Du lịch và làm tình nguyện viên tại Xứ sở phù tang

Du khách Việt kiêm tình nguyện viên khi đến Sendai đã giúp người dân dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, giúp người cao tuổi chuẩn bị bữa ăn...
Tham gia hành trình “Một ngày làm tình nguyện viên tại Sendai,” anh Lâm Tứ Khôi ở quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh và những người bạn của anh đã có những trải nghiệm vô cùng quý giá và ý nghĩa ở đất nước vừa gượng dậy sau thảm họa kép động đất và sóng thần.

Sendai nằm cách khá xa nhà máy điện Fukushima (hơn 65km) vốn là trung tâm kinh tế-văn hóa của tỉnh Miyagi. Đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của động đất và sóng thần hôm 11/3.

Hiện nay, tuyến đường bộ từ Tokyo đến Sendai đã được phục hồi cơ bản. Các chuyến xe chở hàng cứu trợ cùng đoàn tình nguyện viên đang tấp nập hướng về Sendai ngày đêm.

VietnamPlus xin ghi lại câu chuyện của anh Khôi trong chuyến đi làm tình nguyện viên ở xứ sở phù tang.

Tiết kiệm là quốc sách

Đất nước Nhật Bản kiên cường đón chúng tôi bằng ánh nắng chan hòa lúc 8 giờ sáng. Giữa cái nắng tháng Sáu ấy, cuộc sống ở Tokyo trông bề ngoài vẫn không khác mấy thời điểm trước thảm họa, chỉ khác chăng là ý thức tiết kiệm năng lượng triệt để của người dân.

Đến đây, chúng tôi đã chứng kiến cảnh nhiều người nước ngoài hối hả trở lại để chung tay cùng người Nhật tái thiết đất nước. Thật dễ dàng bắt gặp những dòng xe chở đoàn tình nguyện viên đến Sendai dù thành phố một triệu dân này không phải chịu dư chấn nặng nề từ vụ rò rỉ nhà máy điện hạt nhân do may mắn nằm cách xa. Tuy nhiên, động đất đã để lại khung cảnh hoang tàn lên khắp các công trình công cộng, hải cảng, sân bay, nhà dân... nơi đây.

Khẩu hiệu “Tiết kiệm là quốc sách” cũng như tinh thần tiết kiệm đó đã, đang và sẽ luôn là thói quen hàng ngày của người Nhật. Những tòa nhà cao tầng mở bung cửa sổ đón gió mát để tắt máy điều hòa, những công chức nhà nước mặc sơ mi không cà vạt, những dòng người kiên nhẫn xếp hàng chờ tàu điện thay cho xe hơi cá nhân, cây cầu Rainbow (Cầu Vồng) chìm trong bóng tối và chỉ nhấp nháy vài hàng đèn thay cho vẻ rực rỡ muôn màu trước đây...

Bác tài Yoshio của chúng tôi kể rằng, hàng tuần ông đều lái xe bus chở các tình nguyện viên đến Sendai để hỗ trợ tái thiết thành phố này.

Công việc chính của họ cũng như chúng tôi tại đây là hỗ trợ người dân Nhật trong việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Những căn nhà đổ nát giờ đây đã nhanh chóng lấy lại được vóc dáng nhờ một phần sức lực của bao cánh tay tình nguyện viên.

Vì chỉ có một ngày ngắn ngủi nên chúng tôi đã phải hết sức tranh thủ và khẩn trương trong việc trợ giúp người cao tuổi và người già cô đơn bằng cách giúp họ đi lại, sinh hoạt cá nhân hay tham gia chuẩn bị bữa ăn cho họ…

Trong các đoàn tình nguyện đó có rất nhiều người nước ngoài. Họ tập trung ở Tokyo rồi theo các xe bus miễn phí đến Sendai. Nguyên tắc của những người tình nguyện khi đến Sendai là: không khóc, không trang điểm (đối với nữ), và tự lo mọi thứ cho bản thân.

Không khóc ở Sendai

Không được khóc vì tất cả phải cùng chung tay nhìn về phía trước. Chúng tôi gặp chủ một doanh nghiệp lớn có văn phòng ở Tokyo và nhiều nước trên thế giới trong đoàn tình nguyện đổ về Sendai, cô Miharu.

Miharu chia sẻ rằng: “Mỗi tuần, tôi cho đóng văn phòng vài ngày để cùng toàn bộ nhân viên tham gia đoàn tình nguyện viên. Chúng tôi mang theo lương thực, quần áo, dụng cụ để lau chùi nhà cửa… Với mỗi người dân Sendai, điều quý giá nhất chính là bức ảnh gia đình còn sót lại trong đống đổ nát.”

“Mỗi khi tìm được một bức ảnh, chúng tôi đều lau rửa, nâng niu cẩn thận và luôn thầm mong những người trong bức ảnh này sẽ sớm đoàn tụ. Không được khóc luôn là điều khó khăn nhất khi phải tận mắt chứng kiến quá nhiều nỗi đau nhưng chúng tôi tin rằng nụ cười và bàn tay của các tình nguyện viên mới chính là điều người dân nơi đây cần có… Chúng tôi đã không khóc,” Miharu xúc động nói.

Biết chúng tôi là người Việt Nam, Miharu bày tỏ rằng: “Các bạn có thể mang theo nguyên liệu đến Sendai nấu phở tặng người dân và các tình nguyện viên!”

Hiện trên website Công ty của Miharu còn cho đăng thông báo mời mọi người đăng ký tham gia đoàn tình nguyện viên, mỗi chuyến đi trung bình khoảng 4 ngày. Chúng tôi cũng gặp bốn nhóm tình nguyện từ Ấn Độ, Sri Lanka, Mỹ và Indonesia đang chuẩn bị đến Sendai. Trông ai cũng có vẻ bồn chồn nhưng xen lẫn sự hào hứng muốn nhanh chóng được chung tay góp sức giúp người Nhật sớm khắc phục hậu quả thảm họa.

Trợ lý Giám đốc Cục Xúc tiến du lịch thuộc Tổng cục du lịch Nhật Bản Katsuhisa Ishizaki có người em trai hiện sống ở Sendai. Tuần trước ông vừa về thăm em và khảo sát tình hình.

Cơn ác mộng đã qua, được tận mắt chứng kiến đời sống Sendai sau thảm họa, ông Ishizaki tự tin nói với tôi rằng: “Chỉ một phần nhỏ nước Nhật bị ảnh hưởng và chúng tôi đang nỗ lực tái thiết khu vực này. Du khách và người nước ngoài làm việc ở Nhật đã bắt đầu quay trở lại. Các bạn có thể hoàn toàn yên tâm đến Nhật tham quan và làm tình nguyện nếu muốn. Nước Nhật an toàn.”

Hiện tại, các cá nhân, tập thể ở Việt Nam có thể trải nghiệm hành trình của chúng tôi cùng với Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist. Saigontourist đã tiên phong triển khai hành trình mang tính trải nghiệm “Một ngày làm tình nguyện viên tại Sendai”: Thành phố Hồ Chí Minh – Tokyo – Sendai 4 ngày, khởi hành ngày 7 và 14/7.

Ngoài việc được tham gia hoạt động tình nguyện tại Sendai cùng các thành viên khác thuộc Tổ chức tình nguyện viên của Nhật Bản để góp sức tái thiết thành phố, du khách còn có thời gian cảm nhận những cảnh đẹp hùng vĩ và thiêng liêng của người dân Nhật Bản như núi Phú Sĩ, làng cổ Oshino Hakkai, Hoàng cung cổ kính, chùa Quan Âm Asakusa và đền thờ Minh Trị…./.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục