Dự án trồng 10.000ha điều ở Bình Dương thất bại

Dự án cải tạo và trồng mới 10.000ha điều ở tỉnh Bình Dương kéo dài đến năm 2020, nhưng đến tháng 9 vừa qua, tỉnh thừa nhận dự án đã thất bại.
Dự án cải tạo và trồng mới 10.000ha điều ở tỉnh Bình Dương kéo dài 20 năm (từ năm 2000 đến 2020), nhưng đến tháng 9 vừa qua, các ngành trong tỉnh đều thừa nhận dự án đã thất bại hoàn toàn, thậm chí cây điều đã bị "xóa sổ".  

10.000ha chỉ còn vài trăm hécta

Dự án cải tạo trồng mới cây điều cao sản do Trung ương cấp vốn giao tỉnh Bình Dương quản lý và ký hợp đồng với hàng trăm người dân 4 huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bến Cát và Tân Uyên.  

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Bình Dương báo cáo đã trồng được hơn 9.000ha nhưng vài năm gần đây diện tích điều bị thu hẹp chỉ còn lại vài trăm hécta.  

"Nguy hiểm hơn, nguồn vốn đầu tư ngân sách cứ tiếp tục chảy xuống nhưng diện tích điều không phát triển, kể cả thu hoạch cũng không đáng kể." - ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay.  

Ông Nguyễn Hữu Chí, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bến Cát khẳng định: Nguyên nhân thất bại dự án trồng điều là do xu thế cây điều không còn mang lại hiệu quả kinh tế bằng các cây công nghiệp khác, chẳng hạn như cây cao su. Do đó, có nhiều hộ nông dân mặc dù đã ký hợp đồng với tỉnh để triển khai trồng điều, nhưng sau khi phát hiện cây điều “yếu thế”, họ tự “xé rào” chuyển sang trồng cây khác.  

Thêm một lý do nữa là trong thời gian vừa qua, huyện phát triển ồ ạt các khu công nghiệp, đô thị nên diện tích trồng điều nằm trong dự án giải tỏa đất đã bị thu hẹp đáng kể.  

Theo ông Minh, tỉnh nên chấp nhận dự án đã thất bị để còn tính toán lại và thu hồi lại vốn. Nếu cứ tiếp tục kéo dài, dự án sẽ gây lãng phí tiền của. Sau gần 9 năm triển khai, dự án chưa thu hồi lại một đồng nào.

Xin rút lui dự án  

Bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho rằng sau một thời gian triển khai, Dự án cải tạo và trồng mới cây điều không những không phát huy hiệu quả mà cây điều không còn chỗ đứng trên diện tích đất nông nghiệp ở Bình Dương.  

"Do biến động về đất đai và giá nông sản nên việc duy trì diện tích cây điều trồng trong 20 năm theo cam kết là việc làm khó thực hiện được." - bà Vân nhấn mạnh.

Theo bà Vân, đến nay diện tích cây điều tuy còn một vài trăm hécta, nhưng so với Dự án đề ra thì cây điều gần như “xóa sổ’’ ở Bình Dương. Do nhu cầu của thị trường và người dân trong phát triển nông nghiệp, nên xu thế trồng cây điều tuy có thu nhập nhưng hiệu quả thì thua xa cây cao su.  

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, bà Vân cho hay tỉnh yêu cầu các ngành rà soát lại các hộ dân có ký hợp đồng và còn bao nhiêu diện tích điều để báo cáo lên Trung ương đồng thời tính toán số hộ còn tham gia dự án và những hộ “bỏ chạy” để có biện pháp thu hồi vốn đã đầu tư.  

Về việc thu hồi vốn, bà Vân cho rằng tỉnh phải chờ sự hướng dẫn từ Trung ương vì sau khi triển khai, dự án đã ký hợp đồng với rất nhiều hộ dân và nguồn vốn rót xuống hàng chục tỷ đồng nên rất khó thu lại trong ngày một, ngày hai. Trước mắt tỉnh sẽ rà soát từng hộ dân nằm trong dự án, nếu hộ nào đã chuyển sang trồng cây khác thì sẽ thu ngay vốn và hộ đó sẽ bị phạt vì vi phạm hợp đồng. Những trường hợp nào bán, sang nhượng đất sẽ bị phạt nặng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục