Dự án vũ khí châu Âu mới thách thức Đức và Pháp

Tờ Handelsblatt của Đức cho biết theo sáng kiến của Pháp, nước này và Đức sẽ hợp tác chặt chẽ trong dự án phát triển một thế hệ máy bay chiến đấu và một dòng xe tăng mới cho EU.
Dự án vũ khí châu Âu mới thách thức Đức và Pháp ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly. (Nguồn: getty images)

Tháng 6/2017, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đồng ý cùng phát triển các hệ thống vũ khí hoàn toàn mới về công nghệ cho không quân nói riêng và quân đội của hai nước nói chung, cũng như mở rộng sang các nước châu Âu khác.

Tờ Handelsblatt của Đức ngày 23/4 cho biết theo sáng kiến của Pháp, nước này và Đức sẽ hợp tác chặt chẽ trong dự án phát triển một thế hệ máy bay chiến đấu và một dòng xe tăng mới cho Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, để có thể cùng lúc thực hiện cả hai dự án là điều không khả thi, theo đó hai nước đang có ý định ký hợp đồng đầu tiên cho một thế hệ máy bay chiến đấu vào tháng Sáu tới, nhằm phát triển Hệ thống chiến đấu châu Âu mới (FCAS). Tuy nhiên, dự án đắt đỏ và đầy tham vọng này đang gặp nhiều thách thức và có thể thất bại.

Theo dự án, thế hệ máy bay chiến đấu mới có thể được biên chế cho lực lượng không quân hai nước và các nước thành viên EU từ năm 2040 và mang lại cho ngành công nghiệp quốc phòng doanh số lên tới 500 tỷ euro.

Người châu Âu muốn đảm bảo cơ hội cạnh tranh ngang hàng với Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, trước khi đi đến quyết định ký kết, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly muốn tham gia triển lãm hàng không ở Le Bourget vào ngày 17/6 tới.

[Pháp và Đức thiết lập liên minh thúc đẩy chủ nghĩa đa phương]

Hiện nay, trở ngại lớn nhất giữa hai nước là vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề quy định xuất khẩu vũ khí.

Thời gian gần đây, các chính trị gia và giới ngoại giao Pháp đã chỉ trích gay gắt sự hạn chế của Đức trong vấn đề xuất khẩu vũ khí sang các nước đang có chiến tranh hoặc liên quan đến xung đột như Saudi Arabia, khu vực Trung Đông...

Tháng Ba vừa qua, Chính phủ Đức đã miễn cưỡng quyết định cho phép các công ty công nghiệp quốc phòng của Đức giao hàng cho các nhà sản xuất vũ khí của Pháp trong thời gian giới hạn, sau đó Pháp có thể xuất khẩu sản phẩm cuối cùng sang Saudi Arabia. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Parly mặc dù bày tỏ thông cảm với Chính phủ Đức do sự ràng buộc thỏa thuận liên minh, vẫn tỏ thái độ kiên quyết khi tuyên bố "chúng ta phải giải quyết nhanh chóng vấn đề này, bởi vì sẽ là vô trách nhiệm khi chi hàng tỷ euro mà không làm rõ các quy định xuất khẩu."

Theo bà Parly, cả Pháp và Đức hiện đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế, nhưng vẫn phải giảm chi phí cho người dùng cuối. Điều này chỉ có thể thực hiện thông qua xuất khẩu. Trong khi thị trường EU quá nhỏ, cách duy nhất là phải xuất khẩu sang các nước ngoài EU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục