Dự đoán đường hướng chính sách đối ngoại của Iran trong “thời đại mới”

Tổng thống Raisi còn nhiều vấn đề khác cần giải quyết, bao gồm các mối quan hệ rộng lớn hơn của Iran ở Trung Đông và cách nước này đối phó với các cường quốc khác trên thế giới, như Nga và Trung Quốc.
Dự đoán đường hướng chính sách đối ngoại của Iran trong “thời đại mới” ảnh 1Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Tehran. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi sẽ có rất nhiều vấn đề phải giải quyết sau khi chính thức nhậm chức, từ những nguy cơ sau vụ tấn công một tàu chở dầu có liên quan đến Israel bằng máy bay không người lái, mà Mỹ và Israel tin rằng do Iran đứng sau, cho tới quyết định xem có nên tiếp tục các cuộc đàm phán để đưa Mỹ quay trở lại Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) hay không.

Dù việc đưa JCPOA trở lại có thể sẽ đòi hỏi nhiều sự chú ý trong những tuần đầu tiên của ông Raisi, nhưng điều quan trọng là không nên coi chính sách đối ngoại của Iran chỉ là cuộc đối đầu giữa Tehran và Washington.

Tổng thống Raisi còn nhiều vấn đề khác cần giải quyết, bao gồm các mối quan hệ rộng lớn hơn của Iran ở Trung Đông và cách nước này đối phó với các cường quốc khác trên thế giới, như Nga và Trung Quốc.

Quan hệ vùng Vịnh gập ghềnh

Một trong những điều mà ông Raisi quan tâm là vị thế rộng lớn hơn của Iran ở Trung Đông. Nhiều khả năng ông sẽ tiếp tục cuộc đối thoại của người tiền nhiệm với Saudi Arabia, vốn đã khởi động từ đầu năm nay.

Trên thực tế, các cuộc đàm phán được cho là phù hợp với Iran hơn là Saudi Arabia. Riyadh đang ở thế yếu hơn. Dù là những đồng minh quan trọng của Mỹ, song Riyadh không có mối quan hệ thân thiết với chính quyền Joe Biden như với người tiền nhiệm Donald Trump. Quốc gia này cũng gặp rủi ro từ việc Mỹ được cho là đã "xoay trục" khỏi Trung Đông, đồng nghĩa với việc có thể Mỹ sẽ ít tham gia hơn vào các vấn đề an ninh khu vực.

Hơn thế nữa, dù muốn, Tổng thống Raisi cũng không thể đem đến cho Saudi Arabia nhiều như họ kỳ vọng. Lấy ví dụ tại Yemen, Iran không có nhiều ảnh hưởng đủ để hạ nhiệt các thách thức mà lực lượng Houthi chống chính phủ đặt ra đối với chiến dịch can thiệp quân sự của Saudi Arabia.

Không giống như các lực lượng dân quân khác, như Hezbollah ở Liban, nơi nhận nguồn tài chính và hỗ trợ chính yếu từ Iran, những viện trợ mà Tehran dành cho Houthi ở mức giới hạn hơn, do Houthi ít phụ thuộc hơn vào Iran và có thể thực hiện quyền tự chủ lớn hơn trong chiến lược quân sự và chính trị chống lại Riyadh.

Ngoài Saudi Arabia, ông Raisi sẽ đối mặt với cả cơ hội và thách thức ở vùng Vịnh. Nếu người Mỹ nghiêm túc về việc rút khỏi khu vực, chính sách sẽ chỉ càng nâng cao vị thế hiện tại của Iran tại Iraq.

[Tân Tổng thống Iran: Chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình]

Tehran đã tài trợ cho một số lực lượng chính trị và dân quân tại quốc gia này và xu hướng ấy có thể tiếp diễn dưới thời Raisi, nhất là bởi lựa chọn khác - một Iraq đầy biến động, trong đó căng thẳng giữa các tầng lớp chính trị và xã hội leo thang và không có bất kỳ ảnh hưởng nào từ Iran - không phải là điều mà Tehran muốn diễn ra ở sát sườn lãnh thổ của mình.

Tân Tổng thống Raisi cũng sẽ cần điều hướng tiến trình hòa giải rõ ràng giữa các chế độ quân chủ vùng Vịnh Arab. Những mâu thuẫn năm 2017 giữa Saudi Arabia, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain với Qatar trớ trêu thay lại càng củng cố mối quan hệ của Iran với Qatar, bởi việc bị nhiều nước tẩy chay buộc Doha phải hướng về Tehran để trao đổi thương mại.

Tranh chấp kết thúc ngay trước lễ nhậm chức của ông Biden và Qatar không nhượng bộ các yêu cầu của Saudi Arabia cũng như UAE. Tuy nhiên, giờ đây việc bình thường quan hệ dường như đã trở thành chuyện thường, làm dấy lên câu hỏi rằng liệu ảnh hưởng của Iran ở Qatar và vùng Vịnh sẽ duy trì hay giảm sút?

Xa hơn nữa, Raisi sẽ phải sớm đối mặt với hồi kết của cuộc nội chiến Syria. Iran là quốc gia ủng hộ chế độ Bashar al-Assad ngay từ những ngày đầu cuộc nổi dậy năm 2011.

Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia ở phía bên kia chiến tuyến và ủng hộ các nhóm đối lập chủ chốt ở phía bắc đất nước, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý cuộc xung đột thông qua Tiến trình Astana. Tuy nhiên, khi cuộc chiến có vẻ đang hạ nhiệt, rạn nứt bắt đầu lộ rõ.

Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Iran ở các khu vực do chính quyền Assad kiểm soát khi cả hai cùng tìm cách xác định vị thế của mình để thúc đẩy các cơ hội mở cửa thương mại trong quá trình tái thiết của Syria thời hậu chiến. Kiểm soát những mâu thuẫn này sẽ là một thách thức đối với ông Raisi, bởi ông chắc chắn muốn đảm bảo việc theo đuổi các lợi ích tai đây không ảnh hưởng tới mối quan hệ với Nga tại các khu vực khác và ở cả trong những hồ sơ khác nhau, như hợp tác an ninh và cơ hội kinh tế trong nước.

Nền ngoại giao cứng rắn

Theo dw.com, giới quan sát cho rằng Thứ trưởng Tư pháp Aki Bagheri Kani sẽ được bổ nhiệm làm ngoại trưởng Iran. Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Raisi, Thứ trưởng Bagheri Kani được cử đến làm việc tại Bộ Ngoại giao, và trong những tuần gần đây, ông liên tục có mặt tại các cuộc họp của Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Zarif.

Ông Bagheri Kani không xa lạ với Bộ Ngoại giao. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, ông Kani từng là cấp phó của chuyên gia chính sách đối ngoại Said Jalili. Ông Jalili, lần lượt là thứ trưởng ngoại giao và trưởng đoàn đàm phán của Iran trong các cuộc đàm phán hạt nhân không thành với Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2007 đến năm 2013.

Mãi đến khi Tổng thống ôn hòa Rouhani nhậm chức, các cuộc đàm phán mới có chuyển biến và cả hai bên đã đạt được thỏa thuận vào năm 2015, sự kiện sau đó chứng kiến Jalili gay gắt chỉ trích chính phủ của Rouhani vì đã nhượng bộ quá nhiều. Ông Bagheri Kani cũng là một trong số những quan chức chỉ trích thỏa thuận hạt nhân. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng khó có thể trông đợi sự mềm dẻo về mặt ngoại giao từ nhân vật này.

Dự đoán đường hướng chính sách đối ngoại của Iran trong “thời đại mới” ảnh 2Ông Bagheri Kani. (Nguồn: tehrantimes.com)

Ông Bagheri Kani từng theo học kinh tế tại trường Đại học Imam Sadgh của Tehran, một trường cao đẳng Hồi giáo tư thục, nơi sinh viên được lựa chọn nghiêm ngặt theo các tiêu chí tôn giáo. Những tín đồ trung thành với hệ tư tưởng tôn giáo được đào tạo tại đây để sau này nắm giữ các chức vụ quan trọng với tư cách là đại diện của giới bảo thủ.

Trang mạng israelhayom.com dẫn lời Giám đốc Trung tâm Moshe Dayan về Nghiên cứu Trung Đông và Châu Phi tại Đại học Tel Aviv - Uzi Rabi, nói rằng việc Raisi nắm quyền và các cuộc tấn công gần đây của Iran cho thấy "một xu hướng mới trên bàn cờ địa chính trị của Iran." Giám đốc Rabi lưu ý rằng với việc Mỹ rút lui khỏi Trung Đông, Tehran có thể khu vực này là một "đấu trường thoải mái" mà ở đó họ có thể "đóng một vai trò bá chủ."

Theo ông, “Israel đã được thử nghiệm," và “nhận được thông điệp." Theo Behnam Ben Taleblu, thành viên cấp cao của Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới nhất của Iran trên biển là một phần của "cuộc chiến ngầm quy mô hơn" giữa Iran và Israel.

Ben Taleblu nói thêm rằng Israel "có khả năng sẽ âm thầm đáp trả” Iran, và sớm trả đũa nước Cộng hòa Hồi giáo để chứng minh rằng những hành động răn đe này là không hiệu quả.

Về Tổng thống Raisi, Ben Taleblu cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông "là một phép ẩn dụ cho việc Iran đang trở nên thoải mái với leo thang các hành vi gây hấn của mình." Lãnh tụ tối cao Khamenei là người ra quyết định cuối cùng về mọi vấn đề của nhà nước, song Raisi sẽ bổ sung quan điểm cực kỳ bảo thủ và ảnh hưởng của mình đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước. Bản thân Raisi cũng được nhiều người xem là người kế vị tiềm năng cho Khamenei.

Nhân quyền “giậm chân tại chỗ”

Hãng tin DW cho rằng mặt trận nhân quyền và dân sự dưới thời Tổng thống Raisi có thể sẽ được cải thiện. Các nhà hoạt động, giới chỉ trích cùng các tổ chức phi chính phủ, những người quan tâm tới các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế và môi trường, cùng nhiều lực lượng khác sẽ tiếp tục đối mặt với các mối đe dọa về cuộc sống và tự do.

Giới chức Iran thường nhanh chóng bịt miệng những lực lượng bất đồng bằng cách kìm hãm các hoạt động của họ và bỏ tù các nhà hoạt động. Khi ông Raisi trên cương vị người đứng đầu cơ quan tư pháp, áp lực đối với các nhà môi trường và hoạt động xã hội dân sự đã không ngừng gia tăng. Sự độc lập của các tổ chức phi chính phủ cùng mạng lưới rộng khắp và ảnh hưởng của họ đối với các tầng lớp thiệt thòi bị gạt ra ngoài lề xã hội là một cái gai đối với lực lượng cứng rắn ở Iran.

Nhà hoạt động nhân quyền và phụ nữ làm việc tại Tehran, Narges Mohammadi nói với DW: “Ông Raisi không có uy tín trong xã hội dân sự... Đa số cử tri không muốn Raisi làm tổng thống bởi họ biết về vai trò quan trọng của ông trong các vụ vi phạm nhân quyền lớn trong suốt 4 thập kỷ qua… Tình hình nhân quyền ở Iran chắc chắn sẽ là một thách thức lớn đối với Raisi và chính phủ của ông ấy... Nhiều người Iran không hài lòng và tức giận. Họ sẽ lại tụ tập trên đường phố. Không khó để đoán chính phủ sẽ giải quyết việc này như thế nào. Tôi không nghĩ ông Raisi sẽ cấp cho chúng tôi các quyền công dân, vốn được ghi trong Hiến pháp của đất nước như quyền hội họp hòa bình hoặc thành lập các tổ chức phi chính phủ. Ông ta và bộ sậu không hiểu gì về nhân quyền hoặc đối thoại với xã hội dân sự”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục