Dự báo thế giới 2021: Thị trường chứng khoán tăng hay giảm?

Năm 2021 thị trường sẽ diễn ra theo kịch bản tương tự như năm 2020, với các chính sách tiền tệ và tài khóa hào phóng chứng minh cho sự lạc quan hơn nữa về các cổ phiếu.
Dự báo thế giới 2021: Thị trường chứng khoán tăng hay giảm? ảnh 1Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng project-syndicate.org, trong hai bài bình luận trước đây của tác giả Jim O’Neill, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh và hiện là Chủ tịch Viện Các vấn đề Quốc tế Hoàng gia (Chatham House), về thị trường chứng khoán vào năm 2020, ông đã đưa ra một triển vọng lạc quan về các sự kiện sẽ diễn ra.

Mọi thứ đã gần như diễn ra như tác giả dự đoán, do chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng đáng kể và sự xuất hiện kịp thời của các loại vắcxin có khả năng chấm dứt đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19).

Chúng ta có thể mong đợi điều gì vào năm 2021? Về mặt tích cực, năm 2021 sẽ diễn ra theo kịch bản tương tự như năm 2020, với các chính sách tiền tệ và tài khóa hào phóng chứng minh cho sự lạc quan hơn nữa về các cổ phiếu.

Thị trường giá lên (bull market) thường chỉ kết thúc khi có một số yếu tố hoặc lực lượng mới can thiệp. Hơn nữa, những bình luận gần đây từ các nhà hoạch định chính sách dường như cho thấy rằng các chính sách hỗ trợ tài chính “hào phóng” hơn đang được thực hiện, đặc biệt là ở Mỹ.

Hiện cũng có nhiều khả năng Tổng thống đắc cử Joe Biden, một khi nhậm chức, sẽ kêu gọi một cuộc họp đặc biệt của nhóm G20 để chứng minh rằng “Nước Mỹ đã trở lại.”

Điều quan trọng nhất đối với các thị trường là sự trở lại của chủ nghĩa đa phương có thể khiến chính phủ của các nền kinh tế hàng đầu đang làm mọi cách để thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch.

Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình, các hệ thống y tế cần được khẩn trương đầu tư để chuẩn bị cho mối “đe dọa sinh học” tiếp theo.

[Thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt chìm vào sắc đỏ]

Tương tự, với sự thay đổi trong ban lãnh đạo Mỹ, chúng ta có thể mong đợi sự hợp tác quốc tế nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và trong nhiệm vụ phát triển và triển khai các dạng năng lượng mới sạch hơn.

Thay vì làm giảm tiến độ về vấn đề quan trọng này, đại dịch dường như đã tạo ra một cảm giác cấp bách mới.

Cuối cùng, sau các tin tức khả quan cho đến nay về vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca/Đại học Oxford, nhiều khả năng sẽ có thêm các vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả hơn sẽ được phê duyệt vào năm 2021, cho phép việc tiêm chủng mở rộng diễn ra trong năm 2021.

Cùng với tác động qua lại của sự phục hồi kinh tế theo chu kỳ mạnh hơn, các yếu tố tích cực này cho thấy thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng giá cho đến khi một số sự gián đoạn khác xảy ra.

Vậy, có những yếu tố nào sẽ dẫn tới thị trường giá xuống (bear market)? Thực tế là giá cổ phiếu không hề rẻ, đặc biệt là ở Mỹ. Mặc dù bản thân việc định giá cao không bao giờ là nguyên nhân cho sự đảo ngược xu hướng, nhưng nó chắc chắn cung cấp một lý do khiến bạn phải thận trọng. Nếu và khi sự đảo chiều xảy ra, giá cổ phiếu tại các thị trường đắt đỏ có thể giảm nhanh.

Hơn nữa, ba yếu tố có liên quan lẫn nhau có thể tác động đến điều này. Đầu tiên, với việc tiêm vắcxin COVID-19 đang được tiến hành ở Anh và sắp tới ở mọi nơi khác, các nhà đầu tư có thể chuyển từ cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu trong các lĩnh vực phục vụ việc “ở nhà” sang các cổ phiếu của ngành nghề khác trên thị trường.

Thứ hai, hiện có nhiều lý do hơn để nghĩ rằng vị trí dẫn đầu của các cổ phiếu công nghệ có thể sớm biến mất. Điều đó phần lớn sẽ phụ thuộc vào mức độ các cơ quan quản lý chuẩn bị xử lý tình trạng độc quyền của các gã khổng lồ công nghệ lớn (Big Tech).

Thứ ba, một sự phục hồi mạnh mẽ theo chu kỳ đến một lúc nào đó sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách xem xét lại và có khả năng thắt chặt các chính sách tài khóa và tiền tệ.

Hiện không có thông tin về thời điểm khi nào nó có thể xảy ra, nhưng một yếu tố có thể thu hẹp các lựa chọn của các nhà hoạch định chính sách là lạm phát quay trở lại bất ngờ.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng các nền kinh tế tiên tiến đã liên tục vượt quá các mục tiêu lạm phát hàng năm, khiến các nhà lập mô hình và dự báo phải điều chỉnh các dự đoán của họ. Bất chấp tình trạng mất việc làm gần đây, tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức thấp đến mức người ta có thể cho rằng nó đã tạo ra lạm phát cao hơn những năm trước, nhưng thực tế đã không xảy ra.

Tất nhiên, việc thị trường giảm giá cũng báo hiệu nhiều mối đe dọa tiềm tàng khác, từ bùng phát xung đột quân sự trên khắp thế giới cho đến các vấn đề tại khu vực đồng euro và bất ổn mới liên quan đến Trung Quốc.

Hiện có một sự khác biệt lớn giữa việc có được vắcxin hiệu quả và tiêm chủng đủ tỷ lệ cho dân số toàn cầu. Chúng ta sẽ phải xem liệu các quốc gia không triển khai hệ thống xét nghiệm và truy tìm nguồn gốc COVID-19 có thể làm tốt hơn trong việc phân phối vắcxin một cách có trật tự hay không.

Cuối cùng, đó là vấn đề về đồng USD. Tác giả Jim O’Neill cho rằng đồng USD sẽ lên xuống thất thường, nhưng có nhiều khả năng giảm giá hơn, nếu xét tới những động lực trong những tháng gần đây.

Nếu vậy, các thị trường hàng hóa có thể tăng và điều đó có thể duy trì vị trí dẫn đầu của các thị trường ngoài Mỹ, đặc biệt là các thị trường mới nổi.

Nhìn chung, tác giả Jim O’Neill dự đoán thị trường cổ phiếu sẽ tăng giá trong năm 2021. Nhưng ngay cả khi tác giả đưa ra dự báo đúng đi chăng nữa, năm 2021 vẫn hứa hẹn là một năm buồn tẻ đối với các nhà đầu tư cổ phiếu - hay bất kỳ ai khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục