Dự án tái định cư 2.500 căn hộ tiếp tục bị "treo"

Sau 16 năm chờ đợi, dự án xây khu tái định cư 18,4ha tại Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa, quận Bình Thạnh tiếp tục bị “treo”.
Sau 16 năm chờ đợi, đến nay, dự án xây dựng khu tái định cư 18,4ha, với quy mô 2.500 căn hộ tại Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh lại tiếp tục bị “treo” khi chủ đầu tư cũ làm đơn xin rút lui vì không đồng ý với những điều khoản bất khả kháng được các cơ quan chức năng đưa ra theo kiểu đánh đố doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 14/9, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài đã ký văn bản chấp thuận cho liên danh gồm 5 đơn vị: Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Vạn Phúc, không tiếp tục thực hiện dự án này.

Tuy nhiên, đây không phải là thông tin mới, vì từ tháng 5/2009, liên danh gồm 5 đơn vị trên đã có văn bản gửi Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xin rút khỏi vai trò chủ đầu tư dự án tái định cư này. Lý do là các điều kiện được nhiều sở, ngành địa phương đưa ra đều không phù hợp, đẩy chủ đầu tư vào cảnh “cầm dao đằng lưỡi”.

Chiều 25/9, trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Đường, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Vạn Phúc, một thành viên trong liên danh, lấy làm tiếc khi phải rút lui, dù rằng đã bỏ nhiều công sức và chi phí cho dự án tái định cư 18,4ha.

Phân tích cụ thể, ông Đường cho rằng, từ năm 2003, công ty đã đeo đuổi dự án này với mong muốn xây dựng khu tái định cư phù hợp để đáp ứng như cầu của hơn 2.200 hộ dân bị thu hồi đất của dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa, có quy mô 430ha.

Để đảm bảo tài chính cho dự án này, tháng 4/2008, cả 5 đơn vị trong liên danh đã chấp nhận vay 10.000 tỷ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín.

Thế nhưng càng chờ đợi, liên danh càng bị cuốn vào mớ bòng bong của thủ tục hành chính khi bản quy hoạch về dự án, cũng như hiện trạng sử dụng đất, đã phải điều chỉnh rất nhiều lần theo yêu cầu của Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên sự việc không mong muốn là tháng 7/2008, ông Nguyễn Hoàng Nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đặt ra những yêu cầu bất khả kháng đối với chủ đầu tư như: chủ đầu tư tự bỏ vốn để xây dựng và bàn giao cho thành phố 2.500 căn hộ, theo mức giá được kiểm toán, với lợi nhuận 10%.

Theo ông Phạm Văn Đường, đề nghị của Sở Xây dựng đã đặt chủ đầu tư vào thế làm thì lỗ vì mức lợi nhuận 10% sẽ không đủ để trả lãi số tiền 10.000 tỷ đồng vay của ngân hàng.

Hơn thế nữa, Sở Xây dựng còn “vẽ” thêm chiếc thòng lọng khi đặt ra yêu cầu sau 60 ngày từ khi dự án được duyệt nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ thì sẽ đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi dự án.

Nhìn nhận một cách sòng phẳng, đây là cách làm khó doanh nghiệp, vì hiện trạng khu đất 18,4ha vẫn chưa được giải tỏa đền bù xong. Với những thủ tục phức tạp, trong vòng 60 ngày không doanh nghiệp nào đủ sức để thu hồi đất. Hơn thế nữa, nếu đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng 2.500 căn hộ, trong thời gian 3 năm, với mức lãi nhận được chỉ 10% thì chủ đầu tư sẽ đứng bên bờ vực phá sản.

Chính vì vậy, sau nhiều cuộc họp cũng hàng tá văn bản đề xuất nhưng không được trả lời về những điều bất khả kháng này, tháng 5/2009, liên danh đã thống nhất xin rút lui khỏi dự án xây dựng khu tái định cư này.

Còn hiện tại, Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lại tiếp tục giao cho các sở ngành chọn nhà đầu tư khác cho dự án khu tái định cư này. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, các cơ quan chức năng lại tiếp tục đề xuất hướng đổi đất lấy công trình. Còn dự án tái định cư lại tiếp tục treo vì mọi thủ tục đầu tư phải làm lại từ đầu.

Dư luận đang đặt câu hỏi, tại sao các cơ quan chức năng địa phương lại “ép” chủ đầu tư, để rồi dự án lại tiếp tục treo, còn người dân lại tiếp tục mòn mỏi chờ nhà tái định cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục