Du lịch năm 2012: Khởi động lộ trình đầy tham vọng

Du lịch VN vừa trải qua một năm sôi động vừa đủ để kết thúc chặng đường 10 năm phát triển, bước vào chiến lược mới với nhiều mục tiêu đột phá.
Du lịch Việt Nam đã trải qua một năm với nhiều “hỉ, nộ, ái, ố.” Sự sôi động ấy là một kết thúc vừa đủ cho chặng đường 10 năm phát triển của ngành, trước khi bước vào Chiến lược mới sẽ chính thức khởi động từ năm 2012.

Và, chặng đường mới của ngành Du lịch đã được đánh dấu bằng sự kiện công bố logo và slogan mới vào ngày 27/12, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

{Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận: Slogan mới cho du lịch}

Nhân sự kiện "trọng đại" này của ngành, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những bước đi trong lộ trình đầy tham vọng đó.

Tạo đột phá từ marketing thương hiệu…

- Xin ông cho biết lộ trình quảng bá logo và slogan mới của ngành trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Chúng tôi sẽ cùng các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm xây dựng kế hoạch marketing cho việc phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam nói chung và cho logo, slogan mới của ngành nói riêng. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm và một trong những hoạt động mang tính chất đột phá của năm 2012 và những năm tiếp theo.

Đây là công việc đòi hỏi phải thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp. Chủ trương, định hướng là vậy, còn việc xây dựng cụ thể như thế nào thì chúng tôi sẽ dần triển khai và sẽ công bố sau.

- Không thể phủ nhận thương hiệu du lịch Việt đã dần khẳng định được vị thế của mình, bằng chứng là trong năm qua đã có rất nhiều “sao” nổi tiếng thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã lần lượt ghé thăm Việt Nam. Vậy tại sao ngành Du lịch không tranh thủ những cơ hội đó để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với năm châu, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Tôi cho rằng đây là một vấn đề rất hay. Nhưng thực tế, chúng tôi chưa có nhiều kinh nghiệm để thực hiện công việc này. Tuy nhiên, chúng tôi không đứng ngoài cuộc mà cũng đã có ý kiến với các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh… tiếp cận với các nhân vật này và thông tin với truyền thông những tin tức liên quan tới hoạt động của họ ở Việt Nam.

Với tần suất các nhân vật nổi tiếng thế giới đến Việt Nam du lịch ngày càng nhiều như thời gian vừa qua, chúng tôi sẽ nghiên cứu để có cách truyền thông, quảng bá ra báo chí nước ngoài sao cho hiệu quả. Về vấn đề này, chúng tôi đang tiếp tục học hỏi, suy nghĩ và nghiên cứu xem làm cách nào cho hiệu quả.

…Đến chất lượng dịch vụ

- Với công việc mới mẻ như vậy hẳn ngành Du lịch Việt Nam sẽ cần thêm thời gian cũng như cơ hôi để “tập dượt.” Nhưng với công việc thiết thực hơn, xin ông cho biết, trong năm 2012, ngành xác định sẽ hướng tới những điểm nhấn quan trọng nào?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Khó khăn, thách thức sẽ còn rất nhiều trong năm 2012. Hơn nữa, Du lịch lại là lĩnh vực rất nhạy cảm trong bối cảnh thế giới và trong nước luôn tiềm ẩn những yếu tố bất thường mà chúng ta không thể dự báo trước.

Tuy nhiên, những yếu tố thuận lợi cơ bản thì chúng ta cũng đã tạo dựng được trong thời gian qua. Đặc biệt, sự kiện Vịnh Hạ Long được sơ bộ công nhận là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới sẽ tạo một động lực cho ngành thu hút khách du lịch đến với Hạ Long.

Nếu như một khách du lịch đến Vịnh Hạ Long chỉ lưu trú ở đó một, hai ngày thì họ sẽ bỏ ra từ năm đến bảy ngày đến các điểm đến khác. Vì thế, chúng ta sẽ tận dụng cơ hội này quảng bá không chỉ cho Hạ Long mà cho cả du lịch Việt Nam. Do vậy, có thể nói đây sẽ là một yếu tố tạo ra sự đột phá cho du lịch năm 2012.

Theo cách tiếp cận đó, chúng tôi đã báo cáo với Bộ Trưởng và đề xuất năm kế hoạch công tác của ngành Du lịch năm 2012. Thứ nhất là sẽ phấn đấu để đạt được ít nhất 6,5-6,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ khoảng 32 triệu lượt khách du lịch nội địa, thu nhập từ du lịch đạt khoảng 150 ngàn tỷ đồng.

Thứ hai, 2012 là năm ngành sẽ chính thức triển khai, phổ biến và thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và Triển khai quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, đồng thời xây dựng một loạt các quy hoạch phát triển vùng, đặc biệt là bảy vùng du lịch trọng điểm.

Thứ ba, ngành Du lịch sẽ tập trung thực hiện thành công các chương trình, hoạt động của Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ-Huế 2012 với chủ đề “Du lịch di sản” và rút kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế bộc lộ từ việc tổ chức các năm du lịch trước đây.

Thứ tư, ngành du lịch sẽ tiếp tục đột phá vào vấn đề tăng cường quản lý điểm đến thông qua việc kiểm soát chất lượng dịch vụ và quản lý môi trường du lịch. Đây cũng chính là một trong những điểm yếu, hạn chế bộc lộ từ 2011 và những năm trước.

Thứ năm, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến ở trong nước và nước ngoài, các hoạt động về nghiệp vụ vẫn được duy trì theo yêu cầu đặt ra.

- Để có được định hướng này, ngành Du lịch đã phải rút ra từ những bài học nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuấn:
Chúng tôi cho rằng, bài học mà Du lịch Việt Nam rút ra được từ thực hiện Chiến lược trong 10 năm qua, đó là việc xác định hiệu quả về kinh tế xã hội mới là mục tiêu cuối cùng. Thứ hai, doanh nghiệp chính là động lực để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Thứ ba, liên kết sẽ là một phương châm xuyên suốt. Thứ tư, lấy việc xây dựng sản phẩm và quảng bá thương hiệu làm yếu tố đột phá.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

ChiLê ghi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục