Dự kiến sẽ có 70.000 người xem lễ hội pháo hoa

Dự kiến trên dưới 70.000 khán giả sẽ nêm chặt những vị trí đắc địa để chờ xem đêm pháo hoa diễn ra vào tối nay tại thành phố Đà Nẵng.
Tối nay (27/3), ở Đà Nẵng, mọi con đường đều đổ về sông Hàn. Dự kiến trên dưới 70.000 khán giả sẽ nêm chặt những vị trí đắc địa trên đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, đường 3-2 và trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Ngày hôm qua, các hàng quán đẹp hơn, không khí khẩn trương tất tả đua tranh hơn. Qua cầu sông Hàn, rẽ theo đường Ngô Quyền, nhìn sang hai bên người dân đã lấy dây khoanh khu vực “đánh dấu chủ quyền.” Nơi đó sẽ là những bãi giữ xe lý tưởng trong hai đêm. Các hãng du lịch lớn cũng coi đây là cơ hội vàng để tăng thu nhập.

Trong cuộc họp mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã quyết liệt chỉ đạo không để xảy ra tình trạng ép giá.

Đầu tư trên 24 tỷ đồng cho lễ hội này, với sự huy động tổng lực về vật chất và công sức của nhiều doanh nghiệp, cơ quan ban ngành, Đà Nẵng quyết tâm nâng tầm thương hiệu thành phố bên con sông Hàn thơ mộng ở mọi lĩnh vực.

Các nhạc sĩ Đà Nẵng (Nhóm nhạc Hoa Xương Rồng) viết giao hưởng cho đội chủ nhà Việt Nam.

Dọc đường Bạch Đằng, 200 bức tượng đá của hai cơ sở điêu khắc đá nổi tiếng Đà Nẵng là Tiến Hiếu và Nguyễn Hùng rời Ngũ Hành Sơn để cho du khách chiêm ngưỡng, để hiểu thêm tài hoa của các nghệ nhân làng đá Non Nước. Cũng tại tuyến đường này, ban tổ chức còn cho trưng bày hàng trăm sinh vật cảnh cùng nghệ thuật hoa viên. Sự kết hợp giữa đá và hoa sẽ tạo nên nét cuốn hút mới lạ với du khách và người dân.

Lễ hội đình làng Hải Châu sẽ đưa du khách về một nét văn hóa làng của Đà Nẵng cổ sơ. Du khách còn được khám phá nhiều nét mới lạ, độc đáo của phố biển Đà Nẵng thông qua các tour, tuyến du lịch Bà Nà - Núi Chúa, lặn biển, thăm bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành... hay ngắm nhìn 25.000 hoa đăng thả trong đêm nay và tối mai.

Các đội sẽ “bắn” như thế nào?  

Với chủ đề "Huyền thoại sông Hàn," đội chủ nhà Việt Nam sẽ trình diễn năm phần.

Phần 1 - Nơi rồng về khai hoa: Trên nền biển xanh bao la, đất trời cao rộng, rồng vàng xuất hiện đầy ấn tượng và uy nghi, vừa rực rỡ vừa biểu hiện một sức mạnh vô song. Tiên nữ với nhan sắc tuyệt trần xuất hiện. Rồng vàng trở về biển cả và để lại một dòng sông hiền hòa, mênh mang, xanh biếc.

Phần 2 - Sông Hàn thanh xuân: Dòng sông êm đềm, giọng hò, tiếng hát và nhịp đời lao động âm vang... Niềm vui của con người khi tìm được vùng đất mới, vùng đất lành, bình yên và trù phú với dòng sông như dòng sữa mẹ tràn đầy...

Phần 3 - Sông Hàn nỗi đau chiến tranh: Đêm đen bao trùm lên thân phận con người, gieo rắc tang tóc trên dòng sông thân yêu. Nước mắt và máu, chia ly và đau thương, nhưng trong sâu thẳm của dòng sông Hàn và người Đà Nẵng vẫn tồn tại một tình yêu thủy chung, một niềm tin bất diệt vào ngày mai.

Phần 4 - Sông Hàn dậy sóng: Tái hiện hình ảnh cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Tiếng súng, tiếng mìn, tiếng hô xung phong vang dậy, lửa cháy ngút trời, dòng sông dậy sóng... Khí thế tiến công thần tốc và quyết liệt...

Phần 5 - Sông Hàn tình yêu và khát vọng: Nhịp điệu cuộc sống của thành phố Đà Nẵng rộng mở, nồng nàn và đầy khát vọng. Một thành phố trẻ trung, năng động, đầy sức sống, đang vươn tới tương lai tươi sáng.

Màn biểu diễn của đội Glupo Luso Pirotecnia - Bồ Đào Nha với tiêu đề "Rồng và lửa - Nơi truyền thuyết khai sinh" kéo dài trong 30 phút. Người xem được trở về thời điểm khi truyền thuyết về rồng và tiên bao trùm cả đất trời.

Đội Tamaya Kitahara - Nhật Bản sẽ biểu diễn trong vòng 24 phút 30 giây với “gam màu” chủ đạo là kịch nô và hoa anh đào./.
 
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục