Du lịch Thừa Thiên-Huế sôi động trước thềm Xuân

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài những ngày đầu năm mới hết sức nhộn nhịp. Nhiều phòng khách sạn ở Thừa Thiên-Huế dịp Tết kín chỗ.
Du lịch Thừa Thiên-Huế sôi động trước thềm Xuân ảnh 1Bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh trao viện trợ trùng tu các án thờ tại Triệu Tổ Miếu. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Ấn tượng ngày đầu năm mới của bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh khi đến thăm Cố đô Huế là phong cảnh Huế thật đẹp, lãng mạn; mọi người hết sức niềm nở, gần gũi, thân thiện và mến khách.

Đây cũng là lần đầu tiên bà Rena Bitter đến Huế, khởi đầu cho một nhiệm kỳ làm Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Rena Bitter đến Huế để thực hiện việc trao khoản viện trợ từ Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế trùng tu ba án thờ có niên đại đầu của triều Nguyễn.

Khoản viện trợ 29.084 USD bước đầu đã thể hiện sự quan tâm từ phía Hoa Kỳ đối với nền văn hóa của Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên-Huế nói riêng.

Sự hỗ trợ nguồn Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ cho di tích Huế sẽ góp phần thu hút du khách trên thế giới tìm hiểu về lịch sử cố đô ngày càng đông hơn, thúc đẩy kinh tế xã hội Thừa Thiên-Huế phát triển, bà Rena Bitter cho biết.

Năm 2014, Thừa Thiên-Huế phấn đấu đón khoảng 2,8-3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt từ 1,2-1,3 triệu lượt, khách nội địa đạt 1,7-1,8 triệu lượt; khách lưu trú đạt 2 triệu lượt.

Cảng hàng không quốc tế Phú Bài trong những ngày đầu năm mới hết sức nhộn nhịp. Trên chuyến bay VN1541 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bay từ thủ đô Hà Nội và hạ cánh tại sân bay quốc tế Phú Bài vào ngày 22/1, hành khách Đặng Thị Mỹ Ngọc cho biết, cô phải đặt vé từ rất sớm trước cả tháng mới có chuyến bay về Huế. Trong khi, cảng hàng không Phú Bài đã tăng tối đa các chuyến bay dịp Tết.

Theo kế hoạch, các hãng hàng không Vietnam Airlines và VietJet Air trong những ngày cao điểm từ ngày 22 tháng Chạp năm Quý Tỵ 2013 đến mồng 9 tháng Chạp năm Giáp Ngọ 2014, các hãng đã tăng chuyến bay hàng ngày, từ 13-14 chuyến/ngày lên 16-17 chuyến/ngày.

Đặc biệt ngày 30 Tết, mồng 1, mồng 2, mồng 3 Tết, mỗi ngày sân bay Phú Bài đón 17 chuyến bay cất hạ cánh nhằm phục vụ hành khách về quê dịp Tết, trong đó chặng bay Sài Gòn-Huế được ưu tiên tăng nhiều chuyến nhất.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển của hành khách, VietJet Air có thêm dịch vụ vận chuyển hoa đào, hoa mai trên các chuyến bay Tết. Các lực lượng an ninh, trật tự tại nhà ga, bến cảng được tăng cường tối đa nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho các chuyến bay và hành khách.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 526 cơ sở lưu trú, với khoảng 10.000 buồng, phòng ngủ. Theo thống kê sơ bộ của ngành du lịch, từ 28 đến Mồng 7 Tết âm lịch Giáp Ngọ, đã có hơn 60.000 khách du lịch đăng ký lưu trú, trong đó có hơn 40.000 khách quốc tế.

Ở một số thời điểm như ngày 30 đến Mồng 2 tết âm lịch, các khách sạn hàng sang, từ 4-5 sao công suất sử dụng buồng, phòng đạt hơn 90%. Cá biệt như khu du lịch Laguna Lăng Cô khách đã đặt kín chỗ.

Nhằm tạo sân chơi cho khách du lịch trong những ngày tế cổ truyền, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chuẩn bị các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Ngọ; trong đó, dịp Tết cổ truyền dân tộc sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi khắp nơi trên 9 huyện, thị, thành phố Huế như Hội Hoa Xuân, Lễ hội đu tiên, Lễ hội Cầu ngư, các buổi triển lãm tranh...kết hợp với bắn pháo hoa được tổ chức tại Kỳ Đài Huế và thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang vào đêm Giao thừa.

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tăng cường 21 điểm phục vụ tại các địa điểm tham quan của di tích, bao gồm Đại Nội, lăng Minh Mạng, Từ Đức, Khải Định... với các dịch vụ như hướng dẫn, thuyết minh; biểu diễn nghệ thuật cung đình Huế; Bán hàng và chụp ảnh lưu niệm; dịch vụ xe điện đưa đón khách; dịch vụ đi xe ngựa; ngự thuyền khám phá sông Hương; dịch vụ ẩm thực cung đình Huế và thưởng thức biểu diễn nghệ thuật.

Theo hiệp hội du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, để khai thác tốt hơn hệ thống di tích Cố đô Huế, nhất là các loại hình dịch vụ trong di tích, ngoài sự đầu tư của nhà nước, cần phải huy động hợp lý nguồn lực từ bên ngoài.

Quan trọng là phát huy tiềm năng, thế mạnh của di sản để phục vụ khách du lịch; địa phương và các doanh nghiệp du lịch ,cùng hợp tác và đồng hành với di tích nhằm phát huy giá trị di sản; đồng thời tôn vinh và bảo vệ bền vững giá trị di sản.

Sự kiện có ý nghĩa trong khai thác và phát huy hệ thống di tích Cố đô Huế là việc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức 3 đợt "Tuần lễ Vàng du lịch tại Di sản Huế", và kết thúc tuần lễ cuối cùng trong năm vào 30/12 bằng sự kiện trao thưởng cho bà YOSHIMI MUTO đến từ Nhật Bản, là du khách thứ 2 triệu tham quan di sản Huế; quà tặng cho du khách thứ 1.999.999 và 2.000.100 được trao cho ông COLIN TAPP quốc tịch Anh, và cô Nguyễn Thị Thu Thanh đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, theo các mức thưởng theo công bố của chương trình kích cầu du lịch.

Thành thông lệ, trong các ngày Tết cổ truyền của dân tộc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ miễn vé tham quan tại các địa điểm như Đại Nội, cung An Định và các lăng vua (thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế) trong các ngày từ mồng 1-3 Tết Giáp Ngọ để phục vụ nhân dân và du khách.

Tại Đại Nội, Huế, ngoài việc mở cửa miễn phí trong 3 ngày Tết cổ truyền dân tộc, đây còn là điểm kết hợp tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ và các trò chơi dân gian khác tại quảng trường Ngọ Môn để thu hút người dân trong vùng và du khách đến tham quan.

Chủ trương miễn vé tham quan di tích của tỉnh Thừa Thiên-Huế trong các ngày Tết Âm lịch đã nhận được sự đồng thuận và phấn khởi từ phía người dân và được tiếp tục duy trì hàng năm. Đây cũng là hoạt động nhằm nâng cao ý thức và xây dựng mạng lưới cộng đồng hỗ trợ bảo tồn di sản Huế, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục