Dư luận Đức quan tâm bài phát biểu của Thủ tướng

Bài phát biểu của Thủ tướng khai mạc Đối thoại Shangri-La đã được các nhà nghiên cứu và dư luận Đức rất quan tâm và đánh giá cao.
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khai mạc Đối thoại Shangri-La ngày 31/5 đã được các nhà nghiên cứu và dư luận Đức rất quan tâm và đánh giá cao.

[Thế giới đề cao phát biểu của Thủ tướng VN tại SLD]
 
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Berlin ngày 3/6, Tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia Đông Nam Á của Quỹ Khoa học và Chính trị (SWP), Viện chính trị và an ninh quốc tế Đức cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý tới một điểm rất quan trọng là phải xây dựng lòng tin chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vì lòng tin ở khu vực này đã bị phá vỡ vì tham vọng cường quốc của một số quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đúng khi nhấn mạnh tới một điều là chỉ xây dựng được lòng tin, khi người ta lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở và người ta lấy những quy tắc này để giải quyết xung đột và xây dựng lòng tin.
 
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn rất mạnh tới tính trung tâm, tới vai trò trung tâm của ASEAN. Tiến sỹ Will cho rằng đây là một điểm rất quan trọng. ASEAN tiếp tục phải khẳng định vai trò trung tâm của mình chứ không phải bỏ mặc cho Mỹ và Trung Quốc. ASEAN phải đoàn kết và đưa ra cấu trúc để có thể gắn kết các cường quốc vào cơ cấu của mình với tư cách là lực lượng bảo đảm, nhưng phải duy trì vị trí trung tâm của mình.

[Thủ tướng phát biểu chính tại Đối thoại Shangri-La]
 
Ngoài ra, nhiều báo Đức đã đưa tin, phân tích về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
 
Dưới đầu đề "Hội nghị thượng đỉnh an ninh ở Singapore: Việt Nam kêu gọi các cường quốc," báo Thế giới trẻ đăng một bài dài của ông Hellmut Kapfenberger, nguyên phóng viên Đức thường trú tại Hà Nội, trong đó dẫn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, sau những cuộc chiến tranh khốc liệt trong thế kỷ 20 và nhiều thập kỷ chia rẽ sâu sắc, khu vực này đang khao khát hòa bình. Vì vậy, cần phải xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược. Nhưng xu hướng tăng cường gây ảnh hưởng và cạnh tranh của các cường quốc không chỉ ẩn chứa những nhân tố tích cực, mà cả những nguy cơ rủi ro tiêu cực.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trông đợi Mỹ và Trung Quốc không chỉ kiếm lợi ích cho riêng mình, mà còn góp phần vào hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của tất cả các nước trong khu vực, nếu chiến lược và hành động của họ phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, không quên quá khứ, nhưng phải nhìn về tương lai. Việt Nam sẽ không liên minh với một nước nào để chống lại một nước khác. Việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam chỉ phục vụ cho việc phòng thủ và bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình.
 
Báo Nước Đức Mới cũng đưa tin về phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị an ninh ở Singapore, trong đó nhấn mạnh lời kêu gọi xây dựng lòng tin chiến lược, coi đó là chìa khóa cho hòa bình, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực. Ông bày tỏ lo ngại về căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, về tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông có thể ảnh hưởng tới hòa bình trong khu vực.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phản đối những đòi hỏi sở hữu, quyền ưu tiên đơn phương và vô lý, kêu gọi các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc tích cực hoạt động vì sự hợp tác, hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Thủ tướng khẳng định một bộ nguyên tắc ứng xử ở Biển Đông có tính chất ràng buộc về quốc tế phải đảm bảo cho việc lưu thông tự do trên không và trên biển trong khu vực tranh chấp./.

Văn Long-Thanh Hải/Berlin (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục