Dự án sơ sài vẫn được chính quyền ủng hộ

Dù hết sức sơ sài, nhưng dự án của Công ty TNHH Sơn Trường tại Hải Phòng vẫn được chính quyền nhiệt tình ủng hộ.
Dù hết sức sơ sài với vỏn vẹn 4 trang giấy, dự án "Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung", trị giá 150 tỷ đồng của Công ty TNHH Sơn Trường tại hai huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo, Hải Phòng vẫn được chính quyền và các ngành chức năng thành phố Hải Phòng quan tâm và nhiệt tình ủng hộ.

Ngày 8/6/2009, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng ra công văn số 2939/UBND-NN chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ủy ban Nhân dân các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Dương nghiên cứu về chủ trương, phương thức tổ chức thực hiện rồi báo cáo lại. Tuy nhiên, chẳng đợi có chỉ đạo trên, trước đó 3 tháng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng đã có công văn số 155/SNN-KHTC ngày 10/3/2009 đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện trên tạo điều kiện cho Công ty TNHH Sơn Trường sớm được thực hiện triển khai dự án.

Đến 18/8/2009, Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Bảo đã ra quyết định 1633/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại các xã Hoà Bình, Trấn Dương, Cổ Am, Vĩnh Tiến. Rồi đến cấp xã cũng ra Nghị quyết chuyên đề thực hiện dự án, điển hình là xã Trấn Dương, cả Đảng ủy xã và Hội đồng nhân dân xã lần lượt ra các Nghị quyết về việc lãnh đạo tuyên truyền vận động nhân dân cho doanh nghiệp thuê đất để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Vậy là từ đầu tháng 9 tới nay, trên địa bàn 8 xã của hai huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo xuất hiện một cuộc vận động nông dân cho doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp lớn chưa từng có, rầm rộ, gấp rút và khẩn trương khác thường với sự hậu thuẫn của chính quyền cơ sở. Ban đầu là các chi bộ thôn họp triển khai, rồi tới từng hộ gia đình vận động, bắc loa kêu gọi nông dân cho doanh nghiệp thuê đất.

"Phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất hàng hóa với quy mô lớn và tập trung", ông Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng hồ hởi nói về dự án này. Theo ông, Công ty Sơn Trường trả tiền thuê đất cao hơn hiệu quả của nông dân sản xuất gấp nhiều lần là việc làm đem lại lợi ích cho người dân, trong khi người dân vẫn được giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không phải giao cho doanh nghiệp.

Chính quyền địa phương lập luận nếu dự án "đổ bể" thì chỉ doanh nghiệp bị thiệt hại, chứ người dân không bị sao cả. Ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng cho biết: huyện đã thẩm định được rằng Công ty Sơn Trường có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật để thực hiện dự án nông nghiệp này và họ đã triển khai dự án ở một số địa phương khác. Vì vậy, chính quyền huyện có trách nhiệm định hướng cho người dân làm theo.

Tiên Lãng đang triển khai dự án này ở 3/4 xã theo dự kiến, tuy nhiên phần đông tư tưởng của người nông dân còn chưa "thông", bởi họ thực sự chưa biết hết thông tin về dự án. Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cổ Am của huyện Vĩnh Bảo, ông Đào Nguyên Linh, nói: "Có sự chỉ đạo của thành phố, của huyện nên xã ông cứ theo đó mà triển khai vận động người dân cho doanh nghiệp thuê đất. Gần 1.000 hộ dân trong xã đã huy động được 60ha sẵn sàng chờ ngày ký kết hợp đồng với doanh nghiệp".

Ông Hà Huy Sáng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trấn Dương, thì hồ hởi: "Cho doanh nghiệp thuê đất nông dân thì có lợi, xã sẽ có thêm những công trình mới như đường sá, hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu (theo như cam kết của doanh nghiệp)". Tuy nhiên, ông Chủ tịch xã này không hề hay biết gì về kế hoạch sản xuất của công ty. Ông Sáng cũng thừa nhận rằng, từ trước đến nay cho dù mảnh đất màu mỡ nhất ở xã ông cũng không thể trồng lúa hoặc rau màu nào đạt hiệu quả cao như vậy.

Người dân một mình đối mặt với rủi ro

Ông Bùi Văn Thụy, nông dân xã Trấn Dương lo ngại về dự án này, bởi nếu giao 2.000 ha đất cho một doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp (Công ty Sơn Trường có thế mạnh về lĩnh vực xây dựng), chưa có phương án tổ chức sản xuất nông nghiệp cụ thể, rõ ràng thì quả là độ rủi ro khôn lường.

Không những chẳng có một mô hình thử nghiệm nào trước đó được triển khai, mà ở siêu dự án này có một quy trình đầu tư ngược so với một dự án đầu tư nông nghiệp thông thường. Phía doanh nghiệp nhất nhất muốn thuê bằng được đất rồi mới triển khai nghiên cứu phương án sản xuất. Cái "tài" của công ty Sơn Trường là xây dựng dự án trăm tỷ đồng mà không phải là dự án, chỉ là những thỏa thuận thuê đất với nông dân và dự kiến đầu tư của họ. Chính điều này giúp họ tránh được sự thẩm định dự án từ phía các cơ quan chức năng thành phố.

Ngay trong công văn chỉ đạo số số 2939/UBND-NN ngày 8/6/2009 nói rõ: Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo... nghiên cứu về chủ trương, phương thức tổ chức thực hiện rồi báo cáo lại. Hơn nữa, UBND thành phố cũng yêu cầu phía Sơn Trường phải có bản dự án chi tiết cụ thể. Tuy nhiên, chẳng đợi có được những điều kiện trên, Công ty Sơn Trường đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở triển khai gấp rút việc thuê đất của người nông dân trên diện rộng.

Dù định hướng và rất tích cực vận động nông dân đồng ý cho doanh nghiệp thuê đất là vậy, nhưng trong bản hợp đồng (dự thảo) không hề có sự cam kết, bảo trợ gì từ phía chính quyền địa phương để bảo vệ người dân. Bản hợp đồng đơn thuần là bản thoả thuận dân sự, tự nguyện giữa doanh nghiệp và người dân, thiếu hẳn những chế tài cụ thể đối với doanh nghiệp khi họ không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng.

Chỉ có điều làm an lòng người dân khi chính quyền địa phương khẳng định rằng: Điều kiện tiên quyết của dự án này phải làm theo quy hoạch của huyện, của thành phố và không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã thuê.

Bà Bùi Thì Đòng, người xã Trấn Dương (Vĩnh Bảo) một trong số ít nông dân được công ty Sơn Trường cho đi tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp của họ ở huyện An Lão, kể rằng: Họ đưa những người nông dân đến thăm quan một cánh đồng chưa có cây trồng gì, nhưng lại được chia nhỏ cứ 100 mét là có 2 đường bê tông rộng chừng 6m ở 2 bên, ở giữa cách đồng có tuyến mương nước rộng chừng 4m.

Trong lúc nhiều người còn nghi ngờ dự án của Công ty Sơn Trường, thì một điều ai cũng biết là có hai dự án mang tầm quốc gia là Cảng quốc tế Lạch Huyện và đường giao thông ven biển sắp được triển khai ở khu vực gần đó. Sẽ có nhiều xã của các huyện có thể trở thành vùng hậu cần lý tưởng của cảng biển Lạch Huyện, và con đường ven biển sẽ xuyên qua nhiều cách đồng lúa ở không ít xã của hai huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.

Ông Hà Ngọc Mãn, thôn Vĩnh Dương, Trấn Dương, chỉ cho phóng viên Vietnam+ con đường giao thông ven biển liên tỉnh dự kiến sẽ được nhà nước sẽ xây dựng trong nay mai, gần khu ruộng nhà ông mà phía Công ty Sơn Trường đang vận động gia đình cho thuê. Còn Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cũng bật mí trong tương lai (tầm nhìn 2015-2020) vùng đất Tiên Lãng, Vĩnh Bảo sẽ xuất hiện một số khu công nghiệp lớn phục vụ cho phát triển chung của thành phố.

Một chủ trương lớn, một dự án lớn liên quan tới đời sống hàng nghìn người nông dân Hải Phòng rõ ràng không phải là chuyện nhỏ. Chính vì vậy, người nông dân mong chờ một sự thận trọng, một đánh giá đầy đủ, khoa học từ phía các ngành chức năng và chính quyền thành phố về hiệu quả dự án trước khi triển khai./.

Vũ Văn Đức (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục