Dự án "Sữa học đường" để nâng thể trạng cho trẻ

Dự án "Sữa học đường" hướng tới hơn 2 triệu trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học trên toàn quốc, theo đó mỗi em sẽ được uống 200-220ml sữa tươi/ngày.
Hơn 2 triệu trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học trên toàn quốc sẽ được uống 200-220ml sữa tươi mỗi ngày để hỗ trợ cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng. Đó là một trong những mục tiêu chính được thảo luận trong cuộc hội thảo về dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em và xây dựng chương trình sữa học đường hỗ trợ nâng cao thể trạng cho trẻ mầm non và tiểu học giai đoạn 2014-2020. Tại cuộc hội thảo, do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 10/6, các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm về tầm quan trọng của việc bổ sung các sản phẩm dinh dưỡng đúng cách, trong đó sản phẩm sữa với mục đích ăn bổ sung được coi là thực phẩm tối ưu cho trẻ.
[Hơn 13.500 trẻ em nghèo được uống sữa miễn phí]
Được thực hiện thí điểm tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong 3 năm 2006-2009, chương trình sữa học đường đã góp phần cải thiện rõ rệt tình trạng suy dinh dưỡng (từ hơn 6.000 trẻ suy dinh dưỡng năm 2006 trong tỉnh, đến năm 2010 chỉ còn hơn 2.000 trẻ) và giúp phát triển thể lực ở trẻ em. Chương trình đã có những hoạt động giúp nâng cao nhận thức của người dân, giáo viên về việc cho trẻ uống sữa đúng cách, đảm bảo dinh dưỡng. Đánh giá về chương trình sữa học đường, tất cả các đại biểu đều cho rằng đây là chương trình cần thiết và có ý nghĩa nhân văn cao. Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, chế độ ăn bổ sung hợp lý, bao gồm việc cung cấp sản phẩm sữa cho trẻ em lứa tuổi mầm non vào tiểu học thông qua chương trình sữa học đường là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đạt được những mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, nâng cao tầm vóc và thể lực ở trẻ em. Mặc dù đánh giá cao sự cần thiết của chương trình nhưng các đại biểu cho rằng việc thực hiện chương trình sẽ gặp nhiều khó khăn về kinh phí thực hiện, nguồn cung cấp sữa, hạn chế trong việc bảo đảm chất lượng sữa, những phản ứng phụ không mong muốn như bệnh tiểu đường, ngộ độc sữa… Hiện nay, theo các công ty sữa tại Việt Nam thì nguồn cung sữa tươi trong nước mới chỉ đáp ứng được 27% nhu cầu của người tiêu dùng. Đây sẽ là khó khăn lớn trong việc thực hiện chương trình sữa học đường, chưa kể đến giá sữa hiện nay rất cao. “Để đảm bảo tính bền vững của chương trình, cần có một kế hoạch dài hạn về phát triển chăn nuôi bò sữa cũng như nghiên cứu phương án cung cấp sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học,” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói. Thứ trưởng Diệp cũng cho rằng khi đưa sữa vào trường học, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rất quan trọng. Cần giám sát chặt chẽ khâu bảo quản, vận chuyển sữa để không có những vụ ngộ độc xảy ra. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc mức độ bao phủ của chương trình theo lộ trình. Chương trình sữa học đường là bước tiếp theo của các chính sách đã được Chính phủ ban hành trong thời gian qua nhằm bảo đảm dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên. Dự kiến, chương trình sẽ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thiện và đệ trình chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2013./.
Việt Nam vẫn còn nằm trong danh sách 16 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp còi cao nhất thế giới. Ước tính năm 2010, nước ta có khoảng 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 2,1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Trong vòng 15 năm từ 1985-2000, chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng 1,5cm. Hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên  Việt Nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn. Chiều cao trung bình của nữ là 153cm, kém so với chuẩn là 10,7cm./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục