Du lịch Việt Nam 2017: “Có thực mới vực được… hoàn cảnh”

Nguồn ngân sách dành cho quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam năm 2017 dự kiến huy động được khoảng 15 triệu USD (tăng 15% so với năm 2016). Vậy số ngân sách này sẽ được phân bổ như thế nào?
Du lịch Việt Nam 2017: “Có thực mới vực được… hoàn cảnh” ảnh 1Hang Sơn Đoòng hấp dẫn ở tính mạo hiểm và đòi hỏi cao về sức khoẻ, tâm lý, ham muốn khám phá và yêu thiên nhiên. (Ảnh: Ryan Deboodt)

11,5 triệu khách du lịch quốc tế, 70 triệu khách nội địa và tổng thu từ du lịch đạt 465.000 tỷ đồng… là mục tiêu đầy khó khăn mà những nhà quản lý đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam năm 2017.

Và để hiện thực hóa mục tiêu đó, một kế hoạch tổng thể được xây dựng từ chính sách, truyền thông đến chương trình hành động cụ thể, chi tiết đã được vạch ra.

Truyền thông theo chiều sâu

Trong năm 2016, ngành du lịch dẫu được đánh giá có những kỳ tích tăng trưởng, tiến bộ vượt bậc, thành tựu nổi bật và đáng ghi nhớ nhất một phần cũng là nhờ những nỗ lực từ công tác quảng bá xúc tiến, nhưng những việc đã làm thực sự chưa phải xuất sắc nếu so với các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia...

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, hàng loạt sự kiện và hoạt động quảng bá xúc tiến đã triển khai của ngành đang dần có chiều sâu và bắt đầu chuyên nghiệp hơn. Ví dụ như, về xu hướng sử dụng công nghệ mạng e-marketing có hẳn một chiến lược, chương trình hợp tác giữa Tổng cục Du lịch với Hội đồng Tư vấn du lịch, với Viettel, VTV, Mobilphone… cũng như các cơ quan truyền thông lớn.

Cơ quan quản lý đã lập kế hoạch định hướng tuyên truyền quảng bá cho năm 2017. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ đúc rút kinh nghiệm và xây dựng các chương trình xúc tiến quảng bá bài bản hơn, bắt đầu với các thị trường trọng điểm là Đông Bắc Á, ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ và còn lại là những thị trường mới nổi. Đặc biệt, ngày càng phải cộng hưởng các sự kiện với nhau. Chẳng hạn như làm roadshow phải gắn với famtrip, làm hội chợ phải huy động được tất cả các nguồn lực từ doanh nghiệp.”

Theo ông Siêu, thời gian tới, với mỗi thị trường mục tiêu Tổng cục xác định rõ những điểm đến nào của Việt Nam sẽ gắn với thị trường nào, thông điệp ra sao. Ví dụ, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đang là điểm đến ưa thích của khách Trung Quốc, và trong kế hoạch triển khai, Tổng cục sẽ tiếp tục thông điệp Việt Nam không chỉ có ba điểm đó. Đối với thị trường Nga, sẽ mang đến thông điệp Việt Nam không chỉ có biển… Quảng bá như vậy sẽ dần đi vào chiều sâu.

“Tiếp đến, sẽ nhắm tới các nhóm đối tượng, du lịch gia đình là tiêu điểm, là những đối tượng chi tiêu cao mà có nhiều dịch vụ có thể cung cấp được cho họ,” ông Siêu nhấn mạnh.

Du lịch Việt Nam 2017: “Có thực mới vực được… hoàn cảnh” ảnh 2Du khách quốc tế thích thú đi cầu khỉ ở Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Tập trung vào các giải pháp cụ thể

Để đạt được những mục tiêu đặt ra, ngoài kế hoạch truyền thông, các nhà quản lý du lịch khẳng định, toàn ngành sẽ tập trung vào một số giải pháp cơ bản.

Trước tiên, cần tiếp tục tập trung xây dựng thể chế, hoàn thiện những cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho du lịch phát triển; trong đó việc trình Quốc hội ban hành Luật Du lịch sửa đổi cũng như sớm xây dựng Nghị định thi hành chi tiết Luật Du lịch sửa đổi là một trong những giải pháp hết sức quan trọng…

Thứ hai, tiếp tục tập trung thúc đẩy quảng bá xúc tiến du lịch cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế thông qua chiến dịch thực hiện xúc tiến về sản phẩm, xúc tiến điểm đến, giới thiệu những tiềm năng tài nguyên, thế mạnh của du lịch Việt Nam, đặc biệt ưu tiên e-marketing. Đối với các thị trường quốc tế, tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế để giới thiệu về tiềm năng du lịch Việt Nam.

Thứ ba, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, cả về nguồn nhân lực quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp và lao động nghề để làm sao có được đội ngũ lao động thực sự chuyên nghiệp, có năng lực, có kỹ năng tốt và kịp thời hội nhập với khu vực, quốc tế trong quá trình phát triển du lịch.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch quản lý, nâng cao chất lượng điểm đến cũng như xây dựng những sản phẩm du lịch mới để phát huy những thế mạnh sẵn có của du lịch Việt Nam về tài nguyên du lịch, tiềm năng du lịch, từ đó nâng cao sức hấp dẫn của các điểm đến, của các sản phẩm đối với du khách trong nước và quốc tế.

Du lịch Việt Nam 2017: “Có thực mới vực được… hoàn cảnh” ảnh 3Du lịch sinh thái miền Tây rất được du khách trong và người nước yêu thích. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

“Có thực mới vực được… hoàn cảnh”

Để có thể đẩy mạnh truyền thông theo chiều sâu cũng như hiện thực các kế hoạch, được biết, năm nay nguồn ngân sách dành cho quảng bá xúc tiến du lịch dự kiến khoảng 15 triệu USD (tăng 15% so với năm 2016).

Vậy nguồn ngân sách này sẽ được phân bổ như thế nào? Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch phân tích: “Trong điều kiện ngân sách hết sức khó khăn hiện nay, chúng ta phải có những cách làm sáng tạo và phù hợp. Trước hết, từ nguồn lực bố trí của ngân sách nhà nước theo Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia và Chương trình hành động quốc gia, Tổng cục Du lịch sẽ tích cực tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung vào các chiến dịch quảng bá tại các hội chợ trong nước và quốc tế, các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam cũng như xây dựng sản phẩm và tổ chức các đoàn fam của Việt Nam đối với các doanh nghiệp nước ngoài, các đoàn báo chí nước ngoài khi đến Việt Nam; hợp tác công-tư để thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp du lịch hàng đầu, từ các nhà đầu tư vào du lịch.”

Nhiệm vụ quảng bá xúc tiến du lịch được các cấp quản lý đặc biệt quan tâm đẩy mạnh, qua việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, các chương trình giới thiệu sản phẩm du lịch Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Ngô Hoài Chung nói về việc phân bổ nguồn ngân sách dành cho quảng bá xúc tiến năm 2017.

“Chúng ta sẽ huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu về du lịch Việt Nam mà hiện nay sản phẩm của họ gắn liền với sự tăng trưởng khách quốc tế như VinGroup, SunGruop, FLC, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Saigontourist…; tăng cường hợp tác, kết nối giữa du lịch Việt Nam với những ngành được hưởng lợi từ du lịch như hàng không, giao thông vận tải… để từ đó thu hút nguồn lực phục vụ cho phát triển du lịch cũng như quảng bá xúc tiến du lịch,” ông Chung cho hay.

Bao năm qua, công tác quảng bá xúc tiến là một trong những điểm yếu của ngành du lịch Việt Nam. Bởi thực tế là, tiền ít, các chương trình hành động xây dựng thiếu chuyên nghiệp và hời hợt, lực lượng quảng bá phân tán…

Nhưng nay, nhận thức từ các cấp quản lý đã thay đổi, hành động đã mạnh mẽ và quyết liệt hơn, lại thêm các doanh nghiệp “giàu tiềm lực” góp sức, hy vọng hành trình đưa hình ảnh Việt Nam ra với thế giới sẽ thênh thang thuận lợi để thu hút được nhiều khách đến chơi nhà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục