Dự án Sân bay Long Thành: Sẽ có câu trả lời thành công từ thực tiễn?

Mặc dù dự án sân bay Long Thành chưa thật sự thuyết phục nhưng nhiều đại biểu cũng đã chiêm nghiệm từ nhiều dự án khác để thấy rằng thực tiễn mới chứng minh dự án đó có thành công hay không.
Dự án Sân bay Long Thành: Sẽ có câu trả lời thành công từ thực tiễn? ảnh 1Phối cảnh Dự án sân bay Long Thành.

Mặc dù các phiên thảo luận về dự án sân bay Long Thành cách đây mấy hôm, nhưng bên lề Quốc hội, các đại biểu vẫn đưa ra nhiều bình luận về dự án này. Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tính cần thiết của một sân bay tầm cỡ quốc tế như Long Thành để phục vụ phát triển kinh tế của đất nước. Nhưng còn không ít ý kiến băn khoăn của đại biểu về tính hiệu quả, quy hoạch ngành giao thông trong tương lai, cũng như những lo ngại về nguồn vốn, tác động tới nợ công, ngân sách eo hẹp…

Theo chương trình kỳ họp, chiều 14/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Liệu dự án này có xin được chủ trương để thông qua hay phải chờ kỳ họp tới?

Sự cần thiết của một sân bay tầm cỡ

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với nhu cầu phát triển vận tải của khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, việc mở rộng Tân Sơn Nhất bằng cách giải tỏa 140.000 hộ dân để xây đường băng thứ 3, nhằm nâng công suất lên 40-50 triệu khách một năm là "bất khả thi".

Tuy nhiên, để cho thấy tính cấp thiết của việc xây dựng sân bay Long Thành, ông Lịch cho rằng Chính phủ cần giải trình rõ 2 việc: Một là, theo báo cáo của ngành giao thông, với đặc điểm 2 đường băng hiện tại, cùng với hạn chế vùng không lưu, Tân Sơn Nhất chỉ có thể đạt công suất mỗi năm 190.000 chuyến. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng nếu điều hành tốt hơn, con số này có thể lên trên 300.000 - tương đương 40 triệu khách mỗi năm.

Hai là, với diện tích 1.000 ha đang có, nếu được sử dụng tốt, Tân Sơn Nhất cũng có thể nâng cấp dịch vụ mặt đất để tiếp nhận với lượng khách như vậy.

"Nếu làm được 2 việc này một cách khoa học, có phản biện mà thấy bất khả kháng thì vấn đề xây dựng Long Thành là chuyện không cần bàn,” ông Lịch nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) phân vân: “Tôi nâng lên đặt xuống rất nhiều lần về dự án sân bay Long Thành và tự hỏi mình cần phải có quyết định thế nào cho đúng? Vì giao thông cần phải đi trước để kích thích và tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Nếu không thông qua, tốc độ phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, còn nếu thông qua thì nguồn vốn ở đâu, nợ công sẽ thế nào”. Do đó, sau nhiều ngày trăn trở, bà An quyết định sẽ “ấn nút” thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành tại kỳ họp lần này.

Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng dự án sân bay Long Thành là cấp thiết, cần đầu tư nhanh chóng vào sân bay này do tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất và phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam.

“Chiến lược từ tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, nền kinh tế của nước ta trong tương lai từ nay 2030 là 1 trong 10 nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương năng động nên cần có một sân bay với quy mô vận chuyển 100 triệu khách là cần thiết,” bà Dung nhận định.

Đại biểu xây móng “lòng tin” cho dự án

Mặc dù dự án sân bay Long Thành chưa thật sự thuyết phục bởi chưa phải là đề án khả thi, nhưng nhiều đại biểu cũng đã chiêm nghiệm từ nhiều dự án khác được thông qua tại Quốc hội để thấy rằng, có thể, có những dự án, cần có câu trả lời từ thực tiễn.

Dẫn ví dụ từ dự án đường dây 500KW, đại biểu Nguyễn Văn Bình (đoàn Hải Phòng) cho rằng đường dây 500KV Bắc Nam đầu tư xong thì 10 năm sau mới thấy tác dụng và là quyết định đúng đắn. “Bởi vậy, nếu còn vốn thì nên thực hiện dự án sân bay Long Thành, miễn là dự án chứng minh được tính hiệu quả thì chắc chắn cũng sẽ huy động được các đối tác tham gia, không phải quá lo lắng về nguồn lực,” ông Bình nhận xét.

Đại biểu Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chia sẻ có khoảng 6-7 công trình được đưa ra thảo luận, có dự án thì đại biểu không đồng thuận nhưng khi triển khai lại thành công. Nhưng nhiều công trình đồng thuận cao nhưng lại có những vướng mắc khi triển khai.

Ông Nghị đưa ra ví như dự án thủy điện Sơn La với nhiều ý kiến không đồng thuận của đại biểu Quốc hội nhưng khi triển khai khá thành công, thậm chí, dự án này còn hoàn thành trước so với kế hoạch là 2 năm. Tuy nhiên, nhiều dự án được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao lại không được nhiều thuận lợi trong triển khai. Điển hình là dự án đường Hồ Chí Minh. Ai cũng thấy việc làm đường cao tốc này là rất cần thiết, nhưng hiệu quá phát huy chưa cao. Mặc dù Quốc lộ 1 rất chật nhưng các phương tiện lại chủ yếu đi vào Quốc lộ 1chứ ít ra đường Hồ Chí Minh.

“Nói như vậy để chỉ ra vấn đề dự án sân bay Long Thành là cần thiết, bởi chúng ta cần có một sân bay tầm cỡ quốc tế, nhưng có mấy vấn đề triển khai cần phải tính toán, đó là vấn đề vốn, giải phóng mặt bằng, tính hiệu quả của dự án,” ông Nghị nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng, dự án xây dựng sân bay Long Thành là một chủ trương lớn cần phải triển khai nhằm giảm quá tải cho các cảng hàng không khác. Tuy nhiên, về vốn cho dự án này cũng phải tính nhiều phương án khác nhau. Trước mắt, chủ trương đưa ra là huy động nhiều nguồn vốn trong đó vốn ngân sách chỉ là một phần.

"Theo tôi muốn triển khai thì phải tính bài toán lâu dài, làm sao hiệu quả nhất. Cụ thể, nếu vay được vốn để đầu tư cho dự án thì điều quan trọng nhất là phải thực hiện có hiệu quả, trả được nợ," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy là sẽ ủng hộ dự án sân bay Long Thành, nhưng đa số đại biểu Quốc hội đều yêu cầu cần phải có dự án khả thi trình Quốc hội để thảo luận trong kỳ họp tới. Đặc biệt, dự án cần phải nêu rõ nguồn vốn, hiệu quả dự án ra sao. Trong trường hợp ngân sách eo hẹp thì dự án sẽ kêu gọi nguồn vốn như thế nào? Dự án xây dựng theo hình thức đầu tư công tư (PPP) hay xã hội hóa? Nếu xây dựng theo hình thức này thì sẽ triển khai thế nào?...

Tất cả những vấn đề này đều cần phải có câu trả lời cho dự án khả thi được trình trong kỳ họp Quốc hội tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục