Dự án ODA giao thông: "Đỏ mắt tìm nhà thầu"

Chậm tiến độ là điều thường xuyên xảy ra với các công trình giao thông trong thời gian qua, bởi rất nhiều nguyên nhân như giải phóng mặt bằng chậm, biến động giá, năng lực nhà thầu hạn chế.

Chậm tiến độ là điều thường xuyên xảy ra với các công trình giao thông trong thời gian qua, bởi rất nhiều nguyên nhân như giải phóng mặt bằng chậm, biến động giá, năng lực nhà thầu hạn chế.

Tuy nhiên, tại không ít dự án sử dụng vốn vay ưu đãi ODA, chậm tiến độ còn do một nguyên nhân khác là sự thờ ơ của các nhà thầu quốc tế.

Ưu điểm nổi bật của các dự án vay vốn ưu đãi ODA là lãi suất vay thấp, nhưng kèm theo đó là hàng loạt điều kiện bắt buộc như phải sử dụng nhà thầu (với mức lương nhân công rất cao), vật tư, thiết bị… của nước cho vay. Khi nguồn lực còn hạn chế, các nước đang phát triển đều chấp nhận điều kiện ràng buộc để đầu tư hạ tầng. Dù vậy, lại xảy ra một nghịch lý là các nhà thầu của nước cho vay không "mặn mà" với các dự án này trong khi nhà thầu của nước sở tại đủ điều kiện thì lại không được tham dự thầu.

Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang được giao quản lý khá nhiều dự án sử dụng vốn vay ưu đãi ODA của nhiều quốc gia, tiêu biểu là các dự án nâng cao an toàn các cầu trên tuyến đường sắt Thống Nhất (dự án 44 cầu), hiện đại hóa thông tin tín hiệu 3 tuyến phía Bắc và khu đầu mối Hà Nội và dự án Hiện đại hóa thông tin tín hiệu Vinh-Sài Gòn tuyến đường sắt Thống Nhất.

Giám đốc RPMU Trần Văn Lục cho biết, điều kiện để vay vốn ODA của Nhật Bản (điều kiện vay đặc biệt dành cho các đối tác kinh tế) đơn giản hơn so với các nước khác, nhưng cũng có quy định nhà thầu Nhật Bản phải là nhà thầu chính hoặc đứng đầu liên danh thầu chính.

Thời gian qua RPMU đã phải "đỏ mắt" tìm nhà thầu tham gia đấu thầu các gói thuộc Dự án 44 cầu sử dụng vốn vay Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA). Gói CP1 khôi phục 17 cầu đường sắt phát sinh tình huống ngoài dự kiến. Sau khi qua vòng sơ tuyển hồ sơ, 1 trong 2 nhà thầu đủ điều kiện vào vòng "chung kết" nhưng do khó khăn về tài chính đã không tham gia đấu thầu và rút khỏi dự án. Chỉ còn 1 nhà thầu nhưng giá bỏ lại cao hơn 2,5 lần so với dự toán được duyệt và RPMU phải xin hủy kết quả để tổ chức đấu thầu lại. Quá trình hủy, đấu thầu lại đã khiến dự án chậm tiến độ chừng 1 năm.

Tình hình tại gói CP3 khôi phục 16 cầu còn khó khăn hơn. RPMU đã tổ chức sơ tuyển hồ sơ nhà thầu tới hai lần mà vẫn không thành công. Lần thứ nhất, mặc dù RPMU đã kéo dài thời gian sơ tuyển thêm 43 ngày nhưng vẫn chỉ có duy nhất một nhà thầu Nhật Bản nộp hồ sơ. Bộ Giao thông Vận tải và JICA đã quyết định hủy sơ tuyển đợt 1 và điều chỉnh lại điều kiện sơ tuyển để tổ chức sơ tuyển lại nhưng cũng không có nhà thầu nào nộp hồ sơ dự thầu. Cuối cùng Bộ Giao thông Vận tải và JICA đành quyết định tạm dừng sơ tuyển để tìm phương án khác, có thể là chia nhỏ gói thầu.

Tại dự án xây dựng cầu Nhật Tân sử dụng vốn ODA Nhật Bản, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (đại diện chủ đầu tư) Nguyễn Ngọc Trân cho biết, đến nay chưa có nhà thầu Nhật Bản mua hồ sơ dự thầu gói số 2.

Để tháo gỡ, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho nhà thầu Việt Nam tham dự và nhận được sự ủng hộ từ JICA và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Chính phủ đã có công hàm gửi Chính phủ Nhật Bản và đang đợi sự đồng ý chính thức. Theo ông Trân, so với kế hoạch ban đầu đã chậm khoảng 6 tháng, dự kiến sẽ phải mất ít nhất 6 tháng nữa mới chọn được nhà thầu.

Có nhiều nguyên nhân khiến nhà thầu quốc tế không tham gia dự thầu. Theo suy đoán của ông Trân, sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, điều kiện thi công chật hẹp, tắc đường, có thể là những lý do khiến nhà thầu Nhật Bản không muốn tham gia vào dự án cầu Nhật Tân.

Còn theo Giám đốc RPMU Trần Văn Lục, các nhà thầu Nhật Bản không muốn tham gia các dự án ODA đường sắt là do phạm vi thực hiện gói thầu trải dài dọc tuyến đường sắt khoảng 500km và nằm ở những khu vực khó tiếp cận, điều kiện thi công khó khăn. Ngoài ra, những biến động về giá cả vật liệu thời gian gần đây cũng khiến nhà thầu phân vân trong việc bỏ giá, trong khi việc điều chỉnh giá phức tạp và chậm.

Vẫn theo ông Lục, một số nhà thầu cho biết không muốn sang Việt Nam bởi Nhật Bản cũng có chủ trương kích cầu, nên… không thiếu việc. Trong khi đó, không ít nhà thầu trong nước có năng lực nhưng phải đứng ngoài cuộc và chủ đầu tư bất lực bởi không dám làm sai quy định. Kết quả là các dự án vẫn tiếp tục chậm tiến độ và mức độ lãng phí cũng theo đó mà tăng lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục