở hạ tầng.
Dự án lấn sông Đồng Nai: Có dấu hiệu vi phạm nhiều luật hiện hành ảnh 1Tạm ngừng thi công Dự án "Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai." (Nguồn ảnh: TTXVN)

“Việc độc quyền quyết định cấp phép cho Công ty Toàn Thịnh Phát lấp một phần sông Đồng Nai để cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông mà không báo cáo với các cơ quan Trung ương, Bộ, chính quyền của các địa phương khác trong lưu vực là điều mạo hiểm và để lại tiền lệ xấu. Nếu triển khai dự án này có thể sẽ gây mất bình đẳng về mặt sử dụng tài nguyên nước.”

Đó là khẳng định của tiến sỹ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam tại hội thảo “Phát triển bền vững lưu vực sông - thách thức và giải pháp” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội tổ chức chiều nay (12/5) tại Hà Nội.

Theo tiến sỹ Vũ Ngọc Long, trong bối cảnh khủng hoảng tài nguyên nước, các quy định và chiến lược quốc gia đều hướng đến một nền kinh tế xanh, sản xuất xanh, phát triển bền vững với bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái thì dự án lấp sông Đồng Nai tỏ ra rất bất hợp lý và có nhiều dấu hiệu vi phạm vào các luật và quy định hiện hành.

Cụ thể, dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Tài nguyên nước về các hành vi nghiêm cấm “đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở dòng thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch” đồng thời vi phạm Luật Bảo vệ môi trường 2004, vi phạm Luật Phòng, chống thiên tai 2013, vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004...

Tiến sỹ Long cũng cho biết, ngoài các dấu hiệu vi phạm trên, nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án lấp sông Đồng Nai còn rất sơ sài, thiếu nhiều số liệu, dữ liệu cần thiết về các vấn đề quan trọng như thành phần và độ an toàn của đất đá khi đổ xuống dòng sông, không chỉ rõ phần lấn ở đáy sông là bao nhiêu.

"Thực tế, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án chỉ trình bày vắn tắt và sơ sài ý kiến tham vấn 20 hộ dân sống trong vùng thi công. Điều này cho thấy dự án đã không xem xét đầy đủ các khu vực bị ảnh hưởng, xem nhẹ ý kiến cộng đồng địa phương và tri thức bản địa," tiến sỹ Long cho biết.

Dự án lấn sông Đồng Nai: Có dấu hiệu vi phạm nhiều luật hiện hành ảnh 2Tiến sỹ Vũ Ngọc Long, Viện Sinh thái học miền Nam. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo tiến sỹ Long, từ thực tế này, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đã triển khai một tham vấn cộng đồng rộng rãi và chi tiết hơn đối với các hộ dân sống ở khu vực dự án, phía bờ sông đối diện và khu vực hạ lưu. Khảo sát tham vấn cho thấy cộng đồng địa phương đặc biệt lo ngại về thay đổi dòng chảy và gia tăng xói lở đường bờ.

"Nhạy cảm nhất là khu vực Cù Lao Phố có nền đất cát và đất sét, nằm ở vị trí trực diện với hướng dòng chảy chính. Vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại dự án này sẽ thu hẹp dòng chảy và làm xoáy nước 2 mạnh hơn, đe dọa bờ sông phường Quyết Thắng và mũi Cù Lao Phố,” tiến sỹ Long nói.

Ngoài ra, quá trình tìm hiểu của ông Long còn phát hiện, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô 8,4 ha tại phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai” gần giống với Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, có quy mô 116,2 ha.”

"Cả hai báo cáo này đều do một cơ quan tư vấn là Viện Môi trường và Tài nguyên làm. Tôi nghĩ rằng, đơn vị làm Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án lấp sông Đồng Nai đã coppy nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xậy dựng công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng. Bởi, hai báo cáo này gần như giống nhau từng câu chữ, từ kết luận, kiến nghị và giải pháp," tiến sỹ Long nhận định.

Chia sẻ tại hội thảo, tiến sỹ Đào Trọng Tứ (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) cũng cho rằng, sự bất thường ở dự án lấn sông Đồng Nai là dự án này liên quan đến 11 tỉnh, thành mà sông Đồng Nai chảy qua, liên quan đến 18 triệu dân, nhưng tỉnh Đồng Nai không xin tham vấn các địa phương liên quan.

Ngoài dấu hiệu vi phạm các luật nêu trên, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập, dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” có bản chất là dự án chỉnh trị sông có tác động rất nhiều vào dòng sông và xây mới cơ sở hạ tầng. Quy mô của dự án cho thấy, đây chính là ý đồ xây dựng một đô thị phát triển trên sông chứ không còn là làm kè ven sông như thông tin ban đầu.

Từ thực tế này, tiến sỹ Long đề nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai cần có giải pháp ngăn chặn và “cứu” dòng sông nuôi sống 20 triệu người và cội nguồn cảnh quan vùng miền Đông Nam Bộ trước nguy cơ bị hủy hoại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục