Dự báo chưa sát khiến thiệt hại nặng nề vì bão số 8

Việc dự báo đường đi, cường độ của bão chưa sát với diễn biến là nguyên nhân chính gây nên những hậu quả nặng nề của bão số 8, đặc biệt là tại Hải Phòng và Nam Định.

Thống kê sơ bộ đến 16 giờ ngày 29/10, bão số 8 đã làm ba người chết, trong đó có hai người ở Nam Định bị chết do nhà sập và tai nạn trên sông, một người tại Nghệ An bị ngã khi chằng chống nhà cửa; ba người mất tích (Quảng Ninh, hai và Nghệ An, một) và 13 người bị thương.
Hậu quả nặng nề của cơn bão số 8, đặc biệt là tại Hải Phòng và Nam Định phải kể đến nguyên nhân do việc dự báo đường đi và cường độ của bão chưa sát với diễn biến bão.

Bất ngờ, Hải Phòng oằn mình trong bão


Hải Phòng ngày 29/10 không còn phải đón những đợt mưa xối xả, những trận cuồng phong, nhưng thành phố lại đang oằn mình chống chọi với những tàn dư sau bão. Đó là hàng nghìn cây xanh bị gió "hạ gục," giao thông bị ngưng trệ, điện mất, nước ngập trên diện rộng. Chưa kể hàng trăm bè nuôi trồng hải sản, trại chăn nuôi gia súc gia cầm vỡ hỏng, hàng nghìn hécta lúa, hoa màu đổ nát, và hàng chục tàu bè bị sóng bão nhấn chìm. Đâu đó, những người dân đang chờ ngóng tin người thân mất tích...

Bão số 8 liên tục đổi hướng vào đất liền khiến cho người dân thành phố Hải Phòng không kịp trở tay. Đây được coi là trận bão lịch sử gây thiệt hại nặng nề nhất ở Hải Phòng trong 10 năm trở lại đây. Các tuyến đường huyết mạch trong nội đô như Đinh Tiên Hoàng, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Lợi, Lạch Tray, hàng trăm cây xanh bật gốc nằm ngang đường và bên lề đường, "nghiến" đứt tất cả hệ thống dây điện chiếu sáng, dây điện các loại của ngành viễn thông bắc qua đó.

Nhiều panô quảng cáo lớn, biển báo hiệu giao thông trên tuyến đường Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng... rách nát, cong vênh, nằm chỏng chơ trên giải phân cách.

Lụt lội cục bộ chưa từng có xảy ra ở một số khu dân cư khiến mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, ngưng trệ; hàng trăm xe máy bị chết máy giữa đường, nhất là những loại xe ga.

Anh Nguyễn Văn Chuyên, ở phố Cấm, quận Ngô Quyền cho biết cảnh ngập lụt ở khu vực này mỗi mùa mưa bão là bình thường, nhưng nước ngập vào nhà chừng 20cm là điều chưa từng xảy ra. Đến 14 giờ, nước vẫn ngập trong nhà gần 10cm.

Điện mất, nước ngập, trong bất xuất ngoại bất nhập, cả gia đình anh Chuyên cũng như nhiều gia đình khác chỉ còn cách ngồi trong nhà chờ mong nước rút nhanh...

Khu du lịch Hòn Dáu-Đồ Sơn lúc 16 giờ vẫn còn ngổn ngang cây xanh bị gãy đổ, công trình đang thi công, khu nhà tạm cũng bị gió đánh bay mất mái. Chủ tịch Hội đồng quản trị-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dấu Hoàng Văn Thiềng cho hay dự báo đường di chuyển của bão số 8 chưa sát đã dẫn đến việc huy động nhân lực, vật lực chống bão của Công ty không được kịp thời.

Thiệt hại nặng nề nhất là khoảng 500m cơ (phần đệm chân đê) và 200m đê đang kè dở phía ngoài biển, hàng trăm cây xanh, hàng chục bức tượng điêu khắc bằng đá bị sóng và gió phá hỏng; một tàu cao tốc hiện đại sức chứa hơn 200 người (chuyên phục vụ tuyến Đồ Sơn-Cát Bà) đang đậu trong vụng bất ngờ đứt dây neo trôi dạt về phía huyện Tiên Lãng.

Hiện chiếc tàu này đã được lực lượng chức năng huyện lai dắt vào nơi tránh bão an toàn, chờ khi sóng yên biển lặng sẽ đưa tàu trở lại Hòn Dáu.

Ước tính thiệt hại về tài sản của Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dấu không dưới 20 tỷ đồng.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lê Quốc, trụ sở trên đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng cũng thiệt hại đáng kể. Theo ông Lê Quốc Hùng, Giám đốc Công ty, kho chứa sản phẩm bị gió hất tung phần mái khiến nước và bụi bẩn tràn vào làm hỏng toàn bộ nguyên vật liệu, chất phụ gia, sản phẩm đã thành phẩm, thiệt hại lên tới hơn 200 triệu đồng. Đó là chưa kể đến công trình, hệ thống bến bãi ngoài cảng của Công ty.

Hai huyện đảo Bạch Long Vỹ và Cát Hải cũng như các huyện trên địa bàn cũng phải căng mình chống bão... Theo thống kê ban đầu, tổng giá trị thiệt hại về tài sản toàn thành phố do bão số 8 gây nên ước tính 400 tỷ đồng. Trong đó, nhà bị tốc mái là 3.599; trang trại bị sập, tốc mái là 503; 47 tàu thuyền, phương tiện bị chìm; 83 đường dây điện bị sự cố, 849 cột điện bị gãy đổ; công trình đê điều bị sạt lở, hư hại nhiều nhất là ở trên các tuyến đê biển Cát Hải, đê Hữu Thái Bình, đê Tả Thái Bình, đê Tả Văn Úc, đê Hữu sông Luộc.

Hải Phòng hứng chịu thiệt hại nặng nề do bão số 8 gây ra phải kể đến nguyên nhân của việc dự báo đường đi và cường độ của bão chưa sát với diễn biến bão, dẫn đến việc tổ chức phòng, chống bão còn khó khăn, đặc biệt là việc kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh.

Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt việc sơ tán dân vùng xung yếu, ngư dân trên tàu thuyền, lồng bè. Tuy nhiên, các huyện Cát Hải, Bạch Long Vỹ, Kiến Thụy chưa thực hiện quyết liệt nên đã xảy ra hậu quả đáng tiếc. Vẫn còn có tư tưởng chủ quan, xem nhẹ của một vài cơ quan, đơn vị và người dân, chưa nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão.

Ngoài ra tại khu vực đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng có một tàu chở quặng trọng tải 2.000 tấn với năm người bị chìm, mất liên lạc.

Các vùng tâm bão thiệt hại nặng nề


Ở Thái Bình, khoảng 21 giờ ngày 28/10, tàu cá NĐ 2546 có 4 người neo đậu tại cảng Trà Lý, bị đứt dây neo trôi dạt ở cửa Lân, mất liên lạc.

Bão số 8 cũng làm sập 11 nhà; trên 5.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng, trong đó Hải Phòng có gần 2.900 nhà và Thanh Hóa có gần 2.200 nhà bị hư hỏng. Diện tích lúa bị ngập, hư hại là 6.291ha (Nam Định 5.810ha; Hà Tĩnh 361ha; Quảng Ninh 120ha); 17.625ha hoa màu bị ngập, hư hại (Nam Định 12.800ha, Hải Phòng 4.825ha); diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 700ha tại Nam Định; 30 lồng bè tại Quảng Ninh bị vỡ; 600 chòi canh bị đổ, hư hỏng.

Ngoài ra còn có 36 tàu bị chìm (Quảng Ninh một tàu; Hải Phòng 20 tàu; Nam Định 14 tàu và Thanh Hóa một tàu); 5 thuyền nhỏ của người dân ở Quảng Ninh bị chìm. Đáng chú ý, bão số 8 cũng làm đổ cột phát sóng cao 180 mét của truyền hình tỉnh Nam Định và cột phát sóng 15 mét của Quảng Ninh.

Tại Nam Định còn có 31 cột thu phát sóng, 500 cột điện cao thế và 5.000 cột điện hạ thế bị đổ.

Đối với công tác cứu hộ, cứu nạn, tại Nghệ An, lúc 8 giờ ngày 28/10, tàu TH 90955 có bốn người neo đậu tại Lạch Quèn, Nghệ An, bị vỡ mạn chìm do va chạm với tàu khác. Người trên tàu đã được cứu hộ an toàn.

Tại Thanh Hóa, hai tàu bị mắc cạn tại cửa Lạch Trường đã được địa phương tổ chức cứu hộ người lên bờ an toàn; một tàu trên đường vào bờ bị hỏng máy cũng được cứu, kéo vào Kênh De trú tránh an toàn.

Còn ở Quảng Ninh, vào hồi 11 giờ 30 ngày 28/10, một tàu có 3 người (2 vợ chồng và con) đã bị chìm tại khu vực đảo Vân Đồn. Địa phương tổ chức cứu hộ được một người (con trai), hai người còn lại vẫn mất tích.

Ngoài ra có hai tàu du lịch với 7 người bị đứt dây neo cũng đã được cứu hộ toàn bộ người trên tàu.

Hiện các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, đồng thời kiểm tra, rà soát, tổng hợp thiệt hại cụ thể.

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, thống kê sơ bộ đến 16 giờ ngày 29/10, bão số 8 đã làm ba người chết, trong đó có hai người ở Nam Định bị chết do nhà sập và tai nạn trên sông, một người tại Nghệ An bị ngã khi chằng chống nhà cửa; ba người mất tích (Quảng Ninh: hai người, Nghệ An: một người) và 13 người bị thương ở Hải Phòng, Nam Định và Hà Tĩnh. /.

Thanh Tuấn-Minh Huệ (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục