Du lịch Việt Nam duy trì tăng trưởng liên tục về lượng khách

Mặc dù chịu nhiều tác động từ diễn biến căng thẳng tại Biển Đông, trong 11 tháng năm 2014, ngành du lịch Việt Nam vẫn duy trì chỉ số tăng trưởng liên tục và cao hơn so với năm trước.
Du lịch Việt Nam duy trì tăng trưởng liên tục về lượng khách ảnh 1Du khách quốc tế tham quan Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Tại hội nghị doanh nghiệp du lịch năm 2014, diễn ra chiều 28/11 tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết mặc dù chịu sự tác động từ nhiều sự cố giai đoạn đầu năm và giữa năm, đặc biệt từ diễn biến phức tạp do căng thẳng tại Biển Đông nhưng trong 11 tháng năm 2014, ngành du lịch vẫn duy trì chỉ số tăng trưởng liên tục và cao hơn so với năm trước.

Đây là dấu hiệu thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành, đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp cố gắng vượt qua thách thức, khẳng định vị thế và sự đóng góp hiệu quả của ngành du lịch cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong 11 tháng của năm 2014, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 7,2 triệu lượt khách, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2013; khách du lịch nội địa đạt 36,4 triệu lượt khách, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2013; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 212.000 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Du lịch Việt Nam ngày càng hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển du lịch. Các khu vực Hà Nội-Quảng Ninh-Hải Phòng, Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam, Khánh Hòa-Lâm Đồng, Bình Thuận-Bà Rịa-Vũng Tàu-Thành phố Hồ Chí Minh, Long An-Tiền Giang-Cần Thơ… đã khẳng định rõ nét là các trung tâm thu hút khách du lịch, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa đối với các địa phương lân cận.

Quá trình liên kết giữa các địa phương cùng xây dựng sản phẩm, khẳng định thương hiệu vùng ngày càng được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ không ngừng được đổi mới, đầu tư.

Nhiều khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khách sạn với quy mô và chất lượng mang tầm cỡ quốc tế (4-5 sao) được khởi công, hoàn thiện, đưa vào phục vụ đã góp phần tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực diễn ra ngày càng quyết liệt hơn, nhất là trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng dịch vụ.

Trong khi đó, hệ thống chính sách và các cơ chế đặc thù cho ngành du lịch còn thiếu, tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch ở nhiều địa phương còn hạn chế; liên kết, hợp tác phát triển du lịch chưa thực sự có chiều sâu và hiệu quả; tình trạng ô nhiễm môi trường, quá tải… vẫn tác động tiêu cực đến phát triển du lịch ở một số địa phương.

Trong năm 2015, dự kiến, ngành du lịch phấn đấu đạt 8,5-9 triệu lượt khách quốc tế; 41,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 290.000 tỷ đồng.

Ngành du lịch sẽ xây dựng chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới, tập trung thực hiện đề án hình thành các khu du lịch quốc gia trọng điểm; phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị gia tăng cao.

Tại hội nghị, Tổng cục Du lịch cũng đã công bố Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc” nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đi tham quan du lịch tới các vùng miền trong cả nước; thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng tham gia thúc đẩy phát triển du lịch; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Mục tiêu cụ thể của chương trình là thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch nội địa, phấn đấu đạt và vượt con số 35 triệu lượt khách nội địa năm 2014 và 37,5 triệu lượt khách nội địa năm 2015.

Chương trình được thực hiện trong ba tháng cuối năm 2014 và cả năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục